Ngư trường cạn kiệt, tàu cá nằm bờ, ngư dân nợ nần chồng chất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chưa bao giờ các cảng cá, làng chài ở tỉnh Quảng Ngãi lại đìu hiu như thời điểm này. Tàu cá nằm bờ, ngư dân không đi biển, nợ nần chồng chất...
Chưa bao giờ các cảng cá, làng chài ở tỉnh Quảng Ngãi lại đìu hiu như thời điểm này. Tàu cá nằm bờ, ngư dân không đi biển, nợ nần chồng chất, nhiều chủ tàu bán tàu lấy tiền trả nợ. Theo nhiều ngư dân, năm nay, biển mất mùa cũng là hệ lụy của việc ồ ạt đóng mới tàu thuyền và khai thác hải sản theo kiểu hủy diệt.
Đây cũng là lúc để ngành thủy sản và chính quyền các địa phương cùng bà con ngư dân nhìn lại cách làm ăn trên biển, từ bỏ nghề cá tự phát chuyển sang phát triển nghề cá bền vững.
 
Cảng cá đìu hiu vì biển mất mùa.
Cảng cá Sa Kỳ mấy hôm nay đìu hiu đến lạ. Ông Nguyễn Thanh Nam, ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, chủ của 3 tàu cá cho rằng, chưa bao giờ nghề đánh bắt hải sản thê thảm như năm nay.
Hầu như chuyến ra khơi nào cũng lỗ tổn, cố gắng lắm cũng chỉ đủ chi phí chuyến biển. Ông đang tính bán bớt một tàu cá để trang trải nợ nần. Bởi theo ông Nam, tàu gỗ mà ở bến càng lâu ngày thì càng nhanh xuống cấp, chẳng mấy chốc mà hư hỏng.
"Biển càng ngày càng cạn kiệt, việc đánh cá rất khó khăn. Nghề cá không còn hiệu quả như mấy năm trước nữa. Cảng Sa Kỳ năm 2019 buồn lắm. Chỉ 4-5 người đi ra vùng biển Hoàng Sa câu mấy con cá về. Vì vậy tôi đang tính bán bớt một chiếc tàu" - ông Nam bày tỏ.
Lão ngư Võ Minh Thư, quê ở xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh làm biển từ năm 20 tuổi, quăng quật qua nhiều vùng biển cả. Nay sang tuổi thất thập, không thể đi làm thuê cho tàu xa bờ nên ông Thư vay mượn hơn 100 triệu đồng, mua chiếc tàu công suất nhỏ đánh bắt trong vùng bờ, từ 3-6 hải lý.
Ông Thư cho biết, bộ lưới của ông là lưới rối co giãn, bắt được tất cả các loài hải sản, đủ sống qua ngày. Năm nay, làm ăn thất bát!
 
Ông Võ Minh Thư, chủ tàu công suất nhỏ than thở nguồn lực cạn kiệt.
Ông Võ Minh Thư than thở: "So với mấy năm về trước thì năm nay quá khó khăn. Bởi vì bà con khai thác quá nhiều, nguồn cá để phát triển không có. Vì từ lúc còn nhỏ đã bị khai thác...".
Cảng cá Nghĩa An lâu nay sầm uất mà giờ cũng vắng lặng. Ông Huỳnh Văn Minh, ở thôn Tân Mỹ, xã Nghĩa An, chủ của 2 tàu cá QNg-97248 và 97239 làm nghề lưới chuồn cho biết, nếu năm nay mất mùa thì năm sau lại được mùa.
 
Cảng cá Nghĩa An nhiều tàu cá nằm bờ vì thua lỗ.
Ông Minh chia sẻ, "làm biển có năm, nuôi tằm có lứa”, nhưng 2 năm nay, nghề lưới chuồn liên tục thất bát. Không riêng gì nghề lưới chuồn mà năm nay, nghề giã cào, nghề câu, nghề nào cũng mất mùa. Theo ông Minh, từ đầu năm đến nay, đôi tàu nhà ông mới đi được 3 chuyến biển, chuyến nào cũng lỗ tổn, rất nhiều ngư dân ngậm ngùi bán bớt tàu.
"Bây giờ rất nhiều người bán tàu, họ bán và dẹp bớt tàu do không hiệu quả. Người mà 2-3 chiếc thì họ bán dần. Cũng còn để lại 1 chiếc đi nhưng số đó rất ít. Do biển giã không có nên người ta bán bớt. Và cũng nên hạn chế bớt tàu thuyền, bởi lượng tàu thuyền thì nhiều mà lao động quá ít", ông Minh cho hay.
Theo Tổng cục Thủy sản, trữ lượng hải sản của Việt Nam chỉ cho phép khai thác 1,7 triệu tấn một năm nhưng hiện nay bà con ngư dân đánh bắt hơn 2,5 triệu tấn một năm. Việc khai thác quá mức cho phép, không đúng kỹ thuật khiến cho nguồn lợi thủy sản cạn kiệt. Đây là hệ lụy của một quá trình dài mà các ngành chức năng “buông lỏng” trong hoạt động quản lý nghề cá.
Chỉ riêng ở tỉnh Quảng Ngãi đã có 5.664 tàu cá, tổng công suất hơn 1,8 triệu CV với tổng số lao động trực tiếp trên biển khoảng 38.000 người. 
Ông Dương Văn Rin, chủ doanh nghiệp thủy sản Hoàng Rin, người có đội tàu đánh bắt gồm 6 chiếc cho biết, đã nhiều lần ông đề xuất với Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên hạn chế số lượng tàu thuyền đóng mới.
Theo ông Rin, cần mở rộng hợp tác với các nước trong khai thác hải sản. "Việt Nam thừa tàu, thừa người, nhưng ngư trường lại cạn kiệt. Bởi vậy, cần liên kết với các nước, người bản xứ lên làm việc trên tàu của mình để kiểm soát. Ngư dân nhiều nước ít mà biển thì nhiều cá. Việt Nam liên kết với họ rồi xuất hải sản trực tiếp đi Hàn Quốc, Nhật Bản", ông Rin nói.
Cùng với việc hợp tác đánh bắt thủy sản với các nước bạn, ngư dân tỉnh Quảng Ngãi mong muốn chính quyền địa phương kiểm soát việc sử dụng các loại lưới mắt nhỏ. Thay vào đó sử dụng những loại lưới mắt lớn để bảo vệ nguồn lợi. Việc thành lập các khu bảo tồn biển, cấm đánh bắt thủy sản ở một số vùng biển cũng được người dân ủng hộ.
Tỉnh Quảng Ngãi đang từng bước khắc phục những tồn tại của nghề biển tự phát, hạn chế số lượng tàu thuyền đóng mới và hướng đến một nghề cá hiện đại. Nhiều phương pháp, kỹ thuật đánh bắt mới góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản đã được áp dụng.
Tỉnh Quảng Ngãi cũng đã thành lập Khu Bảo tồn biển Lý Sơn, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ngư dân trong khai thác hải sản, đồng thời tiến hành điều tra, khảo sát nguồn lợi thủy sản toàn vùng để có biện pháp bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Ông Phùng Đình Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi cho hay, tỉnh đã tăng cường quản lý phương tiện tàu cá, từng bước tạo chuyển biến trong nhận thức của ngư dân từ nghề cá tự phát sang nghề cá có quản lý và phát triển bền vững.
"Tỉnh cũng sẽ có quy định khống chế đóng mới tàu đánh bắt chứ không cho đóng tràn lan như bây giờ. Thứ nhất là vừa đánh bắt vùng biển xa bờ; thứ hai là bảo vệ vùng biển đảo của Tổ quốc", ông Toàn cho hay.
Tỉnh Quảng Ngãi đang nỗ lực chuyển từ nghề cá tự phát sang nghề cá có quản lý, phát triển bền vững, rất cần sự chung tay của ngư dân. Trước hết, mỗi ngư dân khi ra khơi khai thác hải sản phải có trách nhiệm, không chỉ mãi lo phát triển kinh tế cho gia đình mà còn phải biết khai thác loại hải sản nào, số lượng bao nhiêu, hướng đến mục tiêu bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho hôm nay và cả mai sau.
Thanh Hà (VOV.VN)

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Liên tiếp các lô hàng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu bị nhiều nước nhập khẩu cảnh cáo vì không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Chư Sê chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới

(GLO)- Trước thông tin dự báo về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cộng với việc công trình hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.