Người tiên phong đưa cây hoa hòe phủ xanh đất cằn Kông Chro

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sau gần 2 năm được chị Bùi Thị Vân Anh (tỉnh Thái Bình) đưa vào trồng, cây hoa hòe đã thích ứng với vùng đất cằn Kông Chro. Đến nay, chị Vân Anh đã phát triển thành trang trại dược liệu hoa hòe lớn nhất tỉnh Gia Lai để tạo ra sản phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đất cằn nở hoa
Đưa chúng tôi tham quan trang trại hoa hòe tại thôn 9 (xã Yang Trung, huyện Kông Chro), chị Bùi Thị Vân Anh cho biết: Quê tôi nhà nào cũng trồng cây hòe, ít thì vài cây ở góc sân, đầu ngõ, nhiều thì cả khu vườn. Năm 2005, gia đình tôi thu mua sản phẩm hoa hòe của người dân trong tỉnh và đầu tư xây dựng xưởng để chế biến xuất khẩu sang Trung Quốc. Vài năm trở lại đây, nhu cầu đặt hàng của đối tác ngày càng nhiều, trong khi nguồn nguyên liệu ở quê nhà không đủ cung ứng. Để có vùng nguyên liệu ổn định phục vụ chế biến, tôi vào các tỉnh miền Trung khảo sát đất trồng nhưng chưa chọn được nơi thích hợp. Mãi đến năm 2019, trong một lần đến huyện Kông Chro, tôi nhận thấy đất đai, khí hậu ở đây rất thuận lợi để trồng cây hoa hòe. Sau đó, tôi bàn với em gái rồi quyết định vào đây mua 21 ha đất của người dân để trồng cây hoa hòe. “Vùng đất này trước đây người dân thường trồng mì, bắp nhưng hiệu quả không cao. Do vậy, tôi tận dụng để trồng cây hoa hòe và mong muốn phát triển thành vùng dược liệu lớn nơi đây. Cuối năm 2020, tôi bắt đầu đưa cây giống từ quê nhà vào trồng và phát triển thành trang trại”-chị Vân Anh kể.
 
