Ông Đoàn Ngọc Hải: "Đừng ai liều như tôi!"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Đó là lời khuyên về việc tập luyện môn marathon của ông Đoàn Ngọc Hải-nguyên Phó Chủ tịch UBND Quận 1 (TP. Hồ Chí Minh) trong cuộc trò chuyện cùng P.V Báo Gia Lai ngay khi vừa đến Pleiku chiều 25-3. Trong 4 ngày tại đây, ông Hải sẽ tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong ở cự ly 42,195 km, đồng thời vận động hỗ trợ để trao quà cho trẻ em nghèo thị xã Ayun Pa và nhiều nơi trên cả nước. 
*Mới tập luyện môn marathon hơn 1 năm nhưng tới nay, ông đã tham gia đến 17 giải trong và ngoài nước. Ông có thể chia sẻ về hành trình đặc biệt này?
- Ông ĐOÀN NGỌC HẢI: Hàng chục năm làm công chức, tôi chưa từng nghĩ cuộc sống của mình sẽ rẽ sang một hướng khác như thế này. Ngày 4-6-2019, tôi nộp đơn xin nghỉ việc. Ngày 18-10-2019, tôi ra Hà Nội đúng ngày diễn ra giải marathon VP Bank tại Hồ Gươm.
Sáng đó, tôi mang giày định đi mấy vòng quanh hồ thì cơn gout ào tới khiến chân tôi đau nhói, nhất là ngón chân cái như có ngàn mũi kim châm. Không thể đi được nữa, tôi đành ngồi xuống ghế đá với ý nghĩ: “Ôi thôi rồi, chẳng lẽ tàn phế ở tuổi 50?”. Đúng lúc đó, các vận động viên marathon ào ào về đích. Nhìn họ, tôi chợt nghĩ, mấy bạn này chạy như thế kia thì làm sao bị gout được? Vậy là, sau khi uống thuốc điều trị vài ngày, tôi bắt đầu xỏ giày chạy. 
Nhưng chạy có nổi đâu. Mấy chục năm công tác suốt ngày tiếp khách, sinh hoạt thiếu điều độ thì sao chạy được. Thế là tôi chuyển sang “chiến thuật” đi bộ. Từ 5 km tăng lên 10, 15 km rồi trên 20 km, tiếp đó là vừa đi vừa chạy.
Đến lần chạy lên 31 km là tôi gần như xỉu, tê 2 chân, hoa mắt, “đứng hình”, không nhích thêm nổi một bước nào để đến chiếc xe của mình gần đó lấy điện thoại gọi cho người thân. May mà lát sau có 1 người đi đường giúp đỡ. Giờ nhìn lại thì tôi thấy đó là sự ngu dốt. Nên tôi không khuyên ai làm điều tương tự. Đừng ai liều như tôi. Môn nào cũng phải tập luyện từ từ. 
 Ông Đoàn Ngọc Hải:
Ông Đoàn Ngọc Hải: "Tôi đang khát vọng làm những điều tốt chứ không phải tôi cần sự nổi tiếng. Nổi quá rồi, còn muốn nổi gì nữa?". Ảnh: Phương Duyên
* Theo ông, môn marathon đòi hỏi người tham gia cần có những tố chất gì?
- Ông ĐOÀN NGỌC HẢI: Ý chí và đam mê. Thiếu một trong 2 cái đó thì không chạy được đâu. Môn này lạ lắm. Có giải tôi thấy một bạn trẻ cơ bắp lực lưỡng, “6 múi” mà lại gục trên đường đua, còn tôi nhìn thế này thôi nhưng vẫn về đến đích.
Nói thật là trước kia tôi chạy theo đồng tiền, chức vụ, chạy theo đủ mọi thứ. Nhiều khi thấy mình không còn là mình. Nhưng từ lúc tham gia chạy marathon, đầu tôi sáng ra, minh mẫn hơn, sáng kiến nhiều hơn và tấm lòng tôi rộng mở thêm. 
* Cảm giác của ông khi vượt qua chính mình?
- Ông ĐOÀN NGỌC HẢI: Vui sướng vô cùng. Đúng 1 tháng 14 ngày kể từ khi xỏ giày tập, tôi tham gia giải marathon đầu tiên. Về tới đích mất 6 giờ 48 phút, tôi tưởng như mình sắp chết. Liều lắm! Giải gần đây nhất là 4 giờ 39 phút. Rút xuống hơn 2 tiếng đồng hồ chỉ trong vòng hơn 1 năm! Trước đó, tôi chỉ mong chạy dưới 7 tiếng lấy huy chương về là vui lắm rồi, nhưng không ngờ càng vào càng đam mê, thấy cơ thể mình càng “chạy” tốt hơn, phục vụ công việc tốt hơn.
Có ai ôm cái xe cứu thương này trong 7 tháng qua đi được 50 ngàn km, chở 40 chuyến hàng đến tặng các cháu vùng cao, vùng sâu, vùng xa, hải đảo; chở 17 bệnh nhân, 1 người chết, 2 vụ bị tai nạn giao thông… như tôi? Tổng cộng 18 chuyến xuyên Việt, liên tục thay đổi môi trường, khí hậu. Ở tuổi 52, nếu không có đam mê, tập luyện, hoài bão thì không thể làm được khối lượng công việc lớn như thế.
