Người dân Đak Pơ Pho khốn khổ vì đường xuống cấp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Con đường dẫn đến trung tâm xã Đak Pơ Pho (huyện Kông Chro, Gia Lai) từ nhiều năm qua đã bị hư hỏng nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của người dân nơi đây.
Đak Pơ Pho là một trong những xã nghèo nhất của huyện nghèo Kông Chro. Theo thống kê, toàn xã có 491 hộ dân với gần 3.400 khẩu thì có đến 247 hộ nghèo, chiếm 50,3%. Công tác giảm nghèo trên địa bàn xã những năm qua gặp rất nhiều khó khăn, một phần vì tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đến hơn 70% dân số nhưng nguyên nhân chính là do sự xuống cấp nghiêm trọng của con đường độc đạo dẫn vào trung tâm xã.
   Mặt đường xuất hiện nhiều vũng lầy khiến các phương tiện bị mắc kẹt.  Ảnh: l.v.n
Mặt đường xuất hiện nhiều vũng lầy khiến các phương tiện bị mắc kẹt. Ảnh: L.V.N
Xét về khoảng cách địa lý, Đak Pơ Pho không phải là địa bàn xa xôi bởi chỉ cách trung tâm huyện Kông Chro 16 km. Nhưng với người dân Đak Pơ Pho, đoạn đường gần 7 km từ ngã ba đường Trường Sơn Đông vào trung tâm xã lại là nỗi ám ảnh, đặc biệt là trong những tháng mùa mưa. Nhiều năm qua, con đường này đã bị hư hỏng nghiêm trọng.
Ông Trương Quang Giàu-Chủ tịch UBND xã Đak Pơ Pho-cho biết: Trước kia, con đường này từng được láng nhựa nhưng sử dụng chưa được bao lâu thì đã xuống cấp. Với trên 3.000 ha cây trồng toàn xã, nhu cầu giải phóng hàng hóa nông sản rất lớn nên con đường này phải oằn mình gồng gánh những chuyến xe chở mía, mì, bắp… Để tiết kiệm chi phí và thời gian vận chuyển, người dân cùng thương lái thỏa thuận chở hàng với tải trọng lớn. Hậu quả là tuyến đường này đã nhanh chóng hư hỏng, xuống cấp. Mặt đường xuất hiện vô vàn ổ gà, ổ voi và vũng lầy. Giao thông ở một số thời điểm bị tê liệt. Bà Phạm Thị Hợp (thôn 2, xã Đak Pơ Pho) ngán ngẩm: “Đường xấu quá nên nhiều khi tôi không muốn ra khỏi xã. Có việc gì cần kíp lắm tôi mới buộc phải đi mà có khi cũng không đi được vì lầy lội. Hàng nông sản của người dân cũng phải bán với giá thấp hơn nhiều so với các vùng khác, nếu chở ra tận nơi cũng bị tính cước vận chuyển cao vì xe vào khó, chưa kể bị mắc kẹt phải thuê xe kéo đến nữa”.
Ông Trương Quang Giàu thừa nhận, chính sự cách trở giao thông đã kéo giảm đà phát triển kinh tế-xã hội của xã. “Nếu con đường này được triển khai làm mới thì sẽ là bước ngoặt cho công tác xóa đói giảm nghèo của xã”-ông Giàu khẳng định. Trao đổi với P.V về vấn đề này, ông Phan Văn Trung-Chủ tịch UBND huyện Kông Chro-cho hay: Huyện đã đề nghị tỉnh bố trí kinh phí để làm tuyến đường vào xã Đak Pơ Pho nhưng mới được đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn. Hiện đã có dự án làm đường với nguồn vốn 9,4 tỷ đồng cho 7 km do UBND huyện làm chủ đầu tư. “Đến thời điểm hiện tại, công trình này đã hoàn tất công tác đấu thầu, Công ty TNHH Hiệp Lợi được chọn làm nhà thầu thi công. Các đơn vị đang hoàn tất thủ tục để có thể tiến hành khởi công trong tháng 8 này”-ông Trung cho biết.
Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Những năm tháng cuối đời của Anh hùng Núp

Những năm tháng cuối đời của Anh hùng Núp

(GLO)- Những ngày cuối tháng 4 lịch sử, chúng tôi đến Nhà lưu niệm Anh hùng Núp (xã Tơ Tung, huyện Kbang) để sưu tầm thêm tư liệu, phục vụ triển lãm tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của người anh hùng huyền thoại (2/5/1914-2/5/2024).

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.