L.T.S: Không chỉ hết lòng chăm sóc bệnh nhân, các thầy thuốc Việt Nam còn nỗ lực nghiên cứu, thực hiện nhiều công trình có giá trị lớn, góp phần làm rạng danh nền y khoa nước nhà.
Đó là Thầy thuốc Ưu tú - bác sĩ chuyên khoa II Chu Tấn Sĩ, người được mệnh danh là "bàn tay vàng" phẫu thuật ngoại thần kinh của Bệnh viện Nhân Dân 115 TP HCM.
Bệnh viện (BV) Nhân Dân 115 TP HCM vừa tổ chức lễ đón nhận bằng xác lập 3 kỷ lục châu Á do Tổ chức Kỷ lục châu Á trao tặng, đồng thời vinh danh các tập thể, cá nhân xác lập kỷ lục này.
"Mắt đại bàng, tay phụ nữ"
Trong 3 kỷ lục châu Á được xác lập có 2 kỷ lục tập thể là BV đầu tiên của Việt Nam phẫu thuật u não cho bệnh nhân 67 tuổi, bằng hệ thống công nghệ trí tuệ nhân tạo robot Modus V Synaptive và BV đầu tiên đạt chuẩn chất lượng điều trị vàng của Hội Đột quỵ châu Âu về điều trị đột quỵ. Còn kỷ lục cá nhân được trao cho Thầy thuốc Ưu tú - bác sĩ (BS) chuyên khoa II Chu Tấn Sĩ, Trưởng Khoa Ngoại thần kinh BV Nhân Dân 115, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại thần kinh Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Ông được vinh danh là người đầu tiên phẫu thuật u não bằng hệ thống công nghệ trí tuệ nhân tạo robot Modus V Synaptive, dưới sự hỗ trợ của GS Amin Kassam, Phó Chủ tịch Viện Phát triển thần kinh Aurora (Mỹ). Kỷ lục này được đánh giá mở ra một bước tiến mới trong việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong phẫu thuật thần kinh.
|
BS Chu Tấn Sĩ (trái) tại lễ đón nhận bằng xác lập 3 kỷ lục châu Á. (Ảnh do Bệnh viện Nhân Dân 115 cung cấp) |
Khi xem clip ghi lại quá trình mổ bằng công nghệ mới dưới sự hỗ trợ của "mắt thần" camera robot (khuếch đại lên hàng trăm lần) cùng với cánh tay robot có thể xoay nhiều góc độ linh hoạt khác nhau qua sự điều khiển của đôi tay, nhiều người không thể tin bộ não con người lại được can thiệp sâu như thế. Dưới sự hỗ trợ của hệ thống định vị, robot, vùng xuất huyết não của bệnh nhân được lấy sạch hoàn toàn mà không tổn thương đến cấu trúc não kế cận, không ảnh hưởng bó mạch thần kinh xung quanh. Với hệ thống này, thời gian ca mổ sớm hơn dự kiến 2 giờ và nhanh hơn rất nhiều so với mổ bằng kính vi phẫu kinh điển, thường phải mất khoảng 4 giờ. Đặc biệt hơn, nhiều ca được mổ não trong trạng thái người bệnh còn tỉnh, chỉ gây tê vùng não cần can thiệp.
Nhiều người ví rằng, các BS ngoại thần kinh có "đôi mắt của đại bàng, trái tim của sư tử và đôi tay của phụ nữ". BS Chu Tấn Sĩ là một người như vậy và ông được mệnh danh là "bàn tay vàng phẫu thuật thần kinh".
BS Chu Tấn Sĩ nói rằng ở những ngành khác, phẫu trường lớn, mổ tim có thể cầm trái tim, mổ xương có thể nắm đoạn xương nhưng mổ sọ não thì không thể. Có khi khối u nằm sâu cả tấc mà BS chỉ tiếp cận được bằng dụng cụ vi phẫu. Não chi phối thần kinh và nội tiết, sơ sẩy một chút có thể khiến bệnh nhân liệt nửa người, mất ngôn ngữ… Thêm nữa, mô thần kinh trung ương là mô không tái sinh, hễ mất là mất hẳn, bệnh nhân sẽ khiếm khuyết luôn chức năng thần kinh đó. Cho nên khi giải quyết tổn thương phải thật tinh tế.
"Điều này đòi hỏi kinh nghiệm xử lý tình huống, phải quyết đoán bởi quyết định chỉ trong khoảnh khắc tích tắc này vô cùng quan trọng, sẽ ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống, cuộc đời của một con người" - BS Chu Tấn Sĩ bày tỏ.
TS-BS Phan Văn Báu, Giám đốc BV Nhân Dân 115, cho biết đến nay, với ê-kíp do BS Chu Tấn Sĩ phẫu thật chính, BV đã phẫu thuật hàng chục ca bằng kỹ thuật robot mổ tỉnh, trong đó có nhiều ca bệnh lý u não, u tủy sống, xuất huyết não.
