Tay đấm Trương Đình Hoàng - điều chưa kể - Kỳ 2: Knock-out... chính mình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
'Tuổi vừa lớn đã đạt được khá nhiều danh hiệu khiến tôi thêm ngạo nghễ mà quên luôn cả việc tập luyện. Kết quả là trận thua trước một đối thủ yếu hơn. Sự tự tin khiến tôi bị knock-out khỏi sự nghiệp' - tay đấm Trương Đình Hoàng kể về kỷ niệm.
Trương Đình Hoàng cùng bức ảnh thần tượng ở phòng tập là tay đấm hoang dã Mike Tyson - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Trương Đình Hoàng cùng bức ảnh thần tượng ở phòng tập là tay đấm hoang dã Mike Tyson - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Trận thua của sự "ái kỷ"
17 tuổi, Hoàng có gần một năm biên chế trong CLB boxing trẻ quốc gia và nhiều hơn như thế ở trong đoàn thể thao tỉnh nhà. Hai lần thượng đài, Hoàng mang về cho mình cả hai huy chương bạc lẫn vàng.
Và để thực hiện mong muốn của bố mẹ, ngoài thi đấu cậu vẫn phải tham gia một lớp học bổ túc văn hóa tổ chức trong trung tâm huấn luyện.
Dù có mặt đều đặn ở lớp học, nhưng Hoàng lúc đó nỗ lực tập luyện để vô địch quốc gia, SEA Games. Rồi sau đó tiến xa hơn nữa, các sàn đấu quốc tế chính là điều võ sĩ trẻ quan tâm nhất.
Đầu năm 2009, Hoàng tham gia giải vô địch các CLB boxing trẻ toàn quốc tại Đắk Lắk. Trước tiếng kẻng khai màn trận đấu, cả ban huấn luyện và đông người theo dõi vẫn đinh ninh người chiến thắng chỉ có thể là Hoàng, một tay đấu trên cơ.
Thế nhưng, đấu thủ không mấy tên tuổi đến từ tỉnh Gia Lai lúc ấy đã hạ gục Hoàng trong sự bất ngờ.
"Mộng tưởng từ trước, sau trận thua ê chề, trong tôi mọi thứ sụp đổ. Chính việc quá tự tin trước đối thủ và thành tích mình đã đạt được rồi chủ quan đánh không hết sức dẫn đến việc phải nhận lấy một trận thua ê chề" - Hoàng nhớ lại.
Nếu như những khó khăn trước đó không làm Hoàng nhụt chí, thì giờ đây võ sĩ trẻ gần như gục ngã. Loáng choáng bước rời khỏi võ đài, anh cứ thế về nhà mà chẳng nói năng qua ai.
Hơn một giờ ngồi trên xe, Hoàng suy nghĩ rất nhiều điều, về lý do để mình có mặt tại đây hôm nay, về bố mẹ, về các thầy đã kèm cặp, sẻ chia và truyền cảm hứng.
"Mình đã thất bại, đây là sự thật, thôi hết, không còn đường nào nữa rồi" - anh lẩm nhẩm khi hình ảnh thần tượng Mike Tyson - tay đấm từng vô địch tuyệt đối hạng nặng quyền anh người Mỹ - cứ lảng vảng trong tâm trí...
Về quê, Hoàng thông báo giải nghệ, một quyết định khiến ai cũng bất ngờ. "Không phương hướng, không một nguồn động lực để tiếp tục. Bế tắc và xấu hổ. Cứ nghĩ đến các thầy là xuất hiện ngay cảm giác vừa thất vọng, vừa cảm thấy có lỗi.
Chắc bạn sẽ chẳng bao giờ hiểu được cảm giác đó. Nó thực sự không hề dễ chịu với mình chút nào!" - Hoàng kể sự dằn vặt ám ảnh như mới vừa hôm qua.
Đã quyết là làm, Hoàng quay lại thành phố để dọn lấy tư trang. Thế nhưng, một cá tính ngang tàng không đủ giúp Hoàng có được tự tin khi đối mặt với ban huấn luyện.
Nói đúng hơn là khi quay lại phòng tập, nhìn các thầy tận tình, nhìn các bạn đồng môn đang đổ mồ hôi tập luyện, Hoàng lại không mấy can tâm cho lần giải nghệ này.
Quá hiểu rõ lòng trò, không vòng vo, một vị ban huấn luyện như mở lời cho Hoàng chỉ bằng câu nói "ta hơn nhau là cách đứng lên". Lời thầy bỗng giải tỏa tất cả. Hoàng sau phút chần chừ, bỗng chuyển hướng trở lại luyện tập.
Thay lời xin lỗi, anh xin được đăng ký lịch tập "khắc khổ" hơn. Một lịch tập khổ luyện mà sau 10 năm, người thầy Lê Văn Hùng kể lại vẫn nguyên sự ngạc nhiên: "Không biết Hoàng lấy đâu năng lượng để hoàn thành bài tập với thể trạng lúc đó".
Quyết tâm của võ sĩ trẻ "phải đánh bại sự ái kỷ của mình" trở thành động lực tập luyện không biết mỏi mệt ...
Hoàng (trái) trên sàn tập với những cú móc tạt cực mạnh như Mike Tyson - Ảnh: C.TRIỆU
Hoàng (trái) trên sàn tập với những cú móc tạt cực mạnh như Mike Tyson - Ảnh: C.TRIỆU
Tay đấm "vàng" của làng boxing Việt
Phần thưởng cho lần trở lại của Hoàng là Giải vô địch boxing toàn quốc diễn ra tại Nghệ An vào tháng 9-2009.
