Những người trẻ lội ngược dòng ở miền Tây - Kỳ 1: Mật ngọt của thạc sĩ Chal Thi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đang có công việc ổn định ở TP.HCM, bỗng chốc cô nghỉ việc rồi kéo cả chồng con về quê... trèo dừa. Nhưng nhờ quyết định táo bạo mà giờ đây cô đã là chủ một công ty chuyên chế biến các sản phẩm mật hoa dừa, tạo việc làm cho nhiều đồng hương.
Chal Thi cùng chồng bỏ thành phố lớn, về quê làm dự án mật hoa dừa - Ảnh: T.NHƠN
Chal Thi cùng chồng bỏ thành phố lớn, về quê làm dự án mật hoa dừa - Ảnh: T.NHƠN
Sắp tới tui muốn chuyển giao kỹ thuật lấy mật hoa dừa đến nông dân và mua mật từ bà con như các công ty chuyên mua sữa tươi. Tui muốn nông dân quê mình giàu hơn.
CHAL THI
Nhắc đến miền Tây gần đây là nhắc đến dòng chuyển dời của người dân châu thổ về TP.HCM, Bình Dương làm công nhân. Thậm chí, nhiều trí thức miền Tây cũng tin rằng lên được TP.HCM coi như đã cầm "nửa tấm vé thành công".
Tuy nhiên, cũng có nhiều người trẻ đã lội ngược dòng, quyết tâm khởi nghiệp trên quê hương mình.
Tìm "lối ra" mới cho cây dừa
Trà Vinh, những ngày đầu hè nắng oi ả, tôi theo chân cô thạc sĩ Khmer Thạch Thị Chal Thi (31 tuổi, ngụ huyện Tiểu Cần) đến vườn dừa xanh mướt đang thu mật với tấm biển: "Nông trại dừa Sokfarm".
"Tiệt trùng bình cẩn thận, cứ 12 tiếng thay bình một lần nghen anh em" - Chal Thi di chuyển nhanh thoăn thoắt, chỉ đạo nhóm công nhân đang làm việc trong vườn dừa.
Thoạt nhìn vườn dừa Sokfarm cũng giống bao vườn dừa bạt ngàn châu thổ. Nhưng lại gần ai cũng bất ngờ vì vườn dừa lại không hề thu hoạch trái, thay vào đó là hàng trăm bình chứa đang hứng trọn từng dòng mật ngọt tiết ra từ hoa dừa.
"Bận đầu người ta chửi tui điên đó. Ai đời mần chuyện bắt dừa tiết mật" - Chal Thi chia sẻ.
Rồi Chal Thi kể quê cô nghèo lắm. Người dân quanh năm chỉ sống dựa mấy công dừa, ruộng lúa. Ngày khăn gói rời quê lên TP.HCM học, cô hứa với gia đình sẽ cố gắng làm gì đó cho bà con phum, sóc mình. Mấy lần cha gọi điện lên rầu rĩ chuyện dừa rớt giá thê thảm càng thôi thúc cô phải làm gì đó cho quê hương.
"Có bận giá dừa chỉ còn 20.000 - 30.000 đồng/chục (12 trái). Không lẽ dân mình cứ chịu cảnh trúng mùa thất giá, nghèo hoài hay sao?" - Chal Thi đau đáu tìm câu trả lời.
Với kiến thức ngành công nghệ thực phẩm được học, cô gái Khmer quyết tìm "lối ra" mới cho cây dừa quê mình. Qua tìm hiểu, cô biết các nước như Thái Lan, Indonesia ngoài thu hoạch dừa lấy trái, người ta còn tạo ra các sản phẩm giá trị khác như mật hoa dừa...
Khát khao đổi thay cho quê nghèo, tháng 10-2018 cô cùng chồng là thạc sĩ Phạm Đình Ngãi (31 tuổi, quê Đồng Tháp) quyết định rời TP.HCM, bỏ lại công việc với thu nhập ổn định để trở về Trà Vinh.
Mất gần nửa năm thử mọi cách nhưng hoa dừa vẫn không chịu tiết mật, Chal Thi và chồng vẫn không chịu bỏ cuộc.
"Sau gần nửa năm tụi tui mới lấy được nửa lít mật đầu tiên. Nhưng từ mật tươi đó làm sao cô đặc lại thành mật hoa dừa lại là chặng đường gian nan khác" - Chal Thi nhớ lại.
Nhiều người ở quê lời ra tiếng vào vì những việc làm không giống ai của nữ thạc sĩ. Nhiều người còn bảo cô cố ý phá hoại mùa màng của bà con như mấy vụ mua lá mãng cầu khô, mua bưởi non hay nghe trên đài.
"Áp lực khủng khiếp mặc dù tui thực hiện trên chính mảnh vườn của gia đình mình. Bà con bao đời chỉ thấy người ta trồng dừa lấy trái, thu củ hủ dừa chứ có ai lấy mật đâu" - Chal Thi chia sẻ.
Thất bại. Làm lại. Lại thất bại. Lại làm lại. Gần một năm ròng nghiên cứu, cuối cùng những dòng mật ngọt cũng tuôn trào.
