Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch: Đảm bảo thuốc, vật tư y tế, làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe người dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều 20-7, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức cuộc họp nghe Sở y tế báo cáo kết quả triển khai các nhiệm vụ của ngành, tình hình hoạt động của Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ của ngành Y tế. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch chủ trì cuộc họp.

Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các sở, ngành: Y tế, Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch-Đầu tư, Bảo hiểm Xã hội; đại diện các phòng, ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc Sở Y tế.

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Lý Minh Thái thông tin: Số ca bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh tính từ 1-1-2023 đến nay là 1.411 ca, không có trường hợp tử vong; giảm 41% so với cùng kỳ năm 2022. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 8 ca tử vong do bệnh dại, đứng đầu cả nước về tử vong do bệnh dại; trong đó huyện Đức Cơ có 3 ca, chiếm 37,5% số ca dại; các huyện: Chư Prông, Chư Sê, Đak Đoa, Chư Pưh, Kông Chro mỗi huyện 1 ca. Trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã triển khai công tác tiêm chủng mở rộng với tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ, kết quả mới chỉ đạt 29,64% (8.093/27.297 đối tượng).

Ông Lý Minh Thái- Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế tỉnh báo cáo về công tác y tế 6 tháng đầu năm 2023. Ảnh: Như Nguyện

Ông Lý Minh Thái- Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế tỉnh báo cáo về công tác y tế 6 tháng đầu năm 2023. Ảnh: Như Nguyện

Về công tác khám chữa bệnh, nhìn chung các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đảm bảo việc cung ứng thuốc đầy đủ và kịp thời cho nhu cầu khám chữa bệnh. Tuy nhiên một số cơ sở y tế (Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Kông Chro) xuất hiện tình trạng thiếu cục bộ đối với một số thuốc với lý do công nợ của các cơ sở y tế và nhà thầu dẫn đến việc cung ứng không đủ số lượng theo hợp đồng đã ký kết; trong đó, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh có 14 danh mục thuốc hiện đã hết không có thuốc thay thế.

Đối với việc thực hiện tự chủ, các đơn vị y tế gặp nhiều khó khăn, đặc biệt ở khu vực vùng sâu, vùng xa do người dân có mức sống thấp, khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế hạn chế. Bên cạnh đó, giá dịch vụ y tế chưa tính đúng tính đủ các yếu tố cấu thành.

Về tình hình nhân sự, hiện nay Sở Y tế tỉnh chưa có Giám đốc, một số đơn vị trực thuộc ngành Y tế còn khuyết cấp trưởng, cấp phó…Từ đầu năm đến nay, toàn ngành Y tế có 26 người nghỉ việc, thôi việc, bỏ việc; 25 người nghỉ hưu; trong đó bác sĩ là 19/51 người (chiếm 37%), còn lại các chức danh nghề nghiệp khác. Riêng Bệnh viện Đa khoa tỉnh, từ cuối năm 2022 đến những tháng gần đây có 35 viên chức nghỉ việc (bao gồm cả biên chế và hợp đồng); trong đó có 16 bác sĩ (1 bác sĩ CKII, 2 thạc sĩ, 1 bác sĩ CK1 và 12 bác sĩ). Tình trạng chuyển công tác, xin nghỉ việc hoặc thầy thuốc ở bệnh viện công bỏ việc để chuyển sang làm việc tại các bệnh viện tư đang là vấn đề khó khăn lớn cho các cơ sở khám chữa bệnh công lập.

Tại cuộc họp, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh trình bày thêm các khó khăn, vướng mắc, tồn tại hiện nay như: Vấn đề nhân viên y tế nghỉ việc, bỏ việc; công nợ nhiều; thiếu thuốc, vật tư y tế… đã và đang ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh tại đơn vị. Cuộc họp cũng ghi nhận ý kiến của lãnh đạo các sở, ngành tập trung vào các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành Y tế nói chung, Bệnh viện Đa khoa tỉnh nói riêng; góp ý phương án tự chủ bệnh viện, Đề án phát triển y tế tỉnh Gia Lai đến năm 2030.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch chủ trì cuộc họp. Ảnh: Như Nguyện
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch chủ trì cuộc họp. Ảnh: Như Nguyện

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch nhấn mạnh: Trước những khó khăn, tồn tại của ngành Y tế nói chung, Bệnh viện Đa khoa tỉnh nói riêng, đề nghị ngành Y tế và Bệnh viện Đa khoa tỉnh cần có hội nghị chuyên ngành, đối thoại để cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Ngành Y tế rà soát lại nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, tiếp tục kiểm soát tình hình dịch bệnh; đảm bảo thuốc men, vật tư y tế, làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Bên cạnh đó, các đơn vị đảm bảo lương, không nợ lương, chậm lương đối với nhân viên y tế. Ngành Y tế tiếp tục quan tâm triển khai các công trình, dự án y tế từ chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án từ nguồn vốn khác; khẩn trương tổ chức tiêm vắc xin cho trẻ dưới 1 tuổi trong chương trình tiêm chủng mở rộng…

Liên quan đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch yêu cầu thành lập một tổ công tác liên ngành để rà soát lại toàn bộ các vấn đề tồn tại, vướng mắc của đơn vị, từ đó tham mưu đề xuất các giải pháp để củng cố, phát triển bệnh viện. Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng cần có đề án để cấu trúc lại đơn vị trong thời gian tới… Đối với vấn đề tự chủ, ngành Y tế tổ chức hội nghị để đánh giá lại vấn đề này và xây dựng phương án tự chủ phù hợp; tiếp tục quan tâm vấn đề tuyển dụng viên chức cho ngành Y tế; chú trọng, quan tâm chuyển đổi số …Về Đề án phát triển y tế tỉnh Gia Lai đến năm 2030, ngành Y tế cần tổ chức một hội nghị riêng để có kế hoạch cụ thể và bắt tay triển khai ngay sau khi đề án được phê duyệt.

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai thu hút nguồn nhân lực trình độ cao

Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai thu hút nguồn nhân lực trình độ cao

(GLO) - Sau 1 năm đi vào hoạt động, Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai đã trở thành địa chỉ khám-chữa bệnh tin cậy trong khu vực. Trong định hướng phát triển, đơn vị tiếp tục có chính sách thu hút nguồn nhân lực trình độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng tốt hơn.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.