(GLO)- Với mục tiêu đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tháng 8-2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã chỉ đạo triển khai mô hình nông hội trên địa bàn toàn tỉnh. Chỉ trong thời gian ngắn, mô hình này đã phát triển rộng khắp, hứa hẹn góp phần phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.
Thiết chế tự nguyện
Thời gian qua, hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Gia Lai còn hạn chế, nhất là các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt, việc hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chưa nhiều và chủ yếu mang tính tự phát. Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã yêu cầu cấp ủy, chính quyền, các đơn vị, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện mô hình nông hội.
Theo TS. Trần Minh Hải-Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn kinh tế hợp tác (Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và PTNT II)-người đã đồng hành hỗ trợ tư vấn cho tỉnh Gia Lai trong giai đoạn đầu thành lập mô hình nông hội thì đây là thiết chế tự nguyện của cộng đồng dân cư, tự lập, tự chủ, hoạt động theo nguyên tắc “3 tự” (tự nguyện, tự quản, tự quyết định), “3 cùng” (cùng nghĩ, cùng làm, cùng hưởng) và “3 không” (không bộ máy, không kinh phí, không cơ sở vật chất). Nông hội đáp ứng nhu cầu của người dân về không gian để sinh hoạt, bàn chuyện làng, chuyện xóm, chuyện làm ăn, trao đổi kinh nghiệm, các kỹ thuật mới trong sản xuất, cập nhật thông tin về thị trường, tiêu thụ nông sản. “Nông hội là mô hình rất hữu ích, hiện đã được 26 địa phương trong cả nước triển khai. Nông hội là không gian mở có chức năng kết nối những người nông dân. Sự ra đời của nông hội ở Gia Lai sẽ góp phần đổi mới và thúc đẩy tổ chức sinh hoạt liên kết những người dân tại địa phương, tăng cường thực hiện kết nối ngành nghề, chia sẻ kinh nghiệm về sản xuất, thông tin thị trường; phát huy tinh thần đoàn kết, tính tự nguyện, tự chủ, tự quản của người dân; góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, cùng địa phương thực hiện các chủ trương và mục tiêu kinh tế-xã hội”-TS. Trần Minh Hải nhận định.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang (bìa phải) tặng quà cho Nông hội dâu tằm tơ và rau quả Sông Ba (huyện Kbang). Ảnh: T.D |
Từ chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các địa phương trong tỉnh đã triển khai mô hình nông hội phù hợp với tình hình thực tế của mình, từ các loại hình sản xuất, kinh doanh đến các làng nghề truyền thống, các loại hình du lịch dịch vụ, du lịch; nhất là những sản phẩm nông nghiệp là chủ lực của địa phương như: cà phê, hồ tiêu, mía đường, dược liệu, rau quả… Trăn trở về việc xây dựng và phát triển mô hình nông hội, đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh-nhấn mạnh: “Việc thành lập nông hội ở Gia Lai được hình thành sau khi tham khảo, học tập kinh nghiệm từ mô hình hội quán ở tỉnh Đồng Tháp. Tên gọi và hình thức của những mô hình này không quan trọng mà vấn đề đặt ra là phải làm thế nào để phát huy được hiệu quả mô hình đem lại lợi ích cho các thành viên. Mô hình nông hội phải đảm bảo thực chất, bền vững, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; tránh hình thức, chạy theo thành tích và phải mang lại lợi ích thực sự cho người dân để họ vươn lên thoát nghèo bền vững. Các nông hội cũng phải tổ chức rút kinh nghiệm định kỳ, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”.