Ở vòng loại, đối thủ hạng 69kg lần này là một "siêu võ sĩ" từng khiến cậu thua tâm phục khẩu phục tại giải đấu năm trước.
Bước lên sàn đấu trong tâm thế nắm chắc phần thua nhưng thế cờ trở ngược: Hoàng đã giành chiến thắng. Trước sự ngỡ ngàng của mọi người, cậu thắng y như cách mà đối thủ từng thắng mình trước đó.
Đến trận bán kết, Hoàng tiếp tục hạ đo ván một võ sĩ người Nghệ An ngay những hiệp đấu đầu.
Bất ngờ khi tiến vào chung kết, vị võ sĩ của đoàn Gia Lai - từng khiến cậu ê chề dẫn đến quyết tâm giải nghệ vài tháng trước lại là đối thủ trước mặt. "Như có dịp phục hận, trận đấu đó mình lại thắng khá dễ dàng" - Hoàng nhớ lại.
Với chiếc HCV có được, ba tháng sau Hoàng trở thành cái tên đầu tiên được gọi vào đội tuyển quốc gia để tham dự SEA Games 25, tháng 12-2009 ở Lào.
Là một trong những nòng cốt của đội tuyển sáu người, một chế độ tập luyện "kịch khung" đã được ban huấn luyện "kích hoạt" ngay cho cậu.
Thời khóa biểu mỗi ngày của tay đấm: thức dậy từ sáng sớm sang ngay phòng tập khổ luyện cho đến 19h mới được về. Mọi ăn uống, nghỉ ngơi đều ở cả phòng tập.
Ở kỳ SEA Games này, trước cái bóng quá lớn của các tay võ sĩ Thái Lan, Philippines... thì việc có thành tích thật quá sức với Hoàng.
Ở hạng 69kg, tay đấm quê Đắk Lắk may mắn được bỏ qua vòng loại để tiến thẳng vào vòng bán kết. Không may mắn cho Hoàng khi gặp phải đối thủ là một "siêu võ sĩ" người Thái Lan Apichet Saensit, Hoàng dừng lại với tấm huy chương đồng.
"Dù kết quả không cao nhưng nỗ lực mà anh thể hiện ở lần đầu ra đấu trường khu vực lúc ấy cũng là điều đáng được khen. Kinh nghiệm từ những trận thua mới là điều làm nên thành công cho một võ sĩ trẻ như Hoàng" - huấn luyện viên Lê Văn Hùng chia sẻ.
Hai năm sau, ở SEA Games 2011 do Indonesia đăng cai, anh tái ngộ tay đấm người Thái Lan, và một lần nữa ngậm trái đắng.
Đến SEA Games 2013 ở Myanmar, quyết tâm đổi màu huy chương của anh lại không thành khi Apichet Saensit là người lập hat-trick HCV.
Giấc mơ ấy phải chờ đến SEA Games 2015 tại Singapore, anh đánh bại một võ sĩ Thái Lan khác hơn mình một tuổi là Aphisit trong trận chung kết hạng 75kg để giành HCV. "Cuối cùng tôi cũng đã vượt qua được cái bóng của các tay đấm Thái Lan" - Hoàng kể.
Ngoài bốn lần tham dự SEA Games để mang về cho nền thể thao nước nhà ba chiếc huy chương đồng và một HCV thì một bảng thành tích khác cũng được Hoàng gầy nên tại các giải đấu trong nước.
Kể từ năm 2009, Trương Đình Hoàng có 11 lần vô địch liên tục các giải đấu trong nước. Không hẳn quá lợi thế nhưng việc sở hữu chiều cao 1,82m, tốc độ và sức mạnh như vũ bão cùng tầm với dài của sải tay khiến Hoàng rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười: tay đấm Đắk Lắk này hầu như không có đối thủ ở nhiều giải đấu trong nước.
Đối với anh, khi thượng đài quyền anh đơn giản chỉ đấm và né đòn. Công thức áp dụng gần như chỉ có một, đó là lao vào đối thủ và hạ gục nhanh nhất có thể bằng hai tay đấm thẳng hay móc liên tục. 
Không hoa mỹ và chẳng sự tính toán, khán giả luôn phát cuồng bởi lối đánh cống hiến mà Hoàng thường thể hiện. 
Cũng từ đó mà bao giấc mơ quyền anh được nuôi dưỡng từ những màn thể hiện đầy cảm xúc mang thương hiệu "Trương Đình Hoàng" như anh từng ngưỡng mộ lối đánh của thần tượng Mike Tyson đầy hoang dại.
"Mọi người vẫn nghĩ tôi thi đấu vì tiền. Nhưng không hẳn, tiền chỉ là một phần. Phần nhiều còn lại vì tôi muốn người chiến thắng là mình. Và để đạt được điều đó thì tôi phải cố gắng. Cố gắng để đập tan giấc mơ của đối thủ - là giấc mơ muốn đánh bại tôi. Tiếp đến là trả ơn cho những ai đã tin tưởng và ủng hộ. Cuối cùng là tôi không bị thua trước sự ái kỷ" - Trương Đình Hoàng chia sẻ.
Những người bạn đấu đài nói rằng bảng thành tích mà tay đấu Trương Đình Hoàng đạt được rất đáng gờm. Nhưng ít ai biết dưới sàn đấu của anh luôn có một đôi mắt đặc biệt theo dõi...
Kỳ tới: Đôi mắt dưới sàn đấu
CÔNG TRIỆU (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.