Phòng-chống cháy rừng tại Gia Lai: Quán triệt phương châm "4 tại chỗ"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Gia Lai đang bước vào những tháng mùa khô khắc nghiệt nhất trong năm, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Vì vậy, ngành chức năng, các địa phương, đơn vị chủ rừng đã triển khai nhiều biện pháp phòng-chống cháy rừng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, năm 2019, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 8 vụ cháy rừng, gây thiệt hại 91,35 ha. Trong đó, cháy lướt thảm thực bì 33,13 ha; cháy rừng trồng dặm (năm 2016) 0,52 ha; cháy rừng trồng chưa nghiệm thu thành rừng 25,2 ha; cháy cây keo, bời lời của người dân 32,5 ha.
 Diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng. Ảnh: N.S
Diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng. Ảnh: N.S
Rút kinh nghiệm từ những vụ cháy trên, ngày từ đầu mùa khô năm nay, các địa phương, đơn vị chủ rừng đã chủ động triển khai các biện pháp phòng-chống cháy rừng, nhất là những diện tích rừng trồng. Tại Đak Đoa, bên cạnh việc củng cố, kiện toàn Ban chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) các cấp, UBND huyện đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng bám sát địa bàn, thực hiện nghiêm các biện pháp PCCCR. Hiện nay, trên địa bàn huyện có gần 20 ngàn ha rừng (hơn 18.800 ha rừng tự nhiên và gần 1.000 ha rừng trồng), trong đó có hơn 5.000 ha rừng dễ xảy ra cháy và rất dễ cháy gồm hơn 4.532 ha rừng tự nhiên tại các xã: Hà Đông, Đak Krong, Kon Gang, Đak Sơ Mei và 550 ha rừng trồng tại các xã: Glar, Tân Bình, Ia Băng, A Dơk, thị trấn Đak Đoa.
Để ngăn chặn nguy cơ xảy ra cháy rừng, Hạt Kiểm lâm huyện Đak Đoa đã chỉ đạo lực lượng kiểm lâm địa bàn phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn tiến hành đốt có điều khiển dưới tán rừng trên toàn bộ diện tích rừng trồng có nguy cơ cháy cao; làm đường ranh cản lửa để ngăn lửa cháy vào rừng tự nhiên. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, vận động nâng cao nhận thức về bảo vệ và phát triển rừng; hướng dẫn và giám sát chặt chẽ việc đốt rẫy và sử dụng lửa gần rừng, không để cháy lan vào rừng. Ông Nguyễn Văn Sơn-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đak Đoa-cho biết: “Với phương châm “4 tại chỗ”, Hạt Kiểm lâm huyện, các đơn vị chủ rừng và chính quyền địa phương đã có những phương án để phát hiện, xử lý kịp thời nếu xảy ra cháy trong mùa khô năm nay”.
Tương tự, huyện Ia Grai cũng là vùng có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Hiện nay, gần 2.500 ha trong tổng số 21.113 ha rừng trên địa bàn huyện có nguy cơ xảy ra cháy cao và rất cao, chủ yếu ở các xã: Ia O, Ia Chía, Ia Pếch, Ia Khai… Theo ông Lâm Văn Long-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ia Grai, lãnh đạo đơn vị đã chỉ đạo lực lượng kiểm lâm địa bàn phối hợp với chính quyền địa phương, các đơn vị chủ rừng tổ chức các tổ công tác thường xuyên tuần tra, trực 24/24 giờ tại các cửa rừng, khu vực dễ xảy ra cháy. Đồng thời, xây dựng quy chế phối hợp với các đơn vị chủ rừng, các xã có rừng nhằm huy động lực lượng kịp thời hỗ trợ khi xảy ra cháy; tập trung đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi tập quán sinh hoạt và sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số trong việc đốt nương, làm rẫy, săn bắn… nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra cháy từ những hoạt động này.
 Diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng. Ảnh: N.S
Diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng. Ảnh: N.S
Ông Nguyễn Duy Lân-Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh-cho hay: Trước diễn biến phức tạp của thời tiết trong mùa khô năm nay, với phương châm phòng là chính, cơ quan thường trực PCCCR tỉnh đã tham mưu giúp UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai các biện pháp PCCCR ngay từ đầu mùa khô. Đồng thời, Chi cục cũng phối hợp với Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn (Công an tỉnh) tiến hành kiểm tra, đôn đốc công tác PCCCR mùa khô 2019-2020 tại các đơn vị chủ rừng và các huyện, thị xã, thành phố. Ngoài ra, Chi cục cũng chỉ đạo Hạt Kiểm lâm các huyện, thị xã, Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR số 2 tăng cường tổ chức tuyên truyền về PCCCR và bảo vệ rừng với nhiều hình thức phong phú, sinh động để người dân hiểu và tích cực tham gia bảo vệ rừng, PCCCR; tích cực theo dõi, nắm tình hình, hàng ngày báo cáo tình hình cháy rừng trên địa bàn về Chi cục Kiểm lâm để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp và PTNT.
 QUANG TẤN-NGỌC SANG

Có thể bạn quan tâm

Năng suất và giá lúa trà sớm giảm, nông dân kém vui

Năng suất và giá lúa trà sớm giảm, nông dân kém vui

(GLO)- Hiện nay, một số vùng trọng điểm lúa nước của tỉnh Gia Lai đang thu hoạch lúa trà sớm vụ Đông Xuân 2024-2025. Tuy nhiên, một số vùng bị ảnh hưởng của thời tiết nên bước vào thu hoạch năng suất giảm. Hơn nữa, giá lúa Đông Xuân cũng giảm, nông dân thu lợi nhuận không cao so với năm trước.

Các thương hiệu cà phê của Gia Lai được trưng bày, giới thiệu tại nhiều điểm bán hàng OCOP. Ảnh: V.T

Xây dựng thương hiệu: Đòn bẩy để nông sản vươn xa

(GLO)- Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm là một bước quan trọng trong phát triển bền vững và là đòn bẩy để nông sản vươn xa. Sự thành công trong xây dựng thương hiệu không chỉ giúp tăng giá trị cho sản phẩm mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp trong tương lai.

Người dân xã Nam Yang (huyện Đak Đoa) thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Vũ Thảo

Niên vụ hồ tiêu 2024-2025: Niềm vui chưa trọn

(GLO)- Thời điểm này, bà con nông dân trong tỉnh Gia Lai đang khẩn trương thu hoạch hồ tiêu niên vụ 2024-2025. Dù giá hồ tiêu đang ở mức cao nhưng do ảnh hưởng bởi thời tiết, nhất là giai đoạn cây ra hoa gặp không khí lạnh kéo dài dẫn đến năng suất giảm 20-30% so với vụ trước.