Nha chương - Báu vật văn hóa thời đại Hùng Vương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhắc đến hiện vật thời đại Hùng Vương và giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên ở Phú Thọ không thể không nhắc đến một loại báu vật, đó là những chiếc nha chương-minh chứng quan trọng trong việc nghiên cứu sự ra đời và phát triển của thời đại Hùng Vương.

Trên miền đất Phú Thọ, những mắt xích văn hóa cứ nối tiếp nhau từ Sơn Vi, Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn-nền tảng của quốc gia Văn Lang thời đại các vua Hùng. Văn hóa Phùng Nguyên là nền văn hóa mở đầu thời đại kim khí ở vùng miền núi và đồng bằng Bắc bộ Việt Nam. Trong số những hiện vật được tìm thấy tại các di tích văn hóa Phùng Nguyên, đồ đá đã đạt đến đỉnh cao của kỹ thuật chế tác. Nhắc đến một nền văn hóa khảo cổ hàm chứa nhiều tinh hoa hơn cả về kỹ thuật chế tác và sản phẩm đồ đá thì phải nghĩ ngay đến văn hóa Phùng Nguyên. Dùng nhiều loại đá khác nhau để chế tạo công cụ sản xuất, vũ khí, đồ trang sức, cư dân Phùng Nguyên đã sử dụng thành thạo các kỹ thuật ghè đẽo, tu chỉnh, mài, cưa, khoan, tiện, đánh bóng. Độc đáo nhất trong các loại hình đồ đá phát hiện được trong văn hóa Phùng Nguyên chính là những chiếc nha chương.

Nói về nha chương, có nhiều ý kiến khác nhau về tên gọi, công dụng cũng như nguồn gốc của nó. Từ lâu, người ta đã biết đến các hiện vật làm bằng đá ngọc với kỹ thuật chế tác rất tinh xảo, có hình dạng khá đặc biệt không chỉ xuất hiện ở Việt Nam mà còn hiện diện rất nhiều trong các bộ sưu tập đồ ngọc ở Trung Quốc, Mỹ, Pháp. Dù vậy, tên gọi của chúng vẫn chưa thống nhất vì xung quanh việc xác định chức năng vẫn còn nhiều điểm mơ hồ, đang được thảo luận. Ở Việt Nam, GS. Hà Văn Tấn và các nhà nghiên cứu đa số cũng đồng nhất với quan điểm gọi tên hiện vật này là nha chương.

 Bộ sưu tập nha chương hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ.) Ảnh: Đ.M.T
Bộ sưu tập nha chương hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ). Ảnh: Đ.M.T



Về niên đại của nha chương, theo các nhà nghiên cứu, đây là vật dùng trong nghi lễ ở Trung Quốc thuộc văn hóa Thương, cách ngày nay khoảng 3.700 đến 3.400 năm, trong khi đó niên đại tuyệt đối của văn hóa Phùng Nguyên khoảng 4.000 năm cách ngày nay, tức là ngang với thời Thương ở Trung Quốc. Điều này giúp ta xác định nha chương có niên đại tương đối vào khoảng 3.700-3.400 năm cách ngày nay.

Về nguồn gốc, vì nha chương xuất hiện rất sớm ở Trung Quốc với số lượng lớn, nhiều kiểu loại bằng đá ngọc tốt, kỹ thuật cực kỳ tinh xảo, đặc biệt ở Trung Quốc còn có cả những công xưởng chế tạo nha chương nên có nhà nghiên cứu cho rằng quê hương của nha chương là ở Trung Quốc. Sự giống nhau đến từng chi tiết giữa nha chương Việt Nam và nha chương Trung Quốc đã khiến nhiều nhà nghiên cứu cho rằng 8 chiếc nha chương tìm thấy ở Việt Nam cũng có xuất xứ từ Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà khảo cổ ở nước ta đã phát hiện dấu tích các công xưởng chế tác đá ở Gò Chè, Hồng Đà cùng rất nhiều hiện vật như hạt chuỗi, hoằng, vòng đá, khuyên tai, công cụ sản xuất… thuộc nền văn hóa Phùng Nguyên có cùng chất liệu đá ngọc, kỹ thuật chế tác với nha chương. Điều này cho ta thấy cư dân Phùng Nguyên là những người thợ thủ công rất tài, rất khéo léo trong việc tạo dáng công cụ và sử dụng các kỹ thuật chế tác đá. Qua các cứ liệu trên có thể khẳng định rằng nha chương Việt Nam có nguồn gốc bản địa và được sản xuất chủ yếu ở vùng núi phía Bắc Việt Nam. Sự giống nhau về loại hình, hình dáng của những chiếc nha chương ở Trung Quốc và ở Việt Nam là do sự tiếp xúc, giao lưu văn hóa chứ không phải là sự đồng quy văn hóa.

