Thành phố Kon Tum vào vụ hoa Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Còn hơn 2 tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhưng thời điểm này, người dân trồng hoa tại thành phố Kon Tum đang tất bật gieo trồng, chăm sóc cây hoa để phục vụ thị trường, với hy vọng sẽ có một vụ hoa Tết thành công.

Với lợi thế về thị trường tiêu thụ rộng mở, cùng với đất canh tác nhiều nơi màu mỡ, phù hợp cho việc trồng hoa cung ứng cho nhu cầu hoa Tết của người dân ở địa phương, những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn thành phố Kon Tum chú trọng phát triển nghề trồng hoa; trong đó tập trung nhiều nhất vào vụ hoa Tết.

Hiện tại, thành phố Kon Tum có khoảng 35ha đất chuyên trồng hoa, cây cảnh. Hoa được người dân trồng chủ yếu tại các xã, phường vùng ven như phường Nguyễn Trãi, Trường Chinh, Thắng Lợi, Trần Hưng Đạo, Duy Tân, Ngô Mây, xã Hòa Bình. Chủng loại hoa được người dân trên địa bàn trồng chủ yếu là cúc, lay ơn, huệ trắng, hoa hồng. Trong đó, cúc và lay ơn được trồng nhiều nhất, bởi đây là những giống hoa phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng của địa phương và nhu cầu của thị trường trong tỉnh.

Phường Nguyễn Trãi là vùng trồng hoa trọng điểm của thành phố Kon Tum. Để có hoa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, từ giữa tháng 7 âm lịch (khoảng giữa tháng 8/2024), những người trồng hoa cúc bắt đầu xuống giống trồng. Đây được coi vụ hoa quan trọng và được mong đợi nhất trong năm nên người dân ở trên địa bàn bỏ nhiều công sức để đầu tư, chăm sóc.

1hoa.jpg
Người trồng hoa tỉ mẩn, kỹ lưỡng chăm sóc cho từng chậu hoa. Ảnh: T.H

Anh Huỳnh Hữu Vinh (Tổ dân phố 3, phường Nguyễn Trãi) chia sẻ: Nhà tôi mỗi năm chỉ làm vụ hoa Tết. Năm nay, tôi đầu tư hơn 400 chậu cúc với kích thước lớn, nhỏ khác nhau và một số ít hoa thược dược, vạn thọ. Trồng hoa tuy không nặng nhọc, nhưng mất rất nhiều công, chăm sóc hoa cũng như “chăm con mọn” vậy; người trồng hoa phải bận rộn cả ngày ở ngoài vườn, tỉ mẩn từ khâu làm đất, xuống giống đến tưới nước, bón phân, cắt tỉa cành, cắm que, vào lưới, phun thuốc trừ nấm, sâu bệnh, khâu nào cũng chăm chút kỹ lưỡng, có như thế mới cho ra được những chậu hoa đẹp.

Vụ hoa Tết năm nay, gia đình chị Nguyễn Thị Thư (tổ 4, phường Nguyễn Trãi) xuống giống trồng gần 500 chậu cúc pha lê. Thời gian qua, điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho cây hoa sinh trưởng và phát triển, cùng với kinh nghiệm trồng, chăm hoa tết cả chục năm nay nên vườn hoa của gia đình chị phát triển khá đồng đều, đẹp.

Chị Nguyễn Thị Thư chia sẻ: Trồng hoa đòi hỏi người trồng phải có kỹ thuật, kinh nghiệm và cả sự kiên trì, đam mê với công việc, chứ không hề dễ chút nào. Để cây hoa ra bông to, nở đẹp vào đúng nhất đúng vào dịp Tết, người trồng hoa phải thường xuyên ở vườn, chú ý quan sát kỹ lưỡng xem cây có bị sâu bệnh, hoặc thiếu chất gì cho cây hoa phát triển mà còn kịp thời bổ sung. Khi cây hoa ra nụ thì chủ vườn phải biết tỉa nhánh, tỉa bớt nụ cho phù hợp. Đặc biệt, phải tính toán thời gian chong đèn phù hợp để hoa phát triển, bung nụ đúng thời điểm. Kỹ thuật chong đèn đa phần được áp dụng với những giống cúc như cúc pha lê, cúc mâm xôi; vừa để kích thích chiều cao của cây, bông ra to, cánh dầy, màu sắc cũng rực rỡ hơn, vừa đảm bảo hoa nở theo ý muốn.

Cùng với các loại cúc, lay ơn cũng là loại hoa được nhiều hộ dân trên địa bàn thành phố Kon Tum trồng để bán vào dịp Tết.

Vụ hoa Tết năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Minh Tâm (thôn 5, xã Đoàn Kết) xuống giống trồng 1,5 sào hoa lay ơn đỏ. Đây là giống hoa được người ưa chuộng trong dịp Tết, bán rất chạy vì nở có màu đỏ tươi, mang sự may mắn cho gia đình.

2hoa.jpg
Gia đình bà Nguyễn Thị Minh Tâm mới xuống giống trồng 1,5 sào hoa lay ơn để phục vụ thị trường Tết. Ảnh: TH

Bà Nguyễn Thị Minh Tâm cho biết: Tầm 10-15/10 âm lịch là tôi bắt đầu xuống giống, trồng cây. Để có vườn hoa nở đều, đẹp, búp to vào đúng Tết, nhà vườn chúng tôi phải bỏ ra rất nhiều công, từ khâu làm đất, xuống giống, tưới nước, tỉa lá, làm cỏ, vun gốc đều phải tỉ mẩn, để khi tưới nước hoặc có gió không làm cây bị gãy đổ. Hơn nữa, lay ơn là loại hoa có thời gian sinh trưởng và phát triển ngắn nên người trồng còn phải theo sát tình hình thời tiết để tính toán lượng nước, lượng phân cung cấp cho cây hoa lay ơn một cách hợp lý, tránh tình trạng hoa nở sớm hoặc muộn hơn dự kiến.

Bỏ ra nhiều vốn liếng đầu tư, công sức và tâm huyết, người trồng hoa chỉ hy vọng thị trường tiêu thụ thuận lợi, giá cả đảm bảo để có được khoản thu nhập tương đối, bù đắp cho những tháng ngày thức ngủ cùng hoa.

Thông thường, khoảng trung tuần tháng 12 Âm lịch, các nhà vườn bắt đầu bán hoa ra thị trường. Những gia đình trồng nhiều thường là bán toàn bộ cho thương lái, những gia đình làm ít hơn thì chọn cách bán lẻ cho người tiêu dùng để có giá bán cao hơn.

Bà Nguyễn Thị Minh Tâm chia sẻ, dân làm hoa chúng tôi chẳng mong mỏi gì hơn là được khách hàng ủng hộ, bán được giá. Như nhà tôi, nếu vụ hoa Tết nào “thuận buồm xuôi gió” thì cũng kiếm lời được 25- 30 triệu đồng, đây là một số tiền không nhỏ đối với nông dân. Thế nhưng, năm nào giá thấp, hoa ế, làm cả vụ không đủ trang trải cho cái Tết.

Với người nông dân, niềm vui lớn nhất chính là tạo nên những sắc hoa tươi thắm để nhà nhà có hoa chưng Tết và giúp họ có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. Hy vọng năm nay thời tiết thuận hòa, người trồng hoa trên địa bàn thành phố Kon Tum có một vụ hoa Tết thắng lợi.

Theo Thiên Hương (baokontum.com.vn)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.