Những bệnh ung thư nào đứng đầu ở Việt Nam?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo thống kê Ghi nhận ung thư 2018 tại Việt Nam, 5 bệnh ung thư thường gặp nhất ở cả 2 giới là ung thư gan (15,4%); ung thư phổi (14,4%); ung thư dạ dày (10,6%); ung thư vú (9,2%); ung thư đại trực tràng (8,9%).
 
Ảnh minh họa.
Năm 2018, Việt Nam có hơn 164 ngàn ca mắc mới và gần 115 ngàn ca tử vong do ung thư. Ung thư đã trở thành gánh nặng đối với toàn xã hội, là mối đe dọa lớn đến sức khỏe của mỗi người.
Ung thư gan
Năm 2018, 25.404 người tử vong vì ung thư gan và hơn 25 ngàn trường hợp mắc mới. Nếu phát hiện ở giai đoạn sớm ung thư gan có thể chữa khỏi, tuy nhiên người bệnh thường đến khám và điều trị ở giai đoạn bệnh tiến triển, việc điều trị gặp nhiều khó khăn.
Bệnh ung thư gan hay gặp ở những người bị bệnh xơ gan, gan nhiễm mỡ, người nhiễm viêm gan virus trong đó chủ yếu là viêm gan B và C; ung thư gan cũng có thể do di truyền, thói quen sử dụng thực phẩm không sạch, ẩm mốc và nhiễm chất độc dioxin. Nhiều nghiên cứu cho thấy đa phần những người mắc ung thư gan đều uống nhiều rượu bia và các chất kích thích.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2018, ung thư gan là một trong 5 loại ung thư gây tử vong hàng đầu với gần 800.000 ca tử vong mỗi năm.
Đáng lưu ý, tỉ lệ mắc ung thư gan tại Việt Nam xếp vị trí thứ 4/185 quốc gia, vùng lãnh thổ có số liệu về ung thư. Trung bình cứ 100.000 người Việt thì có 23,2 người bị ung thư gan.
Với tỉ lệ này, Việt Nam chỉ đứng sau Mông Cổ (tỉ lệ 93,7/100.000 dân), Ai Cập (32,2), và Gambia (23,9). Vị trí thứ 5 và thứ 6 lần lượt thuộc về Lào (22,4) và Campuchia (21,8), vị trí thứ 8 thuộc về Thái Lan (21).
Ung thư phổi
Theo Globocan 2018, mỗi năm, trên thế giới có khoảng 2,09 triệu ca mới mắc và 1,76 triệu người tử vong do ung thư phổi. Ở Việt Nam, con số này là 23.667 ca ung thư phổi mới phát hiện và 20.170 người tử vong mỗi năm. Đây thực sự là con số đáng báo động, cho thấy rằng ung thư phổi đang đe dọa sức khỏe và mạng sống của rất nhiều người.
Mỗi năm có hơn 23.000 người mắc bệnh ung thư phổi, khoảng 20.700 người đã tử vong. Ung thư phổi không chỉ gặp ở nam mà còn gặp ở cả nữ giới. Tại Việt Nam, ung thư phổi là bệnh ung thư thường gặp thứ 2 ở nam giới và đứng thứ 3 trong những bệnh ung thư ở phụ nữ hay mắc.
Nguyên nhân chính gây nên căn bệnh này là sử dụng thuốc lá, bao gồm cả chủ động và thụ động. 90% bệnh nhân ung thư phổi đều hút thuốc lá.
Ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày là tình trạng phát triển khối u ác tính trong dạ dày. Bệnh xảy ra khi các tế bào trong dạ dày phát triển quá mức dẫn đến hình thành các khối u. Ung thư dạ dày là bệnh thường gặp và rất dễ di căn đến các bộ phận khác. Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến tử vong.
Năm 2018 Việt Nam ghi nhận 17.527 người mắc ung thư dạ dày; 15.065 ca tử vong vì căn bệnh này. Ung thư dạ dày là căn bệnh ung thư thường gặp trong những bệnh ung thư đường tiêu hóa. Người nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori, thường xuyên uống bia rượu, hút thuốc, sử dụng những thực phẩm ướp muối, chế biến sẵn, thực phẩm hun khói hay thức ăn nướng ..... có tỷ lệ mắc ung thư dạ dày cao hơn những người khác.
Ung thư vú
Ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất ở nữ giới tại Việt Nam và trên thế giới, đây là căn bệnh có tỷ lệ mắc và tử vong hàng đầu ở phụ nữ.Ung thư vú đang ngày càng có dấu hiệu trẻ hóa khi bệnh được phát hiện ở người độ tuổi 20, 21. Nguyên nhân gây bệnh được xác định có thể do di truyền do mẹ, chị em gái đã từng mắc bệnh; chế độ ăn nhiều dầu mỡ, chất béo. Với phụ nữ sinh con sớm, hoặc sinh con muộn, không sinh con thường có tỷ lệ mắc ung thư vú cao hơn.
Ung thư đại trực tràng
Ung thư đại trực tràng thường bao gồm ung thư trực tràng và ung thư kết tràng. Trong thực tế, nếu có polyp phát triển trong đường ruột là một điều bình thường, không có vấn đề gì lớn, thậm chí có polyp tăng sản, polyp bạch huyết, polyp tuyến tiến triển thành khối u…
Ung thư đại tràng là bệnh thường gặp ở nam và nữ giới. Nếu bạn có chế độ ăn nhiều chất béo, protein cao, ít chất xơ trong thời gian dài và thiếu tập thể dục, rất dễ sinh ra ung thư đại trực tràng. Đặc biệt với người hút thuốc lá sẽ là yếu tố nguy cơ gây bệnh.
K. Chi (Infonet)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai tăng tốc chiến dịch tiêm vắc xin phòng-chống dịch sởi

Gia Lai tăng tốc chiến dịch tiêm vắc xin phòng-chống dịch sởi

(GLO)- Trước diễn biến phức tạp của bệnh sởi, tỉnh Gia Lai khẩn trương triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng-chống dịch sởi, phấn đấu hoàn thành vào 31-3-2025. Mục tiêu chung của chiến dịch là tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi trong cộng đồng, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh sởi.

TP. HCM: Bắt đầu công bố hết dịch sởi

TP. HCM: Bắt đầu công bố hết dịch sởi

Sáng 27-3, Sở Y tế TPHCM cho biết, hiện có 22 phường, xã thuộc Quận 1, 4 và huyện Củ Chi đủ điều kiện công bố hết dịch sởi, Sở Y tế đã có báo cáo và đề nghị UBND TPHCM ban hành quyết định công bố hết dịch sởi tại các phường xã này theo quy định.

Phú Thiện triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng-chống dịch sởi

Phú Thiện triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng-chống dịch sởi

(GLO)- Từ ngày 26-3 đến 31-3-2025, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng-chống dịch sởi với mục tiêu chung tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi trong cộng đồng nhằm chủ động phòng-chống dịch sởi, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh sởi trên địa bàn huyện.

Bác sĩ khám bệnh cho chị Ksor Hlai (làng Chan, xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ). Ảnh: N.N

Bệnh lao tiềm ẩn trong cộng đồng

(GLO)- Mỗi năm, toàn tỉnh Gia Lai phát hiện khoảng 700 bệnh nhân lao. Hiện vẫn còn khoảng 40% bệnh nhân lao tiềm ẩn trong cộng đồng, là nguồn lây lan bệnh nếu không kịp thời điều trị. Ngoài ra, số bệnh nhân lao kháng thuốc gia tăng đang là gánh nặng trong công tác phòng-chống lao tại tỉnh.