Về công dụng của nha chương cũng có nhiều ý kiến tranh cãi. Có nhà nghiên cứu cho rằng với hình dáng mỏng dẹt (chỉ khoảng 0,5 cm đến 0,8 cm), chỉ đánh rơi cũng vỡ thì không thể dùng làm vũ khí được mà chỉ có thể là vật sử dụng trong nghi lễ, lễ khí. Theo sách Chu Lễ của Trung Quốc: “Nha chương dùng để điều động quân đội, chỉ huy quân đồn trú”, nó giống như một thứ “thượng phương bảo kiếm” đầy uy lực trong quân đội. Và đa số các nhà nghiên cứu cũng nghiêng về ý kiến cho rằng nha chương có công dụng như chiếc quyền trượng hay lệnh bài biểu trưng cho quyền lực của vị thủ lĩnh dùng để điều binh khiển tướng. Ở Việt Nam, nha chương ngoài ý nghĩa là biểu trưng cho quyền lực của vị thủ lĩnh còn là báu vật của một bộ lạc tồn tại ở giai đoạn đầu của nền văn hóa Phùng Nguyên.

 


Nha chương là một loại hình hiện vật rất độc đáo được cư dân Phùng Nguyên chế tác bằng kỹ thuật ghè, đẽo, khoan, cưa tạo các rãnh nhỏ đối xứng nhau, tạo các lỗ thủng xuyên tâm rất tinh xảo; bên cạnh đó là kỹ thuật mài nhẵn, bóng, mài vát hình chữ V, hình đuôi cá đạt trình độ thẩm mỹ cao. Việc chọn chất liệu đá ngọc và sử dụng kỹ thuật chế tác đá tương thích để làm nên nét độc đáo của chiếc nha chương càng chứng tỏ sự phát triển đỉnh cao của cư dân Phùng Nguyên trong chế tác đá. Việc nghiên cứu, tìm hiểu về những chiếc nha chương cho thấy vùng đất Tổ Phú Thọ chính là nơi tập trung nhiều những hiện vật điển hình, đặc sắc của nền văn hóa Phùng Nguyên, góp phần hình thành nên nhà nước Văn Lang thời đại các Vua Hùng.

Hiện nay, ở Việt Nam mới chỉ phát hiện được 8 chiếc nha chương tại 2 di chỉ khảo cổ Phùng Nguyên và Xóm Rền (tỉnh Phú Thọ), trong đó tại Bảo tàng Hùng Vương đang lưu giữ 4 chiếc. Chiếc nha chương thứ nhất được người dân phát hiện ngẫu nhiên trong khi đào đất làm gạch năm 1993, nhưng đến năm 1998 nó mới được công bố chính thức. Nha chương còn nguyên vẹn, được làm từ loại đá ngọc nephrite, vân màu vàng ngà, được mài nhẵn bóng, thân dài 35 cm, lưỡi rộng 12 cm, đốc rộng 8,9 cm, mấu dài 0,7 cm, dày 0,4 cm; ở phần đốc có khoan 2 lỗ tròn xuyên tâm cách nhau 3,3 cm, đường kính 0,8 cm, thân có mấu lõm hình chữ V, lưỡi được mài vát một mặt; đốc có một dấu cưa.

Chiếc thứ 2 được khai quật ở di chỉ Xóm Rền vào tháng 12-2004. Nha chương này được làm bằng đá ngọc màu xám xanh, mài nhẵn bóng, đốc hình chữ nhật hẹp hơn thân và lưỡi, lưỡi hình chữ V lệch xòe rộng; giữa thân và đốc có 2 cặp mấu ở 2 bên; phần ngoài của mấu được xẻ rãnh, ở giữa mấu có 1 lỗ tròn. Nha chương dài 20 cm, rộng 6,6 cm, dày 0,4 cm, nặng 190 g, đường kính lỗ khoan là 0,4 cm, độ sâu của rãnh mấu là 0,5 cm. Chiếc nha chương thứ 3 được người dân phát hiện tháng 12-2006 trong khi hạ nền vườn, có dạng hình chữ nhật, thân thẳng, rìa lưỡi cong tròn, cát một mặt, hơi lõm giữa; làm bằng đá nephrite màu trắng, vân màu hồng; nặng 280 g, dài 32,1 cm, dày 0,7 cm, rộng lưỡi 5,9 cm, rộng thân 5,1 cm, rộng cán 4,2 cm, được mài nhẵn bóng toàn thân; các mấu lớn nhỏ được xẻ hình chữ V; gần sát phần đốc có một mấu lớn, trên mấu lớn có xẻ 6 mấu nhỏ, trên mặt của phần mấu người xưa đã dùng kỹ thuật cưa tạo các rãnh nhỏ, nông, chạy song song, đối xứng với nhau; giữa phần mấu lớn về phía đốc khoan một lỗ xuyên tâm có đường kính 0,5 cm.

