Nhớ nồi đất ngày xưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hẳn những ai sinh ra và gắn bó với làng quê đều biết đến cái nồi đất bình dị nhưng thân thiết trong mỗi góc bếp. Ngày nay, dù đa số gia đình không còn sử dụng nhưng trong ký ức nhiều người vẫn còn lưu lại hình ảnh ấy. Với tôi, chiếc nồi đất đã gắn bó với hình dáng của bà, của mẹ, của những ngày đông giá rét.
Nồi đất được làm thủ công từ bàn tay khéo léo của con người. Đất sét dùng để nặn nồi phải sạch, nhuyễn, sau đó người ta nắn thành hình rồi xoay cho tròn, cắt, gọt cẩn trọng. Tục ngữ có câu “Nồi nào vung nấy” là đề cập đến phương diện kỹ thuật của việc tạo ra chiếc nồi như thế nào sau khi nung qua lửa. Bởi không phải khi thành phẩm chiếc nồi nào cũng tròn, đều, miệng nồi lúc nào cũng vành vạnh mà có khi thân nồi không đều, miệng nồi lại méo. Lúc đó thì phải tìm một chiếc vung tương xứng để thành đôi. Câu tục ngữ đầy ý nhị, gợi sự liên tưởng đến việc kết đôi của trai gái khi tìm hiểu nhau, xây dựng hạnh phúc lâu dài.
  Minh họa: KIM HƯƠNG
Minh họa: KIM HƯƠNG
Nồi đất thường dùng để nấu khá nhiều món ăn của người dân quê. Tôi còn nhớ như in những ngày mùa đông, mưa gió sụt sùi, heo hút, cha thường đi thả trúm bắt lươn, bắt ếch. Những con lươn vàng hươm to bằng ngón chân cái được làm sạch, chặt khúc om với chuối xanh vặt vội ở góc vườn. Nhìn lửa cháy liu riu, nồi lươn om chuối sôi lăn tăn, mùi vị trộn lẫn của nghệ, sả, tiêu bốc lên thơm nồng trong tiết lạnh mà thấy thòm thèm. Hay món ếch nấu măng mà không có nồi đất thì dường như cũng không thể đúng vị.
Nồi đất hợp với củi tre. Đó là lời bà tôi hay nhắc nhở. Nồi đất mua về thường không dùng ngay mà ngâm nước gạo hay lá nếp mấy ngày để khi nấu khỏi hôi mùi đất. Gạo mùa tháng 8 nấu nồi đất vừa dẻo vừa thơm, lại thường có lớp cháy vàng rộm dưới đáy nồi. Đây là nguyên nhân của sự tranh giành đáng nhớ của mấy chị em tôi. Vì cơm cháy chan với mắm chưng trong nồi đất thì ngon không thể nào kể được.
Nồi đất còn để kho cá. Cá trê kho dưa cải, cá tràu kho tộ kiểu miền Nam hay độc đáo hơn, ở các nhà hàng sang trọng còn dùng nồi đất chưng kho quẹt hay nhiều nơi còn có món cơm niêu.
Ngày nay, không còn nhiều nhà nấu bằng bếp củi, bếp than nên việc sử dụng nồi đất cũng hiếm dần. Thỉnh thoảng về quê, ngang qua ngõ nhà ai nghe mùi cá kho bốc lên, tôi lại nhớ quay quắt chiếc nồi đất nằm trên chạn trong tư thế sẵn sàng kho món gì đó mỗi lần mẹ đi chợ về. Mấy năm lên phố, đôi lần mẹ gọi điện, giục về nhà lấy mớ cá đồng ngon mua được ở cái chợ đầu làng. Nhớ lắm món cá đồng kho dưa cải trong chiếc nồi đất. Nhưng dạo quanh khắp chợ thành phố vẫn không tìm được chiếc nồi đất ưng ý, đành nói dối với mẹ là nhà đã có nhiều thức ăn rồi.
Một mùa đông nữa lại về. Từng cơn gió lùa qua ô cửa gợi nhớ trong tôi những ngày ở quê lội đồng bắt cua, bắt ếch. Ngồi tiếp khách ở một nhà hàng trên phố, nhìn chiếc nồi đất người phục vụ mang ra, sạch sẽ màu nguyên thủy, không ám chút khói bếp đun mà lòng dâng trào cảm xúc. Món ăn ngon nhưng sao vẫn cảm thấy thiêu thiếu một điều gì đó. Phải chăng nồi đất chỉ ở làng quê, nấu những món ăn dân dã nhưng đượm tình thì mới giữ được vị ngon?
SƠN TRẦN

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...