Vụ Đông Xuân 2024-2025: Nguy cơ thiếu nước tưới cục bộ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hiện nay, bà con nông dân các địa phương trong tỉnh Gia Lai đang tiến hành gieo trồng vụ Đông Xuân 2024-2025. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên nguy cơ thiếu nước tưới cục bộ tại một số khu vực có thể xảy ra.

Nguy cơ thiếu nước tưới

Ông Võ Ngọc Châu-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa-cho biết: Năm nay, lượng mưa thấp hơn mọi năm nên các đập dâng và hồ chứa trên địa bàn đang đứng trước nguy cơ thiếu nước.

Tính đến ngày 10-12, đập dâng xã Uar có mực nước trước cống đạt 0,71 m; đập dâng buôn Ma Giai mực nước trước cống 0,2 m, thấp hơn so với năm 2023 là 0,3 m.

Thời gian gần đây, trên địa bàn không có mưa dẫn đến nguồn nước về các đập dâng và hồ chứa đạt thấp, trong khi phải mở nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2024-2025 nên nguy cơ thiếu nước tưới trong thời gian tới rất lớn.

1.jpg
Hồ Hoàng Ân (huyện Chư Prông) cạn kiệt trong vụ Đông Xuân 2023-2024. Ảnh: N.D

Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh hiện quản lý, khai thác, vận hành 17 hồ chứa, 28 đập dâng và 4 trạm bơm điện. Do công trình hồ chứa Ia Ring (huyện Chư Sê) gặp sự cố vào ngày 4-11 nên điều tiết nước theo phương án được Sở Nông nghiệp và PTNT phê duyệt.

Hiện tại, nguồn nước tại 2 công trình Ia Mlah và Ia Hdreh (huyện Krông Pa) thiếu hụt 20-40% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, mực nước hồ Ia Mlah mới chỉ tích được ở cao trình 204,45 m, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái là 8,9 m. Vụ Đông Xuân này, công trình dự kiến tưới cho khoảng 2.814 ha, giảm hơn 159 ha so với khi tích đủ nước.

Còn công trình Ia Hdreh hiện mới chỉ tích được ở cao trình 166,32 m, thấp hơn so với mực nước dâng bình thường 4,81 m, năng lực tưới giảm hơn 93 ha so với khi hồ tích đủ nước.

Theo ông Nguyễn Văn Lương-Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, do lượng mưa thấp nên một số công trình ở khu vực Đông Nam tỉnh như Ia Mlah, Ia Hdreh chưa tích đủ nước theo dung tích thiết kế.

Tại các công trình như Plei Pai, đập dâng Ia Lốp, Ia Lâu (huyện Chư Prông), Công ty mở nước sớm hơn 1 tháng theo yêu cầu của địa phương để sản xuất sớm nhằm tránh hạn cuối vụ.

Một số đập dâng có nguồn nước dồi dào nhưng có thể xảy ra hạn hán, thiếu nước vào cuối vụ như: hệ thống công trình thủy lợi An Phú-Chư Á (TP. Pleiku), Phạm Kleo, Ia Pee (huyện Chư Sê) và đập dâng Ia Rsai (huyện Krông Pa).

Chủ động ứng phó với hạn hán

Ông Nguyễn Hữu Tỵ-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho biết: Sau khi xảy ra sự cố hồ chứa nước Ia Ring, huyện tích cực phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT cùng đơn vị khai thác vận hành công trình xây dựng phương án sản xuất phù hợp với thực tế lượng nước tại công trình này nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Trước mắt, đơn vị dự kiến giảm diện tích sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2024-2025 khoảng 100 ha. Bên cạnh đó, huyện tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nguồn nước từ hồ Ia Ring cần chủ động tìm thêm nguồn tưới khác cho cây cà phê, hồ tiêu…

ho-ia-nang-huyen-ia-grai-nuoc-da-vuot-tran-tu-do.jpg
Nước hồ Ia Năng (huyện Ia Grai) đã vượt tràn tự do. Ảnh: N.D

Còn Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa thông tin: Trước diễn biến thời tiết gặp nhiều bất lợi trong vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện đã xây dựng kế hoạch cấp nước sản xuất tại các công trình thủy lợi.

Trong đó, thường xuyên kiểm tra nguồn nước, quan trắc mực nước hồ để chủ động điều chỉnh kế hoạch điều tiết nước tưới phù hợp với tình hình thực tế. Tổ chức nạo vét trước ngưỡng tràn các đập dâng, đào đắp kênh dẫn dòng tập trung nước để bơm chống hạn.

Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi các trạm bơm, rà soát diện tích sản xuất có khả năng bị hạn cuối vụ để áp dụng các biện pháp chống hạn.

Dự kiến vụ Đông Xuân 2024-2025, toàn tỉnh gieo trồng 79.600 ha cây trồng các loại. Trong đó, nhóm cây lương thực 29.000 ha, nhóm cây tinh bột có củ 13.200 ha, nhóm cây thực phẩm 19.380 ha, nhóm cây công nghiệp ngắn ngày 13.000 ha, cây hàng năm khác 4.850 ha…

Về giải pháp ứng phó với nguy cơ hạn cục bộ, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh cho biết: Công ty thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, đánh giá cụ thể mực nước tích trữ ở từng công trình hồ, đập để có phương án điều tiết, sử dụng nguồn nước hợp lý phục vụ sản xuất và dân sinh; phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong sử dụng nước tiết kiệm, xuống giống đúng lịch thời vụ, lịch tưới của công trình, không tranh chấp gây mất an ninh trật tự.

Trong trường hợp xảy ra hạn hán, Công ty sẽ tăng cường nhân lực điều tiết hợp lý, phân lịch tưới luân phiên, tiếp nước, sử dụng nguồn nước khác, ưu tiên nước tưới cho cây lúa giai đoạn làm đòng, trổ bông.

Có thể bạn quan tâm

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Đòn bẩy phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

(GLO)- Sau 2 năm triển khai hợp phần 5 của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, nhiều tuyến đường nội đồng ra vùng nguyên liệu sản xuất cà phê được đầu tư xây dựng.