Nông dân Pleiku phát huy nguồn vốn vay ưu đãi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) hiện có gần 12.000 hội viên nông dân, trong đó có hơn 3.300 thành viên của 83 tổ tiết kiệm và vay vốn ở các chi hội thôn, làng, tổ dân phố được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi với dư nợ trên 84 tỷ đồng. Nhờ đó, nhiều hội viên có điều kiện duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh.


Gia đình bà Trần Thị Kim Phúc (tổ 10, phường Ia Kring) lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần do dịch tả heo châu Phi. Cuối tháng 7-2019, hơn 100 con heo của gia đình đổ bệnh rồi chết hàng loạt. Bà phải bán bớt đất vườn cà phê để lấy tiền trả nợ tiền heo giống, thức ăn, thuốc khử trùng chuồng trại. Trong lúc khó khăn, bà được vay 15 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân phường Ia Kring và 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh.

Nhờ các nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình bà có kinh phí mua phân bón, chăm sóc gần 1 ha cà phê, chăn nuôi. Đến nay, gia đình bà không những trả hết nợ mà còn tích lũy vốn liếng kha khá. Bà Phúc phấn khởi cho biết: “Nhờ có các nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước mà gia đình có điều kiện duy trì hoạt động sản xuất, chăn nuôi, kinh tế được vực dậy".

 Bà Trần Thị Kim Phúc chăm sóc cà phê của gia đinh tại tổ 10, phương Ia Kring, TP. Pleiku. Ảnh: Hoàng Cư
Bà Trần Thị Kim Phúc chăm sóc cà phê của gia đình tại tổ 10, phường Ia Kring, TP. Pleiku. Ảnh: Hoàng Cư


Một trường hợp khác là gia đình ông Nguyễn Chính (tổ 7, phường Hội Thương). Ông có hơn 7 sào đất nằm ven suối đá. Đất đai không được màu mỡ, gia đình thiếu nguồn vốn đầu tư sản xuất nên kinh tế gặp không ít khó khăn. Năm 2019, được Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh cho vay 50 triệu đồng, ông đầu tư đào ao nuôi cá và trồng cây ăn quả. Sau một thời gian, khu vườn đã cho nguồn thu. Cuối năm 2021, ông đã hoàn trả vốn ngân hàng. Làm ăn khấm khá, 6 tháng đầu năm 2022, ông Chính thu hơn 100 triệu đồng từ bán cá và trái cây. Ông phấn khởi cho hay: “Nguồn vốn vay chính sách giúp gia đình tôi phát triển trồng trọt kết hợp nuôi cá. Nhờ đó, khai thác được tiềm năng đất đai, làm ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, chất lượng".

Ông Nguyễn Văn Quý-Chủ tịch Hội Nông dân phường Hội Thương-thông tin: "Phường có 3 tổ tiết kiệm và vay vốn với 128 hộ vay hơn 4 tỷ đồng của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh. Các hộ đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, phát huy hiệu quả, hoàn trả cả gốc lẫn lãi đúng thời gian quy định. Nhiều hộ hội viên nông dân có nhu cầu vay thêm nguồn vốn ưu đãi này để cho con cái học tập, mở rộng sản xuất kinh doanh, sửa chữa nhà cửa”.

Thời gian qua, Hội Nông dân các cấp ở TP. Pleiku phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động, giám sát, kiểm tra đảm bảo nguồn vay vốn ủy thác và phát huy hiệu quả rất tốt. Nguồn vốn vay ưu đãi đảm bảo thủ tục, đúng đối tượng, mục đích sử dụng, hộ vay thực hiện nghiêm nghĩa vụ, nợ xấu ít phát sinh.

Nói về hoạt động tín dụng chính sách, ông Đinh Văn Nghĩa-Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh-xác nhận: “Các cấp hội Nông dân TP. Pleiku luôn chủ động phối hợp với đơn vị thực hiện tốt công tác bình xét, cho vay, giải ngân, quản lý sử dụng vốn, thu nợ gốc lãi. Để phát huy vốn vay, chúng tôi cùng Hội Nông dân các cấp của thành phố phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thủ tục vay vốn. Cùng với đó, khen thưởng kịp thời các cá nhân, tập thể có nhiều thành tích trong hoạt động phối hợp, góp phần phát huy hiệu quả vốn vay, giảm tỷ lệ hộ hội viên nghèo, ngăn chặn hành vi sai phạm”.

HOÀNG CƯ

 

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành Quyết định số 61/2004/QĐ-UBND quy định mức tỷ lệ phần trăm (%) để tính đơn giá thuê đất, mức đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, mức đơn giá thuê đất đối với đất có mặt nước trên địa bàn tỉnh.