Chiếc thứ 4 được phát hiện cùng với chiếc thứ 3. Đây là chiếc nha chương dài nhất trong 8 chiếc nha chương được tìm thấy với chiều dài thân là 64,2 cm, rộng 10,5 cm, dày 0,6 cm, rộng lưỡi 7,7 cm, rộng mấu 10,7 cm, nặng 580 g; ở đốc gần sát phần mấu có 1 lỗ khoan xuyên tâm đường kính 0,5 cm; lưỡi có hình đuôi cá, được mài ở 1 mặt, mặt cắt hình chữ V lệch; phần mấu được chế tác rất cầu kỳ với nhiều mấu to, nhỏ khác nhau và được xẻ rãnh song song rất đẹp. Chiếc nha chương còn khá nguyên vẹn này được làm từ chất liệu đá ngọc màu trắng vân xám, toàn thân được mài nhẵn trừ phần đầu đốc vẫn còn dấu cưa và vết bẻ gẫy; đốc được cưa cắt từ 2 phía rồi bẻ ngang.

Bộ sưu tập nha chương hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Hùng Vương trong không gian trưng bày văn hóa Phùng Nguyên nhằm giới thiệu đến khách tham quan những giá trị riêng có và độc đáo và về nghệ thuật chế tác đá đỉnh cao của cư dân Phùng Nguyên.

 ĐẶNG MỸ TRANG
 

Có thể bạn quan tâm

“Điểm sáng văn hóa vùng biên”

“Điểm sáng văn hóa vùng biên”

(GLO)- Năm 1993, Sở Văn hóa-Thông tin (VH-TT) và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đã ký kết chương trình phối hợp hành động với nhiều hoạt động thiết thực, trong đó có mô hình “Điểm sáng văn hóa vùng biên”.

Mừng lúa mới trên cao nguyên

Mừng lúa mới trên cao nguyên

(GLO)- Sau khi thu hoạch mùa vụ và đưa lúa về kho, đồng bào Jrai náo nức với lễ mừng lúa mới. Nghi lễ nông nghiệp cổ truyền độc đáo này đã được bà con duy trì từ bao đời nay.

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.

Tiết mục hát dân ca của em Đinh Doanh và đoàn nghệ nhân xã Pờ Tó trong chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm” tại huyện Ia Pa. Ảnh: V.C

Cồng chiêng cuối tuần trở lại Ia Pa

(GLO)- Tối 17-11, chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm” tiếp tục được tổ chức tại huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. Chương trình mang đến nhiều tiết mục đặc sắc làm nức lòng người dân và du khách.

Giá trị của liên hoan

Giá trị của liên hoan

Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 tổ chức tại TP Cần Thơ vừa khép lại. Bên cạnh những hồ hởi, vui vẻ, nhiều nỗi niềm của sân khấu cải lương truyền thống cũng đã bộc lộ trong mùa liên hoan năm nay.

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

(GLO)- Sau khi hoàn tất việc cắt lúa, ông Chánh thư thái ngồi trò chuyện cùng chúng tôi bên ghè rượu. Phẩm chất nghệ sĩ của người nông dân với tư cách “công trình sư” một loạt công trình, mô hình ghi dấu bản sắc văn hóa tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) hiện diện trước mặt chúng tôi.

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Sân trường rộn tiếng cồng chiêng

Sân trường rộn tiếng cồng chiêng

(GLO)- Cứ mỗi buổi sinh hoạt, khuôn viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lơ Pang (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) lại rộn ràng tiếng cồng chiêng. Âm thanh quen thuộc ấy đến từ đôi tay nhỏ bé của các em học sinh thuộc Câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng của trường.

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

(GLO)- Suốt 1 tháng qua, sau khi hoàn tất công việc gia đình, những người nông dân Jrai chân chất, mộc mạc ở tổ 6 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) lại say sưa luyện tập đánh cồng chiêng.