Người H'Mông trên quê mới Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sau ngày thống nhất đất nước, các dân tộc từ miền núi phía Bắc di cư vào Tây Nguyên ngày càng nhiều, làm cho bức tranh văn hóa các dân tộc ngày càng trở nên đa sắc. Trong số đó, người H'Mông chiếm số lượng đáng kể. Chuyến thực tế của Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai đến Đak Nông-tỉnh có số lượng người H'Mông đông nhất khu vực Tây Nguyên-mới đây đã cho chúng tôi một cái nhìn bao quát hơn về việc người H'Mông giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của họ, thêm sắc màu cho văn hóa Tây Nguyên.

Người H'Mông và quá trình chuyển cư

Xa xưa, người H'Mông (Mông, Mèo) là cư dân đồng bằng, làm ruộng ở vùng đất Tam Miêu (Trung Quốc), bị người Hán đẩy dần xuống phía Nam. Trên đường chuyển cư, không còn những vùng đất thuận lợi, họ buộc phải sinh sống ở những rẻo cao, rồi dần tạo nên một cuộc sống mới với những nét đặc sắc của văn hóa vùng cao. Sau 3 đợt thiên di lớn, đến nay, người H'Mông đã có mặt ở hầu hết các tỉnh Tây Bắc, một phần Đông Bắc, miền Tây Nghệ An, Thanh Hóa. Ở nước ta, người H'Mông có 4 nhóm địa phương (theo màu của y phục): H'Mông Trắng, H'Mông Hoa, H'Mông Xanh và H'Mông Đen.

Từ thập niên 80 của thế kỷ trước, người H'Mông bắt đầu di cư vào Tây Nguyên. Có lẽ nhóm người H'Mông ở Gia Lai chính là nhóm đi tiên phong trong cuộc đại chuyển cư vào Tây Nguyên những năm sau đó của người H'Mông đến cao nguyên phía Tây của Tổ quốc. Nhóm cư dân này có nguồn gốc từ xã Phi Hải, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng. Tháng 5-1982, nhóm H'Mông đầu tiên do ông Lý Văn Páo dẫn đầu gồm 11 hộ với 115 khẩu có mặt ở xã Ya Hội (huyện Đak Pơ). Gia đình ông Páo có người em họ lấy chồng là ông Đinh Jong Hinh (người Bahnar, ở làng Tờ Nùng, xã Ya Ma, huyện Kông Chro) tập kết ra miền Bắc. Năm 1978, ông Hinh đưa vợ con về quê, rồi viết thư mời ông Páo vào Tây Nguyên lập nghiệp, bởi đây là nơi “có đất đai bao la” so với quê cũ (Cao Bằng). Đến tháng 4-2019, Gia Lai có 3.386 người H'Mông. Phần lớn bà con sinh sống ở 3 làng của xã Ya Hội; số còn lại ở 2 huyện Chư Prông và Kbang.

 Nét duyên dáng của phụ nữ dân tộc H'Mông ở xã Ya Hội, huyện Đak Pơ. Ảnh: Đức Thụy
Nét duyên dáng của phụ nữ dân tộc H'Mông ở xã Ya Hội, huyện Đak Pơ. Ảnh: Đức Thụy


Từ năm 1992 đến thập niên đầu của thế kỷ XXI là khoảng thời gian người H'Mông ồ ạt di cư vào Tây Nguyên. Đặc biệt, trong 5 năm (1994-1998), trung bình mỗi năm có 619 hộ với 3.321 khẩu người H'Mông đến Tây Nguyên, xếp thứ 3 trong số cư dân từ phía Bắc chuyển cư vào Tây Nguyên (sau người Tày, Nùng). Đến nay, người H'Mông đã có mặt ở 5 tỉnh Tây Nguyên, trong đó, nhiều nhất là Đak Nông và ít nhất là Kon Tum. Ở Đak Nông, người H'Mông tập trung ở huyện Đak Glong (12.000 người), Cư Jút (4.500 người) và Tuy Đức (4.000 người). Vì sống thành những khu vực dân cư tập trung nên vào Tây Nguyên, người H'Mông vẫn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc.

Thêm sắc màu cho văn hóa Tây Nguyên

Không như cư dân vùng núi phía Bắc, văn hóa truyền thống của 11 dân tộc tại chỗ ở Tây Nguyên có nhiều nét tương đồng. Vì thế, sự hiện diện của các dân tộc miền núi phía Bắc trên vùng cao nguyên đất đỏ phía Tây đã làm cho bức tranh văn hóa Tây Nguyên được điểm xuyết thêm nhiều sắc màu mới, đa dạng và thú vị. Nếu nhìn từ trang phục thì những bộ váy áo sặc sỡ, đủ sắc màu, trang trí công phu của người H'Mông có sức hút đặc biệt với ánh mắt của nhiều người.   

Cuối tháng 7 vừa qua, chúng tôi đi từ TP. Gia Nghĩa (tỉnh Đak Nông) để đến xã Đak R'Măng, huyện Đak Glong-nơi người H'Mông cư trú tập trung ở tỉnh này. Đoạn đường dài gần 70 km về phía Đông Nam mà chúng tôi qua bị chia cắt bởi nhiều đèo dốc. Tôi khá ngạc nhiên là trên những núi đồi có độ dốc từ 10% trở lên ấy, người ta vẫn trồng được cà phê. Tôi cũng nghĩ đến sự nhọc nhằn của những người chủ khi chăm sóc và thu hoạch những đồi cà phê này, bởi chắc chắn là sẽ vất vả gấp nhiều lần so với việc trồng cà phê trên các cao nguyên như ở Pleiku hay Buôn Ma Thuột. Ai có thể làm được điều này? Thắc mắc của tôi sau đó đã được giải đáp tại chợ phiên Đak R'Măng.

Chợ phiên này họp 1 tuần 1 lần vào sáng chủ nhật. Đi chợ phiên của người H'Mông thật thú vị. Dù trong chợ có khá nhiều thứ bắt mắt như những hàng bán áo quần sặc sỡ sắc màu, những hàng bán đồ trang sức (chủ yếu là hoa tai và vòng cổ bằng bạc) cùng khá nhiều hàng bán những món ăn hấp dẫn của người H'Mông (bánh lạc, mèn mén, tẩu chua, thắng cố...), nhưng có vẻ như, người H'Mông mang nông sản xuống chợ không phải để hối hả bán, mua; mà là để chơi, để chuyện trò, trao đổi...

Ghé một hàng bán váy áo, tôi hỏi mượn một chiếc váy H'Mông mặc thử. Vợ chồng người bán hàng vui vẻ đưa cho và hướng dẫn cách mặc. Những người bán mua trong chợ hầu hết chỉ nói tiếng H'Mông. Thấy một chị có vẻ thạo tiếng phổ thông, tôi kéo lại để hỏi và được biết: Chị cùng gia đình từ Bắc Hà (Lào Cai) vào đây năm 2008. Trước đó, những năm 2002-2004, ở bản của chị đã có nhiều người vào đây rồi. Bán nhà cửa, đất đai ở Lào Cai được 16 triệu đồng, gia đình chị vào Đak R'Măng mua được 5 ha đất. Ban đầu, người H'Mông vào đây chỉ trồng mì, sau đó mới bắt đầu trồng cà phê. Nay thì cà phê đã trở thành cây trồng chủ đạo của người H'Mông ở huyện Đak Glong. Nghe tôi thắc mắc về việc canh tác trên núi cao, chị cười: “Ồ, trèo núi cao thì người H'Mông mình nhất nhì rồi, sợ gì!”. Qua câu chuyện với bà con, tôi thấy họ rất hài lòng với đời sống vật chất, tinh thần nơi quê mới, trừ nỗi nhớ quê xưa thì như vẫn nghẹn ứ ở lớp người già.

Đi một vòng quanh chợ, nhìn những người đàn ông uống rượu ngô bên bát thắng cố, những người phụ nữ ăn mèn mén với tẩu chua (một món canh nấu từ đậu hũ, với rau và me chua)... vừa ăn uống, vừa nói chuyện, rất thân thiện. Có vẻ như người đi chợ không vội vàng mua sắm. Người bán cũng không có vẻ gì là sốt ruột vì chưa bán được nhiều. Như những du khách khác, chúng tôi cũng chỉ mua mỗi thứ một ít, nhất là đồ ăn, chỉ 5 ngàn đồng đã có chiếc bánh gói lá rất to, 10 ngàn đồng là được múc cho một gói xôi bự nhiều màu (nhuộm từ lá cây), cả nhóm mỗi người véo một miếng vẫn chưa hết một nửa.

Chợ phiên Đak R'Măng hình thành cách đây khoảng vài chục năm. Trước kia, trong vùng có 2 chợ phiên là Đak Som và Đak R'Măng. Nhưng ngày nay, Đak R'Măng trở thành chợ phiên duy nhất, thu hút khoảng hơn 600 hộ người H'Mông ở huyện Đak Glong cùng bà con các dân tộc trong vùng và du khách mỗi sáng chủ nhật hàng tuần. Đến chợ phiên Đak R'Măng, nếu quan tâm, du khách có thể tìm hiểu được rất nhiều điều thú vị về văn hóa của người H'Mông trên quê mới.

Nhìn chợ phiên Đak R'Măng nhộn nhịp, tôi lại hồi tưởng và tiếc nuối khu chợ Kinh-Thượng được tổ chức tại Gò Chợ (ở xóm Lũy, An Khê)-nơi để người Kinh và người Bahnar cùng các dân tộc trong vùng đến trao đổi, bán mua từ nhiều thế kỷ qua nay đã thất truyền! Giá như chợ này cũng được khôi phục như kiểu chợ phiên, biết đâu Gia Lai sẽ có thêm một điểm đến đủ sức gọi mời du khách!

 

 NGUYỄN THỊ KIM VÂN

 

Có thể bạn quan tâm

Người giữ nghề dệt thổ cẩm ở Ia Rsươm

Người giữ nghề dệt thổ cẩm ở Ia Rsươm

(GLO)- Không chỉ dệt thổ cẩm giỏi, chị Rah Lan H’Nghí (SN 1988, buôn Toát, xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) còn nhiệt tình chỉ dạy cho chị em trong buôn để góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Bảo tồn bản sắc văn hóa ở TP. Pleiku dưới góc nhìn mới - Kỳ cuối: Giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa

Bảo tồn bản sắc văn hóa ở TP. Pleiku dưới góc nhìn mới - Kỳ cuối: Giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa

(GLO)- Chính quyền TP. Pleiku đã dành nguồn lực đầu tư để Plei Ốp thành điểm đến của du khách trải nghiệm văn hóa truyền thống và bản sắc dân tộc Jrai thông qua phục dựng một số lễ hội cộng đồng như: cúng giọt nước, pơ thi…

Rơ Châm Nguyên nặng tình với dân ca Jrai

Rơ Châm Nguyên nặng tình với dân ca Jrai

(GLO)-Nhiều năm qua, người dân làng Kte (xã Ia Phí, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) luôn dành sự yêu mến và kính trọng đối với bà Rơ Châm Nguyên bởi bà biết hát và lưu giữ nhiều bài dân ca của dân tộc Jrai.

Bảo tồn và phát huy di sản

Bảo tồn và phát huy di sản

Câu chuyện biệt thự “nhà lầu ông Phủ” (ven sông Đồng Nai, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) xôn xao dư luận những ngày qua như một tín hiệu vừa mừng vừa đáng suy ngẫm. Mừng khi cộng đồng ngày càng quan tâm thiết thực đến các giá trị di sản văn hóa.

Cây vũ trụ của nền văn hóa Đông Sơn trên trống đồng

Cây vũ trụ của nền văn hóa Đông Sơn trên trống đồng

Trước nay, các nhà nghiên cứu đều cho rằng mỹ thuật Đông Sơn bị trống vắng yếu tố thực vật. Thế nhưng với sự phát hiện hoa văn vòng tròn hay vòng tròn đồng tâm có chấm giữa là hoa cúc được cách điệu, đã cho thấy yếu tố thực vật chưa bao giờ vắng bóng trong trang trí ở trống đồng.
Nghệ nhân 80 tuổi giữ nghề làm đèn ông sao

Nghệ nhân 80 tuổi giữ nghề làm đèn ông sao

Khung tre được uốn nắn tỉ mỉ, bọc bên ngoài là tấm giấy đầy màu sắc rực rỡ, nghệ nhân Trần Thanh Tùng (80 tuổi, thôn Thu Xà, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) làm thành những chiếc lồng đèn trung thu truyền thống.