Nổi lửa thiêu tham nhũng - Đảng lấy lại lòng dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Không dừng lại ở những nghị quyết hay lời phát biểu đanh thép tại các hội nghị, buổi tiếp xúc cử tri, năm 2017, nhiều đại án được đưa ra xét xử, hàng loạt sếp lớn bị cách chức, tống giam chờ ngày ra trước vành móng ngựa.
Báo chí cũng nóng lên từng trang, từng số với những lời nhận định, bình luận sắc bén, đã cho thấy cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng đang vào hồi quyết liệt, mang lại niềm hy vọng cho nhân dân vào quyết tâm chính trị của những người lãnh đạo đất nước.
 
Quyết tâm cao độ
2017, một năm mà dẫu là người thơ ơ nhất với đời sống chính trị của đất nước cũng không thể ngồi yên trước những con số, sự kiện diễn ra hàng ngày được báo chí đưa tin, bình luận. Đặc biệt là thông tin về cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng.
Sau hơn một năm lẩn trốn, cuối cùng, Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC đã phải trở về quy án.
Từ đây, cơ quan chức năng đã khởi tố hàng loạt đối tượng ở Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) mà đỉnh điểm là khởi tố, bắt giam ông Đinh La Thăng (nguyên ủy viên Bộ Chính trị,  nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN) và Đinh Mạnh Thắng (Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Dầu khí Sông Đà), em trai ông Thăng.
Đây được xem là sự khẳng định quyết tâm cao độ của Đảng trong công tác đấu tranh tham nhũng. Rằng, sẽ không có vùng cấm nào trong cuộc chiến đầy cam go với giặc nội xâm.
Mọi tội phạm về kinh tế, mọi cái bắt tay của các nhóm lợi ích với những người có chức, có quyền nhưng thoái hóa biến chất, bán linh hồn cho quỷ dữ sẽ phải trả giá.
Một khi quyền lực bị tha hóa thì thay vì dùng quyền lực phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc, người nắm quyền lại thiếu bản lĩnh, bị vật chất tác động sẽ hành xử thiên lệch, trái chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giành những dự án tốt, dễ sinh lời, thao túng để biến tài nguyên, công sản quốc gia thành của riêng mình, phe nhóm mình...
Chỉ cần chỉ đạo DN con là PVP Land thoái vốn tại dự án Nam Đàn, Trịnh Xuân Thanh đã nhận được 14 tỷ đồng do đối tác là công ty Xuyên Thái Bình Dương lại quả. Nhóm của Thanh được lại quả 49 tỷ đồng sau vài chữ ký, nhưng đất đai của DN nhà nước đã tụt giá từ 52 triệu đồng xuống còn 34 triệu đồng/m2.
Lại quả 49 tỷ đồng, chắc chắn công ty này phải kỳ vọng thu lại gấp nhiều lần số đó. Tương tự, ông Đinh La Thăng, khi ký các quyết định liên kết để PVN đổ tiền vào Oceanbank, yêu cầu các đơn vị thành viên của tập đoàn mở tài khoản tại ngân hàng này, khiến PVN mất trắng 800 tỷ đồng, ai dám chắc những chữ ký đó không liên quan gì đến số tiền hàng trăm tỷ đồng mà Oceanbank chi lãi ngoài?
Với 5 (trong tổng số 12) dự án thua lỗ, PVN đang dẫn đầu danh sách các đại dự án làm nghèo đất nước, kéo theo 4 đời TGĐ bị khởi tố bắt giam là: Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Quốc Khánh, Phùng Đình Thực.
Kẻ đã nhận án tử hình, người chuẩn bị ra trước vành móng ngựa cùng vài chục thuộc cấp sau khi Viện KSND Tối cao ra cáo trạng truy tố các bị can 2 tội danh cố ý làm trái và tham ô tài sản.
Cựu lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Cao su Việt Nam về hưu cũng không thoát tội. Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với 5 bị can, trong đó có ông Lê Quang Thung - nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn.
Với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), nơi có 4 dự án thua lỗ nặng, hàng loạt lãnh đạo tập đoàn đã bị kỷ luật cảnh cáo, cách mọi chức vụ. Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cũng đã bị cách chức vì những bê bối trong kê khai tài sản, chỉ đạo cổ phần hóa DN giúp các thành viên gia đình bà hầu như thâu tóm phần lớn cổ phần của DN nơi bà công tác trước đây.
Các đại gia ngân hàng lừng lẫy một thời như Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh, Trầm Bê… kẻ vào tù, người thì bị truy tố chờ ngày xét xử.
Phấn chấn lòng dân
Cuộc đấu tranh chống tham nhũng lãng phí, tấn công vào nhóm lợi ích, triệt hạ nhóm tư bản thân hữu đang ngày càng quyết liệt. Nói như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi cũng cháy”.
Thái độ quyết tâm của Đảng trong việc xử lý tới cùng tội phạm tham nhũng được người dân đồng tình hưởng ứng. Bởi cuộc đấu tranh ấy không chỉ nhằm trừng phạt một cá nhân hay một nhóm tội phạm nào đó, hay giúp mở ra những manh mối tham nhũng khác.
Điều quan trọng hơn là qua những vụ án này, chúng ta có thêm nhiều bài học để hoàn thiện pháp luật, khắc phục những sơ hở trong quản lý tài chính, tiền tệ, ngân hàng.... Đảng cũng có cơ hội nhìn lại mình, xây dựng và hoàn thiện hơn các nguyên tắc, qui trình đào tạo, quản lý, giám sát, lựa chọn và sử dụng cán bộ đảng viên vào các vị trí lãnh đạo trọng yếu.
Nhân dân muốn nhìn thấy việc làm cụ thể để công lý được thực thi. Và hơn thế nữa, nhân dân muốn nhìn thấy hình ảnh những người lãnh đạo đất nước phải luôn là “khuôn vàng thước ngọc” trong cuộc sống. 
Văn Thiêng (Vietnamnet)

Có thể bạn quan tâm

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

(GLO)- Tổng Bí thư Tô Lâm vừa có bài phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia vào sáng 13-1. Báo Gia Lai điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư. 

Gần 12 ngàn đại biểu dự hội nghị về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia

Gia Lai: Gần 12 ngàn đại biểu dự hội nghị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

(GLO)- Sáng 13-1, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị kết nối đến 15.345 điểm cầu trên toàn quốc với 978.532 đại biểu tham dự. Tại Gia Lai có gần 12.000 đại biểu tham dự.