Từ trao sinh kế
Chồng mất sớm, một mình chị H'Blăi (làng Bông Phun, xã Chư Á) phải bươn chải làm lụng để trang trải cuộc sống gia đình và nuôi dạy 3 người con ăn học. Nhận thấy hoàn cảnh khó khăn của gia đình chị H'Blăi, năm 2014, UBND xã đã vận động các hội, đoàn thể giúp đỡ 1 con bò sinh sản và cặp heo giống làm phương tiện sinh kế. Cùng với đó, chị được tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò, heo theo hướng sinh học. Nhờ chăn nuôi khoa học, đàn bò của gia đình chị đã phát triển lên 7 con, đàn heo 17 con.
“Nhờ sự giúp đỡ kịp thời của chính quyền địa phương mà cuộc sống của mấy mẹ con bây giờ đã đỡ khổ hơn. Mình hứa sẽ nuôi dạy các con ăn học cũng như chăm sóc tốt đàn vật nuôi, từng bước nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững”-chị H'Blăi trải lòng.
Đời sống kinh tế của gia đình chị H’Blăi đã ổn định hơn nhờ được hỗ trợ bò sinh sản để chăn nuôi. Ảnh: Quang Tấn |
Còn chị Mluih (làng Ia Lang, phường Chi Lăng) cũng rất phấn khởi khi được chính quyền địa phương hỗ trợ 50 triệu đồng để xây dựng ngôi nhà mới khang trang. “Không những hỗ trợ xây dựng nhà mới, mình còn được chính quyền phường quan tâm hỗ trợ 1 cặp bò sinh sản để phát triển chăn nuôi. Vợ chồng mình sẽ cố gắng làm ăn, chăm sóc bò phát triển tốt để thoát nghèo bền vững”-chị Mluih chia sẻ.
Theo ông Từ Văn An-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Pleiku, trong năm qua, Mặt trận 2 cấp của thành phố đã vận động các tầng lớp nhân dân hỗ trợ được 1,7 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, Mặt trận các cấp đã hỗ trợ 26 hộ nghèo xây dựng, sửa chữa nhà và hỗ trợ sinh kế cho hàng chục hộ nghèo, cận nghèo.
Đến hỗ trợ vốn ưu đãi
Bên cạnh trao sinh kế, các hộ nghèo, cận nghèo, nhất là người dân tộc thiểu số cũng được Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) tỉnh tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất để vươn lên thoát nghèo.
Nhờ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, nhiều hộ nghèo, cận nghèo ở làng Wâu (xã Chư Á) đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Q.T |
Trước đây, gia đình chị Thom (làng Wâu, xã Chư Á) là một trong những hộ nghèo của làng. Cả gia đình trông vào 3 sào ruộng lúa và thu nhập từ việc làm thuê. Trong lúc khó khăn chưa tìm được hướng để thoát nghèo, năm 2019, chị Thom được Hội Nông dân phường giới thiệu ủy thác vay vốn Ngân hàng CSXH tỉnh. Với số vốn vay ban đầu 30 triệu đồng, chị mua bò giống về nuôi và cải tạo gần 1 sào đất để trồng cỏ làm thức ăn cho bò. Nhờ cần cù, lại ham học hỏi áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi, đàn bò của gia đình chị phát triển tốt.
Chị Thom vui vẻ nói: “Khi được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi, mình quyết định mua bò để phát triển chăn nuôi. Sau 3 năm, đàn bò của gia đình đã phát triển lên được 4 con, mình bán bớt trả hết nợ cũ và vay thêm 50 triệu đồng để mở rộng chăn nuôi. Bây giờ, gia đình mình đã thoát nghèo và có thu nhập ổn định hơn”.
Với nhiều chương trình tín dụng chính sách ưu đãi dành cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, nguồn vốn của Ngân hàng CSXH trở thành nguồn lực quan trọng trong công tác giảm nghèo. Đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách là 333 tỷ đồng, với 9.000 khách hàng vay vốn. Có vốn vay, nhiều hộ nghèo, cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ông Ksor Khiên-Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn làng Wâu-cho hay: “Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, Ngân hàng CSXH tỉnh đã tạo điều kiện để các hộ dân trong làng vay vốn. Từ nguồn vốn vay này, các gia đình cố gắng làm ăn, phát triển chăn nuôi, trồng trọt đem lại hiệu quả kinh tế, từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu”.
Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của TP. Pleiku giảm còn 0,4%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 0,84%. Năm 2023, thành phố phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 0,32%, giảm tỷ lệ hộ cận nghèo dưới 0,8%. Để đạt mục tiêu đề ra, thành phố tập trung triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia như: giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, ưu tiên thực hiện chính sách hỗ trợ gắn với đối tượng, địa bàn và thời gian thụ hưởng cũng như nhu cầu thực tế nhằm tăng cơ hội tiếp cận chính sách và khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo.