Ông cho biết: “Giá bán sỉ cà rốt tươi tại vườn dao động trên dưới 4 ngàn đồng/kg. Đây là mức giá có lãi nên gia đình dành nhiều thời gian trong dịp Tết để chăm sóc vườn cà rốt. Trên cùng một diện tích, cùng mức đầu tư như nhau nhưng trồng cà rốt hiệu quả kinh tế cao hơn so với nhiều loại cây trồng khác”.
Ông Hồ Ngọc Anh (thôn 4, thị trấn Đak Đoa) thu hoạch cà rốt. Ảnh: Hoàng Cư |
Trong khi đó, nhìn thoáng qua ai cũng thích thú trước những luống rau xanh mơn mởn trong những khu vườn ở tổ 3, phường Thống Nhất, TP. Pleiku. Cải thảo, xà lách, súp lơ, su hào, dưa leo, hành, ngò... nơi đây quanh năm xanh tốt. Bên vườn rau xà lách, chị Trần Thị Phương Lan cho biết: “Vườn rau tươi tốt là nhờ thời tiết thuận lợi và được chăm sóc, tưới nước đầy đủ trong những ngày Tết. Sáng mùng 4 Tết, thương lái đã đến tận vườn trao đổi đặt cọc mua hàng. Vợ chồng tôi vừa chốt giá bán 5 tấn rau, thu về 50 triệu đồng”.
Thời điểm này cũng là lúc cây cà phê bung sức trổ hoa, đậu trái. Đứng trước vườn cà phê đua nở hoa trắng tinh, ông Nay Rú (thôn 1, xã Ia Ka, huyện Chư Păh) bộc bạch: “Hoa cà phê bung nở đều là do gia đình mình chăm sóc chu đáo. Chiều mùng 1 Tết, mình tranh thủ kéo ống tưới nước cho 1 ha cà phê. Những vườn quanh đây nước tưới đủ đầy nên cây tươi tốt, nở hoa đều, hứa hẹn một mùa bội thu”. Cũng theo ông Nay Rú, năm 2022, gia đình ông thu hơn 140 triệu đồng từ vườn cà phê. Năm nay, thời tiết có mưa xuân, gia đình dành nhiều công sức đầu tư, chăm sóc cây cà phê. Ngoài cà phê, gia đình ông còn có nguồn thu từ 4 sào lúa nước, 1 sào rau màu cùng chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho hay: “Báo cáo từ các địa phương cho biết, thời điểm trước, trong và sau Tết, bà con nông dân trong tỉnh đều tranh thủ chăm sóc các loại cây trồng, vật nuôi. Hầu hết mọi người đều xóa bỏ quan niệm “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”.