Nơi từng có trên 300 tỷ phú nông dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Bấy giờ là năm 2008. Mới dợm bước vào thôn Hòa An (bây giờ thuộc thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai), tôi đã nghe mùi hồ tiêu lừng lên dưới cái nắng cuối mùa như vốc lửa. Hồ tiêu chất đống lù lù trên sân, tải ra những gam màu đa sắc như một bức tranh siêu thực.

Không như không khí ồn ã của mùa thu hái cà phê, gặt lúa, mùa thu hoạch hồ tiêu có cái đặc biệt của nó, ấy là sự bận rộn lặng lẽ khiến người ta nghĩ đến sự an nhàn mà vẫn hái ra tiền. Hòa An ngày ấy chỉ có hơn 130 hộ thuộc diện kinh tế mới lam lũ thuở nào mà thoắt cái đã hóa phố. Nghĩ chuyện gần chuyện xa, ngắm những cơ ngơi bề thế đã con mắt, tôi định ra về thì vừa lúc “đệ nhất tỷ phú hồ tiêu” Nguyễn Văn Khoa về tới.

Toàn cảnh thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh. Ảnh nguồn internet ảnh 1

Toàn cảnh thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh. Ảnh nguồn internet

Nói đến cái tên Nguyễn Văn Khoa thì cả huyện Chư Sê bấy giờ có lẽ không mấy ai không biết. Ông Khoa đã có lúc làm chủ 20 ha hồ tiêu. Vụ hồ tiêu năm 2007, dù đã chia một phần cho con, người ta vẫn đoán ông lãi khoảng 4 tỷ đồng. Năm 2008, hồ tiêu mất mùa, giá có xuống chút ít, ông vẫn thu về khoảng 3 tỷ đồng. Nhiều người đoán, tài sản của ông bây giờ cũng phải cỡ vài chục tỷ đồng. “Có chí làm quan, có gan làm giàu”, lời người xưa vận vào ông thật chẳng sai.

Ông Nguyễn Văn Khoa quê gốc ở xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Thời chống Mỹ, ông tham gia du kích rồi vào bộ đội, từng bị địch bắt. Sau giải phóng, ông phục viên, theo “ông già” lên thôn Hòa An làm ăn. Vốn liếng chỉ hai bàn tay trắng mà thời đó chẳng biết làm gì ngoài cây lúa rẫy. Đánh vật với đất mấy năm ròng cũng không thoát cảnh “vắt mũi bỏ miệng”, ông thấy phải mở hướng làm ăn mới. Nhưng “hướng mới” ấy là gì thì nghĩ mãi vẫn chưa tìm thấy lối ra. Cho đến một hôm ra thị trấn huyện chơi, tình cờ ghé nhà người quen, thấy họ đang xôn xao bàn chuyện trồng hồ tiêu, ông nghĩ: Đất thị trấn trồng được thì Hòa An có lẽ cũng được.

Thời đó, trồng hồ tiêu chỉ mới manh nha ở đất Chư Sê, còn toàn vùng Nhơn Hòa thì chưa ai nghĩ đến. Mang trong đầu ý nghĩ “trồng cầu may”, vậy mà nhờ cần mẫn chăm sóc, 100 trụ hồ tiêu của ông phát triển rất tốt và cho năng suất cao. Kết luận đầu tiên mà ông rút ra là: Đất Hòa An hoàn toàn phù hợp với cây hồ tiêu. Thứ nữa, 1 sào hồ tiêu hiệu quả kinh tế ăn đứt 4 ha lúa rẫy. Mê quá, ông vừa tích cực tìm hiểu kỹ thuật qua đài báo vừa học hỏi kinh nghiệm thực tế. Kẹt vốn thì dùng kế sách “lấy ngắn nuôi dài”. Thấy ông trồng hồ tiêu có cơ làm giàu, bấy giờ, người dân Hòa An mới học làm theo… Phong trào đang “ngon trớn” thì đến năm 1992, hồ tiêu rớt giá thê thảm. Nhiều người chán nản phá bỏ và quay lại với cây lúa rẫy. Riêng ông thì vẫn kiên trì. Không những thế, ông còn tìm cách mở rộng diện tích. Ông Khoa tin chắc rằng, giá hồ tiêu thế nào cũng sẽ lên khi thị trường xuất khẩu được mở rộng.

