Người tìm ra hậu duệ gạo Huyết rồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Huyết rồng là giống lúa quý cho gạo có màu đỏ đặc trưng, cơm dẻo vừa và xốp, vị ngọt, nổi tiếng từ xưa nhưng đến nay đã thất truyền.

Các loại gạo trắng và gạo màu của Việt Nam - Ảnh: Đinh Đang
Các loại gạo trắng và gạo màu của Việt Nam - Ảnh: Đinh Đang



Thật may mắn, sau một thời gian dài nghiên cứu, lai tạo và gieo trồng thử nghiệm, một nhà khoa học là tiến sĩ Đào Minh Sô - Trưởng bộ môn Chọn tạo giống cây trồng (Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam) đã tìm ra được “hậu duệ” của giống lúa Huyết rồng danh tiếng đó.

Sự ngộ nhận về Huyết rồng

Cái tên “Huyết rồng” đã không ít lần gây sóng gió trên thị trường. Có thời điểm, giá bán của nó đã được đẩy lên 40.000 đồng/kg, cao gấp mấy lần giá gạo thông thường nhưng tìm đỏ mắt cũng không có. Nhiều thương lái đã phải lặn lội sang tận Campuchia để tìm mua cho được loại lúa này.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực trồng trọt, Huyết rồng đúng là một giống lúa nổi tiếng từ xa xưa. Trong quá trình khai thác trồng trọt các loại cây làm lương thực, tổ tiên chúng ta đã chọn lọc và phát triển được một giống lúa rất ngon cơm, cho gạo màu đỏ và đặc biệt chứa nhiều dưỡng chất. Gạo này cũng từng được dùng như một loại thảo dược có giá trị bồi bổ sức khỏe cho người già, người bệnh, phụ nữ có thai và em bé. Giống lúa này được đặt tên là Huyết rồng.

Nhưng thực tế cho đến nay, giống lúa Huyết rồng cổ truyền để tạo ra loại gạo “ngon đặc biệt như xưa” không còn tồn tại. Lúa Huyết rồng sinh trưởng trong thời gian dài (5 - 6 tháng), chỉ trồng được duy nhất 1 vụ trong năm, cây cao 1,6 - 1,8 m nên rất dễ đỗ ngã và cho năng suất thấp. Chính vì không đáp ứng được yêu cầu mùa vụ và sản lượng nên giống lúa đặc biệt này đã dần dần bị mai một.

Tuy nhiên, trước nhu cầu của thị trường, nhiều người đã gán ghép các loại gạo có màu đỏ là gạo Huyết rồng. Sự mạo nhận này đã mang lại nhiều hệ lụy: người tiêu dùng phải trả cái giá cao hơn nhưng chỉ nhận được loại gạo nấu cơm khô hoặc quá dẻo và dính chặt nên không ngon miệng.

 

Gạo Mắt rồng - hậu duệ của gạo Huyết rồng đã thất truyền.
Gạo Mắt rồng - hậu duệ của gạo Huyết rồng đã thất truyền.


30 năm nghiên cứu lúa và hành trình tìm hậu duệ

Tôi gặp lại tiến sĩ Đào Minh Sô vào một ngày đầu năm Tân Sửu. Vẫn nụ cười luôn thường trực và nước da ngày càng đen sạm vì nắng gió trên đồng ruộng, ông tiến sĩ nông nghiệp khoe ngay: “Cậu đến đúng lúc lắm, tôi đang chuẩn bị đi thăm vùng nguyên liệu rất đặc biệt, một loại lúa hậu duệ của Huyết rồng”. Tôi lập tức bị kích thích.

Làm sống lại một giống lúa cổ truyền đã bị mai một, đó là một điều tuyệt vời.
“Không đơn giản như cậu nghĩ đâu. Để nghiên cứu được giống lúa hậu duệ đáp ứng đầy đủ các tiêu chí sống khỏe, năng suất cao, hạt gạo đẹp, thơm ngon, tôi đã mất cả chục năm để tìm tòi lai tạo đấy”. Nếu ai từng làm việc với tiến sĩ Đào Minh Sô thì sẽ hiểu, ông nói được là làm được.


 

Tiến sĩ Đào Minh Sô -- Trưởng bộ môn Chọn tạo giống cây trồng (Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam) trên khu ruộng thí nghiệm.
Tiến sĩ Đào Minh Sô -- Trưởng bộ môn Chọn tạo giống cây trồng (Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam) trên khu ruộng thí nghiệm.


Gắn bó với cây lúa từ lúc ra trường, đến nay tiến sĩ Đào Minh Sô đã có thâm niên gần 30 năm trong lĩnh vực nghiên cứu lúa. Ông là tác giả và đồng tác giả của hàng chục giống lúa mới, trong đó có những giống lúa nổi tiếng, đóng góp to lớn cho sản xuất như Jasmine-85, VND95-20, LC408 (lúa cạn); là tác giả của hàng chục quy trình canh tác lúa trên các nhóm giống, các tiêu chuẩn kỹ thuật và điều kiện canh tác khác nhau và đã được ghi nhận bằng các giải thưởng danh giá (giải thưởng Nhà nước về KHCN, giải thưởng thành tựu của Viện nguyên tử năng Quốc tế - IAEA).

