Nuôi trồng thủy sản chưa tương xứng với tiềm năng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gia Lai có gần 20 ngàn ha mặt nước, có tiềm năng để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, toàn tỉnh có khoảng 1.010 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản và diện tích khai thác thủy sản khoảng 14.568 ha. Tổng sản lượng các loại thủy sản ước đạt 8.305 tấn (sản lượng nuôi 4.825 tấn, sản lượng khai thác 3.480 tấn).

Toàn tỉnh hiện có 510 lồng bè nuôi cá trong các hồ chứa thủy lợi, thủy điện. Hoạt động nuôi trồng thủy sản tập trung chủ yếu tại các huyện: Chư Păh, Ia Grai, Đak Đoa, Phú Thiện, Kbang, Chư Prông và thị xã An Khê.

Ông Phạm Mẫn (tổ 4, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) cho biết: Ông nuôi cá lồng bè trong lòng hồ thủy lợi Ia Năng từ năm 2017. Từ 4 ô lồng ban đầu, đến nay, gia đình ông đã mở rộng lên 13 lồng để nuôi cá diêu hồng phục vụ người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

“Những năm gần đây, giá thức ăn nuôi trồng thủy sản ở mức cao nên lợi nhuận không nhiều. Năm 2023, tôi thu 5 tấn cá diêu hồng bán với giá 35-37 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí thức ăn và công chăm sóc, lợi nhuận chỉ được khoảng 30 triệu đồng”-ông Mẫn cho hay.

nguoi-dan-thon-6xa-ia-nhin-huyen-chu-pah-nuoi-ca-long-tren-ho-tu-nhien.jpg
Người dân thôn 6 (xã Ia Nhin, huyện Chư Păh) nuôi cá lồng trên hồ tự nhiên. Ảnh: N.D

Ông Trịnh Khắc Dương-Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Đak Krong (huyện Đak Đoa) thông tin: Hợp tác xã đang duy trì nuôi 19 lồng với các loại cá như: diêu hồng, lăng nha, thát lát cườm, rô phi và cá lóc. Nguồn nước và môi trường ở đây rất thuận lợi nên cá phát triển tốt.

Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ còn bấp bênh, đầu ra không ổn định. Đặc biệt, do trên địa bàn tỉnh không có nhà máy chế biến thức ăn nuôi trồng thủy sản nên phải nhập từ các tỉnh khác về khiến chi phí thức ăn cao hơn những nơi khác 80-100 ngàn đồng/bao.

Năm 2023, Hợp tác xã thu hoạch được khoảng 1 tấn cá lăng nha, bán với giá khoảng 100 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận không còn được bao nhiêu.

Theo ông Trương Hoài Hùng-Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh: Những năm qua, hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển nhất định.

Tuy nhiên, người nuôi trồng thủy sản vẫn còn đối diện với một số khó khăn như: người dân muốn nuôi cá trong lòng hồ thủy điện, thủy lợi phải có giấy phép hoạt động nuôi trồng thủy sản; hạ tầng nuôi trồng thủy sản ở xa khu dân cư, nguồn thức ăn, con giống, vật tư phục vụ nuôi trồng chủ yếu nhập từ các tỉnh khác về dẫn đến chi phí đầu tư ban đầu tăng cao.

Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định, rủi ro về dịch bệnh trong nuôi trồng dẫn đến tâm lý e ngại trong quá trình đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản.

htx-nong-nghiep-va-dich-vu-dak-krong-huyen-dak-doa-nuoi-ca-long-trong-long-ho-thuy-dien.jpg
Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Đak Krong (huyện Đak Đoa) đang duy trì nuôi 19 lồng cá trong lòng hồ thủy điện. Ảnh: N.D

Ông Hùng cho biết, để nghề nuôi trồng thủy sản phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có, các địa phương cần tiếp tục triển khai kế hoạch nuôi trồng thủy sản theo Quyết định số 210/QĐ-UBND ngày 9-3-2022 của UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch phát triển chăn nuôi, thủy sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Trong đó, tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản trong lồng bè tại một số địa phương có diện tích mặt hồ lớn; tận dụng dòng chảy, độ sâu của các con sông, suối và hồ thủy lợi, thủy điện để nuôi cá lồng bè; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản; duy trì và nhân rộng các mô hình nuôi cá lồng hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý hồ chứa và chính quyền địa phương nuôi các loài cá có giá trị kinh tế cao...

“Ngoài ra, các địa phương cần khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân đầu tư nuôi cá nước lạnh ở những vùng có điều kiện nguồn nước, khí hậu thích hợp để tham gia thị trường xuất khẩu; ứng dụng công nghệ cao vào nuôi trồng thủy sản; thu hút các dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thức ăn nuôi trồng thủy sản vào địa bàn tỉnh để giảm chi phí nuôi trồng”-Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm

“Hồi sinh” giống lúa cổ của người Bahnar, Jrai

“Hồi sinh” giống lúa cổ của người Bahnar, Jrai

(GLO)- Lúa Krol, lúa Đá là những giống lúa rẫy truyền đời của người Bahnar, Jrai. Trải qua bao biến thiên thăng trầm, tưởng rằng những “hạt ngọc của trời” này đã biến mất. Vậy nhưng, với sự nỗ lực bảo tồn của người dân và chính quyền địa phương, 2 giống lúa cổ từng bước được “hồi sinh”.

Lực lượng nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng xã Ia Kreng (huyện Chư Păh) tuần tra kiểm soát rừng. Ảnh: Lê Nam

Tăng cường quản lý, bảo vệ rừng dịp Tết

(GLO)- Tết đến xuân về là dịp để mọi người người sum vầy, đoàn viên cùng người thân, gia đình. Song, với những người làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng thì ngày Tết họ lại càng phải tăng cường hơn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR).

Người trồng hoa Tết thấp thỏm chờ giá tăng

Người trồng hoa Tết thấp thỏm chờ giá tăng

(GLO)- Nhờ gieo trồng đúng mùa và chăm sóc tỉ mỉ, những bông lay ơn, huệ, vạn thọ, cúc... đua nhau khoe sắc. Tuy nhiên, giá bán chỉ bằng một nửa so với mọi năm, các nhà vườn ở đây đang thấp thỏm mong chờ bán được giá cao những ngày sát Tết.

Gia đình ông Nguyễn Văn Vinh (làng Ia Sa) đã vươn lên làm giàu nhờ trồng mía. Ảnh: Đ.Y

Nông dân Hbông làm giàu từ cây mía

(GLO)- 7 năm trở lại đây, nhiều hộ dân ở xã Hbông (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã vươn lên làm giàu từ cây mía. Trong đó, nhiều hộ trồng mía có thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm.

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.