Nhận định của ông Khoa cuối cùng đã đúng. Qua năm 1995, giá hồ tiêu tăng vọt. Bấy giờ, nhiều người mới tiếc là đã không nghe lời khuyên của ông. Thấm thía bài học, bắt đầu từ đây, người dân thôn Hòa An xác định gắn bó với cây hồ tiêu. Phong trào lan rộng ra toàn xã. Nhơn Hòa trở thành “đệ nhất thủ phủ hồ tiêu” của huyện với diện tích hơn 300 ha. Số hộ thu nhập từ 1 tỷ đồng trở lên vào khoảng 20 hộ. Riêng thôn Hòa An, số hộ có thu nhập từ nửa tỷ đồng trở lên chiếm gần một nửa, còn số dưới mức 500 triệu đồng thì rất nhiều. Chỉ biết, một xã đặc sệt nông dân mà có gần 20 chiếc ô tô du lịch, trong đó có những chiếc bạc tỷ vào thời điểm đó thì quả là chuyện có một không hai.

Ấy là chỉ kể 1 thôn điển hình với 1 nhân vật điển hình. Trên 300 tỷ phú mà chỉ riêng những hộ có thể xếp vào hàng “kỳ phùng địch thủ” với ông Khoa thì cũng đã vài chục. Có thể kể đến như các ông: Nguyễn Văn Luyến (xã Ia Blang); Võ Ngọc Hoàng (xã Ia Phang), Đào Tiến Tình (thị trấn Chư Sê )… Điều đáng nể phục là đã xuất hiện những hộ nông dân Jrai đứng được vào hàng tỷ phú. Xin nói thêm là, nếu năm 2007, toàn huyện Chư Sê mới có 200 tỷ phú thì năm 2008 đã vọt lên con số hơn 300. Cái tên Chư Sê bấy giờ vang danh khắp nước. Có người lạc quan rằng, với đà này thì chỉ vài năm tới, số tỷ phú của huyện Chư Sê có lẽ phải đến số ngàn.

Nhưng rồi điều lạc quan đã không xảy ra. Sau thời hoàng kim 230.000 đồng/kg, giá hồ tiêu giảm dần, có thời điểm chỉ còn 50.000 đồng/kg. Tiếp đó là cơn “đại dịch” khiến hàng ngàn héc ta hồ tiêu tan tác. Nhiều gia đình giàu lên nhờ hồ tiêu, sau một thời gian đã khánh kiệt. Thậm chí, nhiều người phải bỏ xứ đi trốn nợ. Trong số những “tỷ phú hồ tiêu” lừng lẫy một thời, nhiều người đã phải chuyển nghề.

Thế mới biết, nghề nông bao giờ cũng là nghề “khó chơi” nhất!

Có thể bạn quan tâm

Hội thảo chuyển đổi số trong nông nghiệp

Hội thảo chuyển đổi số trong nông nghiệp

(GLO)- 

Sáng 19-9, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Gia Lai phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo chuyên đề “chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp Gia Lai”. Tham dự hội thảo có bà Ayun H’Bút-Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành liên quan; một số đơn vị viễn thông cùng các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã.

Cơ hội cho người trồng cà phê Robusta ở Lâm Đồng

Cơ hội cho người trồng cà phê Robusta ở Lâm Đồng

Lâm Đồng là địa phương đứng thứ 2 cả nước (sau Đắk Lắk) về phát triển cây cà phê. Khoảng 91% diện tích cà phê của tỉnh là cà phê Robusta. Bởi vậy, việc thị trường thế giới có nhiều dấu hiệu tích cực và mở ra cơ hội cho cà phê Robusta là niềm vui lớn cho người trồng loại cà phê này ở Lâm Đồng.
Thu nhập ổn định từ nghề sản xuất dầu đậu phộng

Thu nhập ổn định từ nghề sản xuất dầu đậu phộng

(GLO)- Hàng năm, người dân xã Tân An (huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) gieo trồng hơn 100 ha đậu phộng, năng suất bình quân 7,5 tạ/sào. Xuất phát từ nhu cầu thực tế, chị Đỗ Thị Thanh Vân và bà Nguyễn Thị Thanh Xuân đã đầu tư mua sắm dây chuyền sản xuất dầu đậu phộng nhằm tạo thu nhập ổn định cho gia đình và đáp ứng dầu ăn nguyên chất, tiêu thụ nguyên liệu tại chỗ cho nông dân.
Thu hoạch sầu riêng an toàn, hiệu quả

Thu hoạch sầu riêng an toàn, hiệu quả

Hiện nay, nông dân các tỉnh Tây Nguyên đang bước vào vụ thu hoạch sầu riêng năm 2023. Nhờ xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc cho nên giá sầu riêng năm nay tăng cao, mang lại nguồn thu nhập lớn cho người nông dân. Tuy nhiên mới bước vào đầu vụ thu hoạch, ở một số địa phương đã xảy ra tình trạng trộm cắp, tranh mua, tranh bán, nạn bảo kê, ép giá, thu phí..., gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân.