Ngư dân trên núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Núi sừng sững. Đá lô nhô dựng thành lũy chặn dòng chảy tạo nên những thác ghềnh, tung bọt nước trắng xóa, thanh âm nơi róc rách êm dịu như lời thủ thỉ tâm tình, chỗ sôi réo, ầm ầm như muốn nạt nộ, thị uy cộng hưởng hài hòa, sống động thành bản giao hưởng bất tận của núi rừng… Nơi ngòi Lao vượt qua núi đá băng mình vào địa phận tỉnh Phú Thọ là thung lũng tương đối bằng phẳng, dòng chảy mở rộng đến mấy chục mét. Bao đời nay “hồ trên núi” kỳ thú này là điểm tựa mưu sinh, nguồn sống của biết bao thế hệ người dân xã Mỹ Lung (huyện Yên Lập, Phú Thọ) với các loài thủy sản phong phú mà hiện giờ đã trở thành đặc sản được các thực khách sành sỏi săn lùng…

Các gia đình sống ven bờ ngòi Lao ở Mỹ Lung đều có thuyền, chài lưới để đánh bắt cá.
Các gia đình sống ven bờ ngòi Lao ở Mỹ Lung đều có thuyền, chài lưới để đánh bắt cá.
“Tôm chạng vạng, cá rạng đông”
Chưa đến 5 giờ, trời mùa đông vẫn tối đen, cái lạnh như dao chích vào da thịt, nhưng anh Hoàng Văn Chung (khu 3A, xã Mỹ Lung) đã lụi cụi dậy nhóm lửa đun nước hãm chè, bắn thông hai bi thuốc lào rồi nhẹ nhàng khép cửa khoác lưới, vác thuyền ra ngõ đi ngược theo dòng chảy ngòi Lao ngay sát nhà. Từ nhà đến nơi hạ thuyền, thả lưới mất hơn 300 m, với chiếc thuyền tôn úp sau lưng, trông anh như con rùa đá khổng lồ, kỳ dị mải miết sải chân trong bóng tối nhập nhoạng. Cùng với làm ruộng, trồng rừng, cũng như bao người dân sinh sống ven bờ ngòi Lao, anh Chung đã là ngư dân ngay từ khi biết bơi lội, cứng tay cầm câu, quăng lưới. Trừ hôm mưa bão còn cứ đều đặn ngày hai buổi, sáng sớm và xẩm tối anh lại vác thuyền mang lưới ra ngòi Lao. Ngày may mắn kiếm được mẻ to, cá lớn thì vợ anh mang ra chợ bán, kém lắm cũng đủ cho bữa cơm gia đình vừa bảo đảm dinh dưỡng lại ngon miệng. 
Sau hơn một giờ, trời vừa hửng sáng, tiếng cười nói của anh Chung cùng mấy người hàng xóm đi đánh lưới đã rộn vang đầu ngõ. Đưa giỏ cá cho vợ vừa dậy thổi cơm, anh cười vui: “Hôm nay “thất thu”, được mớ tép suối và con chép nhỏ, mẹ nó ra vườn hái mấy quả khế trưa nấu bát canh chua cho mát ruột. Thời tiết này phải cuối giờ chiều, nước ấm lên cá mới ra ăn…”. Lùa nhanh bát cơm nóng với cá bống kho tiêu thơm lừng, vợ chồng anh lại tất bật tay dao tay cuốc lên đồi…
Lớn lên cùng với dòng chảy ngòi Lao, Trưởng khu hành chính 3A Ngọc Kim Chi cũng là một ngư dân có tiếng, thông hiểu con ngòi có tính nết đỏng đảnh thất thường như gái muộn chồng này như trong lòng bàn tay. Ông chia sẻ: “Gần 40 tuổi cũng là ngần ấy năm tôi ăn cá ngòi Lao. Chim trời cá nước, sản vật tự nhiên luôn sẵn đấy nhưng không phải ai cũng có thể bắt được. Để “săn” được cá phải tinh ý, có kinh nghiệm nhìn dòng chảy, mầu nước, lựa chọn thời điểm thích hợp. “Tôm chạng vạng, cá rạng đông” thời điểm cá ra ăn nhiều là lúc sáng sớm và chiều muộn, thế nên người dân trong khu hay tập trung đánh thuyền, đẩy mảng đi thả lưới vào lúc này. Cùng với kinh nghiệm, kỹ năng, ngư dân còn cần một chút gì đấy như cái duyên, được lộc của nghề. Có người sát cá, người không là thế. Nhiều ít khác nhau nhưng người dân trong khu cứ mang lưới đi thì dẫu không có cá lớn mang bán cũng vẫn kiếm đủ bữa ăn cho gia đình…”. 
Khu 3A hiện có 38 hộ dân với 132 nhân khẩu thì nhà nào cũng có thuyền, có lưới, ngày nào cũng có người đánh cá dọc dòng chảy ngòi Lao. Không phải nghề chính nhưng cứ cha truyền con nối, đàn ông con trai trong làng lớn lên là quen với tay chèo, tay lưới, cần mẫn kiếm cá phụ giúp gia đình. Dân làng vẫn truyền nhau câu chuyện ông bủ Hằng, bủ Mão chỉ với tay câu đơn giản mà bắt được những con cá măng, cá sộp nặng hơn hai yến, hay những tay lưới bắt được con lăng, con chép nặng năm, sáu cân được nhà hàng, khách sạn ngoài phố huyện vào mua với giá cao ngất. Không chỉ đơn thuần mưu sinh, nghề cá đã trở nên gần gũi, thân thuộc, thú vui khoáng đạt của người dân ven ngòi Lao…

Cá ngòi Lao đã trở thành đặc sản có giá trị kinh tế cao được nhiều thực khách sành ăn tìm kiếm.
Cá ngòi Lao đã trở thành đặc sản có giá trị kinh tế cao được nhiều thực khách sành ăn tìm kiếm.
Cá ngòi Lao nâng hạng
Phụ lưu cấp một ở hữu ngạn sông Hồng, ngòi Lao bắt nguồn từ  vùng rừng núi phía tây nam xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái với chiều dài 76 km diện tích lưu vực là 636 km², đoạn chảy qua địa bàn xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập dài 15 km có nguồn lợi thủy sản phong phú với nhiều đặc sản quý như: Cá bì sứt, cá sỉnh, cá chiên, cá lăng… và hơn 50 loài thủy sản khác nhau. 
Dòng chảy xiết, nguồn nước sạch nên thủy sản ngòi Lao có chất lượng cao hơn hẳn các vùng sông hồ lân cận. Từ các loài tép suối, bì sứt, sỉnh, đục đinh có kích thước nhỏ hơn ngón tay đến các loài cá lớn như lăng, chép, măng, sộp… đều có hương vị thơm ngon, thịt dai, chắc “ăn một miếng nhớ cả đời”. 
Trước đây, thủy sản ngòi Lao đánh bắt được chủ yếu chỉ để thêm chất dinh dưỡng trên mâm cơm đạm bạc của các gia đình ngư dân luôn thiếu đói, ăn bữa nay lo bữa mai. Cá lớn đánh được mang ra chợ cũng chẳng mấy đắt hàng do nhà nào cũng đều cùng nghề chài lưới như nhau. Nhưng giờ kinh tế phát triển, chất lượng đời sống được nâng cao, cũng là lúc con cá ngòi Lao trở thành đặc sản xuất hiện trên những bàn tiệc nơi nhà hàng, khách sạn sang trọng. Giá trị kinh tế của con cá ngòi Lao cũng theo đó mà ngày càng cao. Bì sứt, sỉnh, đục đinh… đổ đồng 250 nghìn đồng mỗi cân, cá lăng trọng lượng lớn phải hơn 500 nghìn đồng/cân. Bắt được bao nhiêu, thương lái thu mua hết bấy nhiêu, thậm chí còn để lại số điện thoại để bất cứ khi nào đánh bắt được cá lớn là đánh xe về lấy…
Ông Đinh Tiến Duật, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lung khẳng định: Chảy qua bảy khu hành chính dọc theo chiều dài của xã, ngòi Lao có vai trò đặc biệt quan trọng đối với người dân Mỹ Lung. Bao đời nay con ngòi này đã cung cấp nước tưới, phù sa màu mỡ cho đồng ruộng Mỹ Lung. Sẽ không có nếp Gà gáy đặc sản nếu thiếu nguồn nước ngòi Lao. Hương vị đặc biệt của loại nếp đặc sản được chắt chiu nuôi dưỡng từ dòng nước mát lành cùng phù sa lắng đọng từ rừng núi đại ngàn nơi thượng nguồn mang đến. Ngày trước, khi giao thông đường bộ chưa phát triển, ngòi Lao là tuyến đường huyết mạch giúp người dân vận chuyển lâm sản về xuôi. Đặc biệt, thuỷ sản từ ngòi Lao là nguồn thực phẩm chủ đạo nuôi sống bao thế hệ người dân Mỹ Lung. Đến giờ, kinh tế - xã hội phát triển, ngư nghiệp không còn là nghề chính, chủ yếu nhưng phần đông người dân trong xã vẫn giữ thói quen đánh thuyền, đẩy mảng ra ngòi Lao kiếm cá mỗi ngày. Nhiều gia đình có cuộc sống khá giả nhưng thi thoảng vẫn tay chèo, tay lưới rong ruổi trên mặt ngòi như thú vui khoái hoạt. Gia đình ông Duật cũng có thuyền có lưới, những lúc rảnh rỗi hoặc muốn tĩnh tâm, gạt bỏ gánh nặng công việc, chính ông chủ tịch xã cũng tự mình mang thuyền đi đánh cá.
Gắn bó, tự hào với thủy sản ngòi Lao, mối bận tâm của Chủ tịch UBND xã Đinh Tiến Duật cùng chính quyền xã hiện giờ là làm sao biến tiềm năng, thế mạnh được thiên nhiên ưu đãi này thành hoạt động cụ thể, thiết thực mang lại nguồn lợi cao, ổn định, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Mấy năm nay, xã đã ấp ủ hướng mở xây dựng các mô hình du lịch trải nghiệm, thu hút du khách đến tham quan đập nước, thác Dùng, thử cảm giác sống ở làng chài, trực tiếp tham gia bơi thuyền, đẩy mảng, quăng lưới, kéo chài rồi thưởng thức sản vật đánh bắt được ngay trên không gian mênh mông trời nước. Giao thông thuận tiện, chất lượng thủy sản cùng khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, con người đôn hậu, khoáng đạt sẽ là những “điểm tựa” vững chắc cho thành công của hướng mở trên…
Hy vọng một ngày không xa, bản đồ du lịch sẽ có thêm điểm đến hấp dẫn mang tên ngòi Lao. Cùng với nếp Gà gáy, cá ngòi Lao sẽ phát triển thương hiệu, lan tỏa sâu rộng khắp các vùng miền để mang về cuộc sống sung túc, phồn thịnh cho các ngư dân nơi đồi núi Mỹ Lung…
Theo bài và ảnh: Vũ Thanh (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.