Truyền lửa cho thế hệ sau
Chia sẻ về chuyên môn khi sử dụng robot Modus V Synaptive trong mổ não, BS Chu Tấn Sĩ khẳng định hệ thống robot phẫu thuật thần kinh sẽ làm thay đổi thói quen của các phẫu thuật viên, mang lại nhiều lợi điểm. Đặc biệt nhất là tất cả ê-kíp tham gia ca mổ đều có thể quan sát phẫu trường, tương tác với nhau trong suốt quá trình mổ. Hệ thống robot đi theo cuộc cách mạng 4.0, tất cả các kế hoạch mổ đều được chuẩn bị trước trên máy. Sau đó, hệ thống máy sử dụng trí tuệ nhân tạo cho phép chọn lựa các bó dẫn truyền thần kinh và trong quá trình mổ có thể tránh các bó đó để hạn chế tối đa các di chứng thần kinh để lại.
|
BS Chu Tấn Sĩ đang mổ não robot cứu người. (Ảnh do Bệnh viện Nhân Dân 115 cung cấp) |
Khoa Ngoại thần kinh BV Nhân Dân 115 được thành lập đến nay đã 20 năm, cũng là ngần ấy thời gian cứu chữa hàng ngàn bệnh nhân "thập tử nhất sinh". Không chỉ tận tâm tận lực với nghề, được sự dìu dắt của các bậc đàn anh - người thầy đi trước, là cánh chim đầu đàn của Khoa Ngoại thần kinh BV Nhân Dân 115, đến lượt mình, Thầy thuốc Ưu tú Chu Tấn Sĩ truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm cho thế hệ sau. Đã có rất nhiều thế hệ học trò, đàn em kế tục nghề nghiệp, đồng nghiệp được ông chia sẻ chuyên môn, kinh nghiệm.
Nhớ lại câu chuyện về một ca bệnh phức tạp, BS Chu Tấn Sĩ kể vào giữa đêm khuya, ông đang say giấc thì nhận tin cấp cứu ca bệnh bị dị vật kim loại găm xuyên sọ, hai mảnh dị vật cắm sâu trong não, trong đó một mảnh ghim trí mạng sâu hẳn vào trong nền sọ. Hôm đó, ê-kíp phẫu thuật sau khi lấy ra được mảnh thứ nhất thì không tìm thấy mảnh còn lại, lúc này đành bó tay, tính đóng sọ, kết thúc cuộc mổ... Sau khi vào phòng mổ, BS Chu Tấn Sĩ soi đèn vô não thì phát hiện ánh kim loại lóe lên. Trong tích tắc, mảnh dị vật trốn sâu trong não được lấy ra. Nếu không có cuộc giải cứu lúc nửa đêm ấy, dị vật này chắc chắn sẽ gây biến chứng, đe dọa tính mạng bệnh nhân.
Có thể nói, trở thành bậc thầy trong nghề cầm dao mổ não, phẫu thuật ngoại thần kinh nhưng ít ai biết được vị BS tài ba này xuất thân từ một gia đình nghèo, đông con với 8 miệng ăn. Lúc ông còn trẻ, gia đình mưu sinh bằng nghề làm bún. Từ tờ mờ sáng, ông đã phải thức dậy, đạp xe chở bún đi giao ở các chợ, 7 giờ về đi học. Chiều tối, lại đi một vòng nữa để thu tiền hàng, nhận đặt hàng của hôm sau.
Điều trân quý là dù rất vất vả nhưng cha mẹ ông vẫn cố gắng nuôi các con ăn học thành tài. Với ước mơ cháy bỏng, ông quyết thi vào ngành y. Nhờ sự động viên từ người thân gia đình, trong đó có người anh cả hiện là chủ nhiệm Bộ môn Toán của Trường ĐH Y Dược TP HCM, chàng trai giao bún thuở nào đã đỗ đạt thành tài, trở thành chuyên gia mổ não có tiếng.
Miệt mài với công tác điều trị, giảng dạy, mái tóc ngả hoa râm của vị trưởng khoa với dáng người cao dong dỏng vẫn cần mẫn đi về giữa viện và trường. Hiện tại, trên cương vị là phó chủ nhiệm Bộ môn Ngoại thần kinh Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP HCM, BS Chu Tấn Sĩ tiếp tục lèo lái con thuyền ngoại khoa về thần kinh sọ não, kỳ vọng trong thế hệ sinh viên y khoa trẻ tiếp tục có thêm nhiều bàn tay vàng y khoa.
Nhiều công trình có giá trị Quá trình làm việc và nghiên cứu, BS Chu Tấn Sĩ thực hiện nhiều công trình khoa học được ứng dụng thành công trong khám chữa bệnh như: công trình "Đánh giá bước đầu phẫu thuật robot Modus V Synaptive tại Bệnh viện Nhân Dân 115", "Bắt vít chân cung qua da Sextant điều trị gãy cột sống thắt lưng", "Đánh giá kết quả phẫu thuật Stereotaxy", công trình "Đánh giá kết quả phẫu thuật ghép đĩa đệm cột sống cổ", "Đánh giá kết quả phẫu thuật u tuyến yên qua xoang bướm", "Đánh giá kết quả phẫu thuật đầu nước trong thai kỳ", "Đánh giá kết quả phẫu thuật hẹp sọ ở trẻ em... ". Với những cống hiến cho nền y học, BS Chu Tấn Sĩ được trao tặng nhiều bằng khen các cấp; được công nhận là Thầy thuốc Ưu tú vào năm 2014. Hiện nay, ông là hội viên Hội Phẫu thuật Thần kinh Việt Nam, hội viên Hội Phẫu thuật Thần kinh thế giới, hội viên Hội Cột sống Bắc Mỹ. |
Kỳ tới: "Chiến binh" giữa đôi bờ sinh tử
Theo NGUYỄN THẠNH (NLĐO)