Tôi thu xếp đi theo tiến sĩ Đào Minh Sô đến vùng sản xuất lúa ở Tây Ninh. Trên đường đi, ông Sô kể lại hành trình kỳ công tìm ra hậu duệ của giống lúa Huyết rồng, mà ông đặt tên là “Mắt rồng SR20”:

“Có khá nhiều giống lúa màu cổ truyền còn được lưu giữ tại các cơ quan nghiên cứu. Hầu hết nguồn gen này (lúa cổ truyền) có giá trị canh tác thấp nên rất ít được sử dụng trực tiếp cho sản xuất. Trong quá trình khai thác nguồn gen lúa cổ truyền để tạo ra nguồn gen lúa cải tiến đáp ứng nhu cầu sản xuất, nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã chọn tạo được một số dòng lúa màu cải tiến bằng phương pháp đột biến từ các giống lúa cổ truyền ở thời điểm năm 2010. Nguồn vật liệu lúa màu cải tiến này còn hạn chế về giá trị sử dụng nhưng là tiền đề để chúng tôi lai tạo ra các giống lúa màu đạt giá trị canh tác và tiêu dùng như hiện nay. Sau đó công tác lai tạo được tiến hành giữa các thể biến dị đột biến có màu sắc với các nguồn gen lúa cải tiến khác nhau. Giống lúa SR20 là con lai được chọn từ tổ hợp gồm: vật liệu làm bố là một dòng lúa đỏ đột biến được phát triển từ nguồn gen cổ truyền trong nước và vật liệu làm mẹ là một dòng lúa đen thu thập ở nước ngoài. Cặp lai này được thực hiện nhằm khai thác lợi thế di truyền từ các tính trạng tốt của bố và mẹ. Công tác chọn lọc được chúng tôi tiến hành liên tục từ năm 2015, đến năm 2019 thì xác định được một số dòng thuần lúa màu triển vọng, trong đó dòng lúa SR20 thể hiện rõ nhất về giá trị canh tác và sử dụng”.

Theo ông Sô, giống SR20 có thời gian sinh trưởng ngắn (di truyền từ bố), kiểu hình đẹp, chứa sắc tố đỏ và tím (trung gian giữa bố và mẹ), bông chùm (di truyền từ mẹ), năng suất cao, có ưu thế vượt trội về chất lượng so với giống mẹ (tím đen, gạo nát, cơm ướt và quá dẻo) và giống bố (đỏ, cơm khô).
Giống lúa SR20 đã được khảo nghiệm và thử nghiệm diện rộng ở nhiều điểm tại Đông Nam Bộ và ĐBSCL từ vụ Đông Xuân 2020 - 2021 đến nay, và đã thể hiện được tính ổn định các ưu điểm như: ngắn ngày (92 - 96 ngày), năng suất cao (5 - 8 tấn/ha), chống chịu sâu bệnh tốt; đặc biệt cơm rất ngon, vị ngọt, dẻo vừa và xốp như gạo của giống Huyến rồng cổ truyền, thích hợp đa số người dùng.

Đến nay, gạo Mắt rồng SR20 đã chính thức có mặt trên thị trường và được giới chuyên gia xếp vào nhóm đặc sản, có giá trị cao về mặt dinh dưỡng (giàu vi chất khoáng và vitamin) trong khi giá thành lại rất cạnh tranh.

 

Theo ĐINH ĐANG (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Trao chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao

Gia Lai: Trao chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao

(GLO)- Chiều 8-5, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị công bố Quyết định số 803/QĐ-UBND ngày 28-12-2023 của UBND tỉnh về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm năm 2023.

Người cao tuổi ở Ia Grai làm kinh tế giỏi

Người cao tuổi ở Ia Grai làm kinh tế giỏi

(GLO)- Huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) có gần 7.000 hội viên người cao tuổi (NCT), trong đó, 659 hội viên được công nhận là NCT làm kinh tế giỏi. Họ là lực lượng đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Điều chuyển hơn 57 tỷ đồng trồng rừng thay thế

Điều chuyển hơn 57 tỷ đồng trồng rừng thay thế

(GLO)- Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh, TP. Hà Nội và đơn vị liên quan chỉ đạo, thông báo các chủ dự án nộp hơn 57,3 tỷ đồng tiền trồng rừng thay thế để điều chuyển cho tỉnh Gia Lai kịp thời trồng rừng.
Dựa vào dân để giữ rừng

Dựa vào dân để giữ rừng

(GLO)- Thời gian qua, các địa phương, đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh triển khai công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và cá nhân sống gần rừng.
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

(GLO)- Công tác khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn giống mì và lúa năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng bền vững.
Khó khăn trong tiêm phòng vắc xin bệnh dại ở Gia Lai

Khó khăn trong tiêm phòng vắc xin bệnh dại ở Gia Lai

(GLO)-   Gia Lai đang trải qua cao điểm nắng nóng gay gắt, thời điểm này dễ phát sinh  dịch bệnh động vật trong đó bệnh dại trên đàn chó, mèo là nỗi lo lớn nhất hiện nay.  Giải pháp đẩy mạnh tiêm phòng vắc xin bệnh dại là ưu tiên của các địa phương hiện nay.