Từ những trăn trở đó, Bí thư Tỉnh ủy đã giao Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo triển khai mô hình. Theo đó, trực tiếp chỉ đạo thành lập thí điểm 1 mô hình nông hội tại thị xã An Khê; đồng thời, các huyện, thị xã còn lại sẽ nối tiếp đó để thành lập một mô hình nông hội tại địa phương. Đặc biệt, thị xã Ayun Pa phải có một nông hội trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Phát triển nông hội phù hợp tình hình địa phương
Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cùng với nhiều địa phương khác trong toàn tỉnh, TP. Pleiku đã ra mắt 2 nông hội rau-hoa đầu tiên của tỉnh tại xã Trà Đa và An Phú vào tháng 10-2019. Theo Chủ tịch UBND TP. Pleiku Nguyễn Hữu Quế, mô hình mới này được kỳ vọng sẽ giúp nông dân trên địa bàn nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Bước đầu, Nông hội rau-hoa thôn 4 (xã An Phú) tập hợp được 28 thành viên, Nông hội rau-hoa xã Trà Đa có 45 thành viên. Mỗi nông hội đều thành lập Ban Chủ nhiệm, ban hành quy chế hoạt động cụ thể, có nhiệm vụ tạo điều kiện thuận lợi cho thành viên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ sản xuất, kinh doanh rau, hoa, góp sức xây dựng nền nông nghiệp đô thị. Hoạt động của nông hội nhằm cổ vũ, động viên và hỗ trợ nông dân trẻ khởi nghiệp; tìm các giải pháp để mang lại hiệu quả tốt nhất trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rau, hoa cho các nhà vườn theo hướng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch và hợp tác sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng. “Với những tín hiệu tích cực đó, thời gian tới, chúng tôi sẽ thành lập thêm Nông hội dâu tằm tơ (xã Đà Tra) và Nông hội mía (xã Ia Kênh)”-Chủ tịch UBND TP. Pleiku cho biết.
Ra mắt Ban Chủ nhiệm Nông hội hoa, cây cảnh An Khê. Ảnh: T.D |
|
Nông hội hoa, cây cảnh An Khê được chọn là mô hình điểm của tỉnh. Vì vậy, thị xã An Khê đã tích cực, chủ động nghiên cứu để lựa chọn thành lập và ra mắt mô hình phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Bí thư Thị ủy An Khê Nguyễn Thị Thanh Lịch thông tin: “Với mục tiêu thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; đồng thời giúp nông dân trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tạo môi trường và điều kiện liên kết sản xuất, tiêu thụ; cao hơn nữa là xây dựng tinh thần hợp tác của người dân, xóa bỏ tư tưởng làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, kém hiệu quả..., chúng tôi đã triển khai thí điểm mô hình Nông hội hoa, cây cảnh An Khê với 114 thành viên là những người dân cùng sở thích về hoa, cây cảnh. Đây cũng chính là nguyện vọng của nhiều người dân ở địa phương”. Trao đổi thêm về hoạt động của nông hội, ông Đỗ Văn Hùng-Chủ nhiệm Nông hội hoa, cây cảnh An Khê-chia sẻ: “Nông hội đáp ứng nhu cầu của người dân về việc trao đổi kinh nghiệm, các kỹ thuật mới trong chăm sóc hoa, cây cảnh. Tất cả các thành viên trong nông hội sẽ hỗ trợ nhau nhằm mang lại lợi ích vật chất và tinh thần cho các thành viên cũng như cộng đồng dân cư, giúp mỗi người có điều kiện vươn lên và cùng chung tay, hợp sức thoát khỏi “cái bẫy” sản xuất nhỏ lẻ, tự phát”.
Là một trong những địa phương làm tốt công tác phát triển mô hình nông hội, hiện nay, huyện Phú Thiện đã cho ra mắt các mô hình: Liên kết sản xuất nông nghiệp tại xã Ia Ake và Ayun Hạ; Nông hội kinh tế vườn tại xã Ayun Hạ; Nông hội nuôi cá tại xã Ia Sol; Nông hội thổ cẩm tại xã Ia Piar; Nông hội tầm ngư về nuôi cá thương phẩm tại xã Ia Peng… Bước đầu triển khai tuy còn một số vướng mắc, lúng túng nhưng địa phương đã chủ động đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động, giúp nông dân tự tin gắn bó và phát triển mô hình nông hội. Chị Siu Cúc Cu-Chủ nhiệm Nông hội thổ cẩm tại xã Ia Piar-bày tỏ: “Chúng tôi sẽ tiếp tục kết nạp thêm thành viên và thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, sinh hoạt để các thành viên chia sẻ kinh nghiệm nâng cao chất lượng sản phẩm, qua đó tạo sức hút đối với thị trường tiêu thụ”. Là thành viên tích cực của nông hội, chị Siu Hlinh hào hứng cho hay: “Tôi rất thích dệt nhưng những năm trước đây chỉ tự dệt và đem bán cho một số người trong làng. Giờ được tham gia vào nông hội, tôi thấy rất vui vì được cùng chia sẻ, cùng làm, cùng hưởng với 25 phụ nữ ở làng Gok và Rbai”.
TRẦN DUNG