Ông Lê Đăng Doanh nói về nghi vấn Công ty Tenma hối lộ công chức VN 25 triệu yên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Theo bài viết đăng ngày 12/5 trên báo Asahi của Nhật, hãng sản xuất nhựa Tenma- có trụ sở tại Tokyo Nhật Bản đã “đầu thú” với Tòa án Tokyo rằng, Công ty TNHH Tenma Việt Nam đã hối lộ cán bộ nhà nước của Việt Nam với tổng số tiền ước tính lên đến 25 triệu yên (tương đương khoảng 5,4 tỷ đồng).
Mới đây, một số hãng thông tấn, báo của Nhật Bản như Asahi, Kyodo, Nikkei...đã đưa tin Công ty TNHH Tenma Việt Nam (công ty mẹ tại Tokyo, Nhật Bản) đã khai báo 2 lần hối lộ tổng cộng 25 triệu yên cho một số cán bộ, công chức Việt Nam.
Trao đổi với báo chí về thông tin này, ông Ngô Xuân Tòng, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh cho biết, hiện nay Tổng Giám đốc của Công ty Tenma chưa sang Việt Nam làm việc nên chưa thể xác định rõ thông tin này. Tuy nhiên, theo ông Tòng, các cơ quan chức năng Bắc Ninh chưa nhận được bất cứ thông tin chính thức từ phía cơ quan chức năng Nhật.
"Đây mới là thông tin từ báo chí Nhật đăng tải, chúng tôi chưa tiếp nhận sự việc cũng như bất cứ chứng cứ nào từ phía cơ quan chức năng Nhật. Tuy nhiên, chúng tôi đã làm việc với Công an tỉnh Bắc Ninh và Cục Hải quan Bắc Ninh, cũng đã báo cáo toàn bộ nội dung sự việc với Bộ Tài chính", ông Tòng nói.
Ông Tòng cũng nhấn mạnh: "Đồng thời, chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng toàn bộ sự việc này vào ngày 26/6".
 
Công ty Tenma Việt Nam tại Khu Công nghiệp Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, dù chưa xác minh được toàn bộ sự việc, nhưng đây cũng là một thông tin để Việt Nam cải thiện được môi trường đầu tư, kinh doanh, đón làn sóng đầu tư FDI sắp tới.
Ông Doanh nhận định, việc Công ty Tenma mới chỉ trình báo ở Nhật có thể do sức ép của pháp luật Nhật Bản hiện hành. Tới đây, cơ quan luật pháp Việt Nam cần liên hệ với các cơ quan nước bạn, đề nghị cung cấp các thông tin liên quan để phối hợp cùng điều tra.
"Chúng ta nên tỏ thái độ khách quan, tôn trọng sự việc, và thúc đẩy sự hợp tác làm rõ sự việc này trên khía cạnh hợp tác, xây dựng. Trên cơ sở có kết quả thì sẽ rút ra kết luận, cũng như có cái nhìn tổng quan hơn để phòng, chống những trường hợp tương tự có thể xảy ra trong tương lai", ông Doanh cho hay.
Theo Tiến sĩ, với tình hình tham nhũng hiện tại, chúng ta có thể tham khảo chỉ số về cảm nhận tham nhũng của tổ chức minh bạch quốc tế sẽ thấy rằng, Việt Nam tuy có tiến bộ nhưng xếp hạng về tham nhũng trên thế giới còn rất thấp.
Ngay cả báo cáo của Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam VCCI về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cho biết khoảng 54% DN Việt Nam vẫn phải chi trả ngoài pháp luật để bôi trơn, tất cả những cái đó sẽ là điều để Việt Nam có thái độ khách quan, tích cực đón nhận những thông tin như trên để xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.
Trước đó, theo bài viết đăng ngày 12/5 trên báo Asahi của Nhật, hãng sản xuất nhựa Tenma- có trụ sở tại Tokyo Nhật Bản đã “đầu thú” với Tòa án Tokyo rằng một công ty con của hãng tại KCN Quế Võ, Bắc Ninh, Việt Nam- công ty TNHH Tenma Việt Nam đã hối lộ cán bộ nhà nước của Việt Nam với ước tính tổng số tiền lên đến 25 triệu yên (tương đương khoảng 5,4 tỷ đồng).
Các công tố viên quận Tokyo ban đầu đánh giá hành vi này của Tenma đã vi phạm Luật phòng chống cạnh tranh không lành mạnh của Nhật Bản.
Theo cơ quan điều tra, khoản tiền trên được lãnh đạo Công ty Tenma trực tiếp thông qua khoản “phí điều chỉnh” cho các cán bộ của của một cơ quan địa phương của Việt Nam nhằm được miễn giảm khoản truy thu thuế đối với công ty con tại Việt Nam.
Khoản “phí điều chỉnh” trị giá 25 triệu yên này được thực hiện qua 2 lần.
Cụ thể, lần đầu tiên vào tháng 6 năm 2017, sau khi nhận được thông báo về khoản truy thu thuế giá trị giá tăng với vật liệu thô nhập khẩu lên tới 400 tỷ đồng, lãnh đạo của công ty con Tenma Việt Nam đã đưa ra với trụ sở về “sáng kiến” hối lộ cho các cán bộ địa phương Việt Nam nhằm được miễn khoản tiền trên.
Được sự đồng ý của ông Kento Fujino, Chủ tịch tại trụ sở chính của công ty, Tenma Việt Nam đã trả 2 tỷ đồng (khoảng 10 triệu yên) cho cán bộ của Việt Nam để tránh khoản phụ phí. Kết quả, công ty này đã được miễn 400 tỷ đồng.
Ngoài ra, vào tháng 8 năm 2019, sau một cuộc kiểm tra thuế và được cán bộ địa phương Việt Nam yêu cầu nộp thêm khoản thuế 17,8 tỷ đồng (khoảng 89 triệu yên) bao gồm thuế doanh nghiệp. Tuy nhiên, cán bộ điều tra thuế yêu cầu phía công ty trả tiền mặt 3 tỷ đồng. Công ty này thực hiện theo và sau cùng được giảm khoản truy thu thuế doanh nghiệp từ 17,8 tỷ đồng xuống còn khoảng 570 triệu đồng (2,62 triệu yên).
Theo nguồn tin, vào ngày 1/4 năm nay, chính các lãnh đạo công ty tại trụ sở Tokyo đã tự nguyện khai ra những sai phạm này cho Văn phòng Công tố viên quận Tokyo. Mặt khác, vào ngày 1 đầu tháng này, trên trang web đã có công bố rõ rằng Chủ tịch Fujino sẽ đảm nhận những trách nhiệm này và sẽ được cho “nghỉ hưu” chính thức tại cuộc họp cổ đông vào tháng 6.
Tenma là công ty Nhật Bản bắt đầu hoạt động từ năm 1949. Theo báo cáo chứng khoán hàng năm, doanh thu bán hàng trong năm 2018 của Tenma là 84,8 tỷ yên với 7557 nhân viên trên toàn cầu.
Quang Dân (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai đạt 141 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý III năm nay, thấp hơn cùng kỳ 12%; lỗ ròng 182 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 199 tỷ đồng. Như vậy, quý III năm nay là quý thua lỗ thứ 14 liên tiếp của doanh nghiệp này.

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Tổng Công ty CP Bia rượu Nước Giải Khát Sài Gòn sẽ chi hơn 830 tỷ đồng để mua công khai hơn 37,8 triệu cổ phiếu SBB của Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn - Bình Tây và chi hơn 100 tỷ đồng để mua hơn 2 triệu cổ phiếu WSB của Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây.