Những ngày giáp Tết Nguyên đán, nhiều người dân, doanh nghiệp trồng cà phê trên địa bàn tỉnh đang tập trung tưới nước đợt 1 và bón phân để cây cà phê ra hoa, đậu quả. Đây là đợt tưới nước rất quan trọng đối với cây cà phê vì nó quyết định đến năng suất vườn cây vụ sau. Theo người trồng cà phê việc tưới nước cho cây là phải đúng thời điểm khi cây đã phân hóa mầm hoa và phải đủ nước. Nếu tưới muộn, cây sẽ bị suy kiệt, rụng lá, khô cành và ngược lại nếu tưới sớm khi cây chưa phân hóa mầm hoa sẽ làm cho cà phê nở hoa không đều và giảm năng suất.
Hiện nay, đa phần việc tưới nước cho cây cà phê đã được nông dân áp dụng bằng béc phun mưa tự động. Theo đó, người dân lắp đặt béc tưới phun mưa tự động từ trên cao (mỗi béc phun tưới được trên 30 cây/lần), thời gian tưới kéo dài 8 tiếng, sau đó di chuyển sang vị trí khác. Anh Nguyễn Hữu Nghị (thôn Tân Lập, xã Ia Sao, huyện Ia Grai) cho biết: Gia đình anh có hơn 2 ha cà phê. Từ ngày 22 tháng Chạp anh bắt đầu ra máy để tưới nước cho cây cà phê. Việc tưới nước kịp thời sẽ quyết định phần lớn đến năng suất cà phê niên vụ tới. Để giảm chi phí nhân công trong khi tưới nước anh đã đầu tư giàn béc tưới tự động, chỉ cần kéo ống, lắp béc tưới tự động, khoảng 8 tiếng ra thay béc một lần.
Còn theo anh Tô Đình San (thôn 7, xã Ia Nhin, huyện Chư Păh) cho hay: Gia đình anh có 2 ha cà phê. Sau khi thu hoạch cà phê xong, gia đình thuê nhân công cắt tỉa cành tạo tán cho cây. Năm nay thời tiết lạnh, cây phân hóa mầm hoa chậm nên gia đình anh tưới nước muộn hơn so với mọi năm “Để tiết kiệm nước và nhân công, tôi đã đầu tư hệ thống béc tưới phun mưa. Nhìn chung mực nước ở các hồ chứa nước tương đương những năm trước. Hiện tại giá cà phê đang ở mức cao giúp người nông dân có thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha nên tôi cũng cố gắng đầu tư, chăm sóc tốt cho cây cà phê. Hy vọng thời tiết mưa thuận, gió hòa và giá cà phê tiếp tục ở mức cao để người nông dân có mùa màng bội thu”-anh San kỳ vọng.
Những ngày này, tại các doanh nghiệp trồng cà phê trên địa bàn huyện Ia Grai cũng đang tất bật vào vụ tưới nước đợt 1. Thậm chí có đơn vị còn lên kế hoạch tưới xuyên Tết Nguyên đán để cây kịp ra hoa đúng thời điểm. Ông Vũ Hồng Chử-Tổ trưởng Tổ dịch vụ tưới (Đội 3, Công ty Cà phê Ia Sao 2, huyện Ia Grai) cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Công ty, từ ngày 22-1, Tổ dịch vụ tưới đã bắt đầu ra máy tưới nước cho công nhân của Đội và một số hộ dân có trồng cà phê giáp với đơn vị. “Tổ dịch vụ tưới của chúng tôi nhận tưới 60 ha cà phê (47 ha cà phê của đơn vị và 13 ha cà phê của người dân). “Bình quân một nhịp tưới chúng tôi lắp đặt khoảng 25-30 béc/ha và tưới liên tục 8 tiếng. Như vậy, để tưới xong đợt chúng tôi phải tưới liên tục 25-30 ngày, sau đó quay lại tưới đợt 2. Hiện nay, giá dịch vụ tưới (tiền điện, công tưới) khoảng 2,3-2,5 triệu đồng/ha. Dự kiến đợt này chúng tôi tưới xuyên Tết để đảm bảo cho những diện tích cà phê của đơn vị và người dân nở hoa, đậu quả tốt nhất”-ông Chử thông tin.
Ông Nguyễn Ngô Hùng-Giám đốc Công ty Cà phê Ia Sao 2 (huyện Ia Grai)-cho biết: Công ty đang quản lý 464 ha cà phê. Hiện tại Công ty có 5 tổ dịch vụ tưới. Những năm qua, Công ty Cà phê Ia Sao 2 chú trọng thực hiện mô hình “khoán đi đôi với quản” và áp dụng quy trình kỹ thuật chăm sóc vườn cây cà phê theo tiêu chuẩn có chứng nhận Rain forest alliance (RA) và 4C giúp toàn bộ diện tích cà phê kinh doanh giao khoán của Công ty sinh trưởng bền vững, năng suất đạt bình quân khoảng 20 tấn cà phê tươi/ha. Hiện nay, các tổ dịch vụ tưới triển khai tưới nước đợt 1 cho cây cà phê. Trung bình mỗi năm triển khai 3 đợt tưới nước cho cây, còn năm nào thời tiết nắng nóng kéo dài phải kéo sang đợt tưới thứ 4. “Qua đánh giá sơ bộ, tình hình nguồn nước năm nay cơ bản ổn định. Song, để đảm bảo nguồn nước tưới, Công ty cũng đã chỉ đạo đến các đơn vị sản xuất, công nhân chủ động công tác tưới nước hiệu quả, tiết kiệm nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu”-ông Hùng cho biết thêm.
Theo ông Phan Đình Thắm-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai-cho biết: Toàn huyện có hơn 18.000 ha cà phê. Hiện nay người trồng cà phê trên địa bàn huyện đang chủ động tưới nước đợt 1. Qua quá trình kiểm tra các hồ, đập, kênh mương thủy lợi trên địa bàn, nguồn nước cơ bản đủ nước tưới cho cây trồng trong mùa khô năm nay. Để đảm bảo nguồn nước tưới cho cây công nghiệp dài ngày và cây trồng vụ Đông Xuân 2024-22025, phòng cũng đã gửi văn bản hướng dẫn các địa phương và người dân đẩy mạnh áp dụng phương pháp tưới phun mưa trên cao và phun mưa tại gốc hoặc tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước. Đồng thời, người dân cần bón phân hợp lý bổ sung chất dinh dưỡng cho cây cà phê”.
Ông Nguyễn Thanh Bình-Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Đối với các hồ chứa do công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình Thủy lợi Gia Lai quản lý (17 hồ chứa) chỉ có hồ Ia Dreh có dung tích hồ đạt 32,2% so với dung tích thiết kế, còn các hồ chứa còn lại có dung tích đạt 55,5-102,5% so với dung tích thiết kế. Các hồ chứa do Trạm quản lý Thủy nông huyện Kbang quản lý (5 hồ chứa) có dung tích đạt 87,5-99,9% so với dung tích thiết kế. Các hồ chứa do Đội quản lý khai thác các công trình thủy lợi Ia Grai quản lý (9 hồ chứa) hiện mực nước đã qua tràn, dung tích đạt 100% so với dung tích thiết kế. Các hồ chứa do Phòng Kinh tế thị xã An Khê quản lý (5 hồ chứa) có mực nước từ 49,3-82,3% so với dung tích thiết kế. Công trình thủy lợi do Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kông Chro quản lý có dung tích hồ đạt 52% so với dung tích thiết kế. Các hồ chứa do Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ quản lý (5 hồ chứa) có dung tích hồ đạt 50-90,9% so với dung tích thiết kế. Các hồ chứa do phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Cơ quản lý (4 hồ chứa) có dung tích hồ đạt 59,5-79,4% so với dung tích thiết kế. Các hồ chứa do phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa quản lý (2 hồ chứa) đạt 68-73% so với dung tích thiết kế.
Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Sẽ có nhiều hoạt động đặc sắc, ấn tượng
Gia Lai: Nước ngầm suy giảm mạnh vì hạn hán kéo dài
Áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước: Giảm chi phí, tăng hiệu quả