Sau 2 năm, trang trại hoa hòe của gia đình chị Bùi Thị Vân Anh phát triển rất tốt và cho thu hoạch vụ đầu tiên. Ảnh: Ngọc Sang
Sau 2 năm, trang trại hoa hòe của gia đình chị Bùi Thị Vân Anh phát triển tốt và cho thu hoạch vụ đầu tiên. Ảnh: Ngọc Sang
Cũng theo chị Vân Anh, nhờ nắm được kỹ thuật trong những năm thu mua sản phẩm hoa hòe nên chị không gặp nhiều khó khăn khi triển khai trồng và chăm sóc vườn cây. Đây là loại cây thân gỗ, họ đậu được trồng để lấy nụ hoa. Kỹ thuật trồng khá đơn giản, không tốn công chăm sóc lại ít sâu bệnh, nhanh cho thu hoạch và mang lại thu nhập cao so với cây mía, mì. Đặc biệt, loại cây này ra hoa gần như quanh năm, vụ thu chính từ tháng 6 đến cuối tháng 9. Ngoài ra, cây hoa hòe có thể sinh trưởng và phát triển trên 10 năm mới phải phá bỏ để trồng mới.
Sau 2 năm, trang trại hoa hòe của gia đình chị Vân Anh phát triển rất tốt và cho vụ thu hoạch đầu tiên. Với 21 ha, mỗi tháng, vườn cây cho thu hoạch 8-9 tấn hoa khô, giá bán từ 150 ngàn đồng trở lên/kg. Nếu giá xuất khẩu ổn định thì có thể thu về hơn 600 triệu đồng/tháng. Chính vì giá trị kinh tế cao của cây hoa hòe nên chị tiếp tục mở rộng trồng thêm 30 ha, trở thành trang trại trồng cây dược liệu lớn nhất tỉnh.
Liên kết mở rộng vùng nguyên liệu
Anh Huỳnh Văn Minh-Quản lý trang trại-cho biết: Ngay từ khi triển khai trồng cây hoa hòe, chúng tôi được chị Vân Anh định hướng canh tác theo hướng hữu cơ. Ngoài ra, khi cây đạt chiều cao 1,2-1,5 m thì tiến hành bấm ngọn để cây đẻ nhánh. Mỗi cây chỉ giữ lại 4-5 cành chính, sau đó tiếp tục bấm ngọn để tạo các cành thứ cấp cho đến khi có bộ khung tán lá phân bố đều. “Mặc dù là cây chịu hạn tốt nhưng vào mùa nắng thì vẫn cần lượng nước tưới nhất định. Chính vì vậy, chúng tôi lắp đặt hệ thống tưới nước tự động đến từng gốc cây. Cùng với đó, chúng tôi sử dụng phân bò cộng với bã của cây mì để ủ thành phân bón cho vườn cây. Hiện trang trại luôn duy trì 6 lao động tại địa phương để chăm sóc và thu hoạch hoa với mức lương 6-8 triệu đồng/người/tháng”-anh Minh cho hay.
Trang trại lắp đặt hệ thống tưới nước tự động đến từng gốc cây. Ảnh: Ngọc Sang
Trang trại lắp đặt hệ thống tưới nước tự động đến từng gốc cây. Ảnh: Ngọc Sang
Thạc sĩ-bác sĩ Vũ Thị Lan Hương-Phó Giám đốc Bệnh viện Y dược cổ truyền-Phục hồi chức năng tỉnh: Cây hoa hòe còn gọi là hòe mễ, hòe hoa. Trong hoa hòe chứa 6-30% chất rutin có tác dụng hỗ trợ điều trị các bệnh viêm gan siêu vi B, C, giúp tăng cường sức đề kháng cho người gầy yếu, suy nhược cơ thể, lao xơ nhiễm phổi… Ngoài ra, hoa hòe còn chứa nhiều hoạt chất có công dụng nâng cao sức bền thành mạch, tốt cho người mắc bệnh tăng huyết áp, cầm máu, chống co thắt cơ trơn ở đường ruột và kháng khuẩn, chống viêm.
Tiếp thêm câu chuyện, chị Vân Anh cho biết: Chi phí đầu tư phân hữu cơ cho vườn cây khoảng 10 triệu đồng/ha cho 1 chu kỳ chăm bón. Bởi rễ của cây hoa hòe có khả năng tổng hợp được lượng đạm, không cần bón nhiều lần nhưng cây vẫn phát triển tốt nên chi phí đầu tư thấp. Khi sử dụng phân hữu cơ, vườn cây phát triển tốt và bền hơn rất nhiều. Trong tương lai, sau khi ổn định được vùng trồng, cùng với việc đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, chị sẽ sử dụng thêm bã của nụ hoa hòe để ủ làm phân bón cho cây. “Hiện nay, ngoài mở rộng diện tích trồng, tôi còn vận động người dân trong vùng chuyển đổi các cây trồng kém hiệu quả sang trồng hoa hòe và sẵn sàng hỗ trợ giống, kỹ thuật và thu mua sản phẩm cho bà con. Thực tế cho thấy, trồng loại cây này phù hợp với trình độ canh tác của người dân nơi đây. Qua đó, giúp bà con có thêm loại cây trồng mới nhằm thay thế diện tích mía, mì kém năng suất’-chị Vân Anh chia sẻ.
Trao đổi với P.V, ông Trần Văn Đấu-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kông Chro-cho biết: “Cây hoa hòe được đưa vào trồng tại địa phương gần 2 năm và bước đầu cho sản phẩm. Theo đánh giá, vùng đất Kông Chro rất phù hợp để trồng cây hoa hòe. Trang trại hoa hòe của chị Vân Anh là một trong số ít mô hình trên địa bàn huyện được đầu tư chăm sóc bài bản theo hướng hữu cơ. Địa phương rất ủng hộ chị trong việc xây dựng nhà máy chế biến, liên kết với người dân mở rộng vùng nguyên liệu gắn với tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động địa phương, giúp bà con có nguồn thu nhập ổn định”.
NGỌC SANG

Có thể bạn quan tâm

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

(GLO)- Nhờ biết tính toán và tích cực lao động sản xuất nên gia đình ông Rơ Châm Pyik (làng Châm Aneh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) có nguồn thu ổn định hơn 900 triệu đồng/năm. Không những thế, ông còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở cơ sở.

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

(GLO)- Chiều 29-10, tại xã Ia Tô, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công ty cổ phần Giống cây trồng, vật nuôi Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo đánh giá kết quả sản xuất giống lúa HG12 trên địa bàn huyện trong vụ mùa năm 2024. 

Tuổi cao vẫn bền chí làm giàu

Tuổi cao vẫn bền chí làm giàu

(GLO)- Sở hữu 5 ha cà phê với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm nhưng ông Amyơm (SN 1964; làng Dơk Rơng, xã Glar, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) vẫn muốn mở rộng thêm diện tích nhằm nâng cao thu nhập cùng quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp

(GLO)- Từ nguồn hỗ trợ của Trung ương và ngân sách địa phương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai phối hợp với các địa phương xây dựng nhiều mô hình trình diễn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi cho người dân. Nhờ đó, năng suất, chất lượng nông sản địa phương được nâng cao.

Chăn nuôi bò kết hợp trùn quế: Lợi ích kép

Chăn nuôi bò kết hợp trùn quế: Lợi ích kép

(GLO)- Tuy mới thành lập nhưng Tổ hội nghề nghiệp nuôi trùn quế xã Tú An (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã mang lại lợi ích kép cho các thành viên khi không chỉ tạo cơ hội chia sẻ kinh nghiệm làm ăn mà còn thúc đẩy việc nhân rộng mô hình chăn nuôi bò kết hợp nuôi trùn quế.