Theo Chal Thi, muốn cây dừa tiết mật cần có chế độ chăm sóc đặc biệt. Đầu tiên phải thường xuyên tưới nước giữ ẩm kết hợp tăng cường phân bón hữu cơ. Đặc biệt để dừa tiết nhiều mật, người thợ phải dùng tay massage làm nóng hoa dừa, dùng chày gõ nhẹ lên hoa thông tuyến mạch.
"Thợ lành nghề mới biết tác động lực mạnh nhẹ ra sao, bởi làm mạnh quá hoa dừa bị giập mà nhẹ quá thì dừa không tiết mật được. Nói thì nghe có vẻ vô lý, nhưng người thợ chăm dừa thường xuyên thì dừa ra nhiều mật hơn mấy anh lâu lâu mới lấy mật" - Chal Thi kể.
Ngoài ra, độ tuổi của hoa dừa cũng quyết định chất lượng mật bởi hoa non quá thì nước đục, còn để hoa già quá thì dừa ra ít nước. Hiện tất cả các giống dừa đều có thể thu mật. Một hoa dừa có thể cho mật từ 20-30 ngày, lượng mật thu được trong 24 giờ trung bình 1 lít.
"Hiện tại tui đang trồng thử giống dừa Mawa, loại dừa chuyên thu mật với năng suất khoảng 2,5-5 lít mật/24 giờ. Loại này có nhiều đặc điểm nổi bật so với các giống dừa bản địa" - Chal Thi cho biết.
Sau nhiều năm miệt mài với hàng trăm mẻ thành phẩm thất bại vì nước dừa không hài hòa độ ngọt và độ chua, độ cô đặc..., đến tháng 9-2019, sản phẩm mật hoa dừa của Chal Thi chính thức trình làng thị trường.
Những chai mật hoa dừa đầu tiên được gửi bạn bè, đồng nghiệp dùng thử và nhận được những tín hiệu tốt. Những người bạn góp phần giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo.
Nhờ chỉ số đường thấp, giàu khoáng và thuần thực vật nên sản phẩm nhanh chóng được đón nhận.
Công nhân nông trại Sokfarm thu mật dừa - Ảnh: T.NHƠN
Công nhân nông trại Sokfarm thu mật dừa - Ảnh: T.NHƠN
Nông nghiệp hạnh phúc
Sokfarm là tên công ty, trong đó sok trong tiếng Khmer có nghĩa là "bình an, hạnh phúc". Thông điệp mà Chal Thi gửi gắm chính là hướng đến nền nông nghiệp hạnh phúc, lấy lợi ích cộng đồng làm tiêu chí phát triển.
Chính vì vậy hiện cô đang liên kết với nhiều hộ dân bên ngoài để thu mua mật hoa dừa. Anh Trần Minh Luân (ngụ xã Hùng Hòa) dù chỉ có chín cây dừa nhưng hằng tháng đều thu về gần 3 triệu đồng từ việc bán mật hoa dừa cho công ty. 
So với lợi nhuận bán trái bình quân chưa đến 1 triệu đồng/tháng thì đây là số tiền rất lớn. Hiện anh cũng được công ty thuê thu mật dừa từ những khu vườn khác với mức lương 6 triệu đồng/tháng. 
"Nhiều người nghĩ bán dừa thu mật thì sau vài ba năm không thu nữa vườn dừa sẽ chết nhưng không phải vậy. Có vài cây trong vườn sau đợt thu mật để ra trái thì vẫn sai oằn" - anh Luân chia sẻ.
Nhiều người trồng dừa tại địa phương cũng đến Chal Thi để tìm cơ hội hợp tác. Anh Trần Văn Phương có hơn 5ha dừa tìm đến vườn dừa của Chal Thi để tìm cơ hội hợp tác. 
"Thời điểm dừa xuống thấp, bán một thiên dừa (1.000 trái) chỉ thu được vài ba triệu đồng. Bấp bênh quá. Thấy hàng xóm mần ăn với Chal Thi có lý quá nên tui hợp tác" - anh Phương bày tỏ.
Hiện mỗi ngày công ty mua khoảng 300 lít mật hoa dừa tươi. Mỗi tháng cung ứng ra thị trường khoảng 4.000 chai mật hoa dừa, 1.000 hộp cacao mật hoa dừa và gần 100kg đường mật hoa dừa. Thị trường tiêu thụ chủ yếu của sản phẩm là TP.HCM, Hà Nội... 
"Thời gian sắp tới công ty sẽ mở rộng thị trường, tăng quy mô lên 1 tấn mật hoa dừa thành phẩm mỗi tháng vào cuối năm" - Chal Thi cho biết.
Lợi nhuận gấp 4-5 lần thu trái
Hiện 1 lít mật hoa dừa tươi được mua với giá 9.000 đồng. Một hoa dừa trung bình cho 25 lít mật, thu nhập hơn 200.000 đồng. Trong khi một quầy dừa sai khoảng 10 trái chỉ cho lợi nhuận 50.000-60.000 đồng.
Một cây dừa có thể thu mật hoa liên tục trong chín tháng, sau đó nghỉ ngơi ba tháng để phục hồi.
------------------------
"Nhiều bạn bè tôi chọn ở lại thành phố lập nghiệp. Hồi đi học, tôi cũng tính ra trường sẽ làm ở Sài Gòn. Nhưng nghĩ lại sao mình không thử sức ở chính quê nhà?".
Kỳ tới: Cô gái mê tinh dầu thôn dã
THÀNH NHƠN (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.