Tôi đang khát vọng làm những điều tốt chứ không phải tôi cần sự nổi tiếng. Nổi quá rồi, còn muốn nổi gì nữa? 
 Ông Đoàn Ngọc Hải bên
Ông Đoàn Ngọc Hải bên chiếc xe cứu thương của mình. Ảnh: Phương Duyên
* Với việc tập luyện môn marathon, ngoài mục tiêu nâng cao sức khỏe, ông còn muốn truyền cảm hứng như thế nào đến cộng đồng?
- Ông ĐOÀN NGỌC HẢI: Nên tham gia môn chạy vì môn này mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, mang lại cảm xúc, sự hứng thú và năng lượng tích cực. Từ đó, con người hướng thiện hơn, sống hạnh phúc hơn, bản thân họ cũng có sức khỏe để làm những việc lớn lao hơn. Không có sức khỏe thì chẳng làm được gì cả.
* Ông có khi nào nghĩ mình sẽ dừng lại?
- Ông ĐOÀN NGỌC HẢI: Tôi sẽ chỉ dừng lại khi nào sức đã quá yếu. Chưa bao giờ tôi nghĩ: “Ồ, mình nghỉ thôi, mình chơi trội thế được rồi”. Khát vọng của tôi là muốn người nghèo các nơi sẽ có thêm nhiều căn nhà, nhiều người được hưởng lợi. Tôi còn muốn làm nhiều thứ lắm, tất cả đều được ghi trong cuốn sổ tay đặt ở cửa xe, như hỗ trợ phẫu thuật cho trẻ em bị bệnh tim, xây nhà tình thương… 
Bây giờ nếu muốn sống cho mình thì rất dễ, tôi đi đánh golf, cặp kè với “chân dài”, đi xe siêu sang… Dễ vô cùng. Ngày trước, hễ đi công tác ở nước ngoài, tôi đều ghé vào các cửa hàng đồ hiệu như Louis Vuitton, Hermès… Nhưng giờ tôi không còn thấy hứng thú với những thứ đó nữa. Chiếc siêu xe tôi cũng đã bán đi để chạy xe cứu thương làm từ thiện. 
Hôm nay, nhiều em người Gia Lai nhắn tin cho tôi: “Chú ơi, mời chú về nhà con ăn cơm một bữa”. Họ quý mình, họ mới mời mình nhưng tôi từ chối. Tôi nói, 17 giờ ngày 26-3 tại khách sạn Tre Xanh, tôi và “chú ngựa thồ” 51B-50744 sẽ giao lưu và tiếp nhận sữa, thịt hộp để chở đến thị xã Ayun Pa tặng các cháu nhỏ. Nghe vậy, họ nói mai sẽ đem sữa ra. Tôi dự tính chở 3.000 hộp sữa và thịt xuống Ayun Pa vào sáng 29-3. Thời gian tới, tôi sẽ còn quay lại Gia Lai để tặng quà cho trẻ em những vùng khó khăn khác.
* Cảm ơn ông rất nhiều về cuộc trò chuyện này. Chúc ông có đủ sức khỏe để thực hiện những hành trình an toàn, làm thêm được nhiều điều ý nghĩa cho cộng đồng!
PHƯƠNG DUYÊN (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Đak Pơ tiếp nhận 336 đơn vị máu đạt chuẩn

Đak Pơ tiếp nhận 336 đơn vị máu an toàn

(GLO)- Sáng 22-10, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện (HMTN) huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Khoa Huyết học-Truyền máu Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức hiến máu tình nguyện đợt 2, năm 2024.

Cô Bảy nước hoa ba số bảy

Cô Bảy nước hoa ba số bảy

(GLO)- Ở cơ quan K8 ngày ấy (nay là thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) trong căn cứ phía sau dãy Hãnh Hót có nhiều chị em phụ nữ, hầu hết ở độ tuổi 18-20. Chỉ có cô Bảy Sương (Nguyễn Thị Sương) là lớn tuổi nhất, nhưng cũng ở độ tuổi U40.

Phường Đống Đa đẩy mạnh truyền thông giảm nghèo bền vững

Phường Đống Đa đẩy mạnh truyền thông giảm nghèo bền vững

(GLO)- Xác định giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, phường Đống Đa (TP. Pleiku) đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, phường chú trọng đa dạng hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, động viên bà con tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững.