Ngồi giữa nhà cụ Vương Hồng Sển, mà lo…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tôi được dự buổi tiếp anh chị em văn nghệ sĩ của Bí thư thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên. Nhiều chuyện lúc khác sẽ nói dịp thích hợp.

Nhưng khá bất ngờ khi có một người viết bày tỏ niềm vui rằng, muộn còn hơn không, thành phố đã kịp thời cho cưỡng chế nhà cụ Vương Hồng Sển! Chưa kịp hỏi lại tường tận, nhưng hơi bị ngạc nhiên. Nhà sưu tầm cổ ngoạn danh tiếng này làm sao mà phải cưỡng chế?

Tôi mò tìm đến nhà cụ Vương.

Anh xe ôm đã dừng đúng địa chỉ ở đường Nguyễn Thiện Thuật mà dáo dác hồi lâu vẫn không nhận ra Vân Đường Phủ ngôi nhà bề thế cụ Vương năm nào mình đã từng ghé. Hóa ra giờ nó lọt thỏm trong trận đồ bát quái dựng xây của Sài thành hơn chục năm nay.

Tôi ngơ ngác thêm trước một người đàn bà khó đoán tuổi trong gian nhà rộng rinh. Qua chào hỏi, biết thêm bà là Võ Ngọc Liên, con dâu của cụ Vương Hồng Sển.

Vừa may ngồi một lúc, xuất hiện nghệ sĩ nhiếp ảnh danh tiếng Giản Thanh Sơn vốn là chỗ quen biết. Tôi băn khoăn ngỏ luôn chuyện cưỡng chế. Thì ra thành phố đã quyết định cưỡng chế, tháo dỡ công trình xây dựng trái phép lâu nay là chỗ tạm cư của những người đến xâm chiếm, xây cất bát nháo bên trong di tích - ngôi nhà cổ Vương Hồng Sển còn có tên Vân Đường Phủ này.

Sớm thu Sài Gòn. Thời gian như chầm chậm níu kéo bao câu chuyện về một quá vãng.

Vân Đường Phủ xưa và nay
Vân Đường Phủ xưa và nay

Vương Hồng Sển sinh tại Sóc Trăng, mang ba dòng máu Việt, Hoa, Khmer. Vân Đường Phủ - Ngôi nhà độc đáo của ông Quản thủ Bảo tàng Sài Gòn chuyên đồ cổ Vương Hồng Sển thời ấy đồn đãi bao chuyện lạ! Nườm nượp khách. Lớp nào chỉ được đứng ngoài cửa vọng chuyện. Lớp nào thì được mời vô bàn trà. Cỡ nào thì được mời lên nhà trên coi đồ cổ. Khách đến chơi, đứng ở ngoài cửa nói chuyện. Khách cỡ nào được đến bàn trà giao lưu. Khách cỡ nào mới được cho lên nhà trên đều có quy định cả.

Rồi ký giả các báo, tạp chí quốc nội cả quốc ngoại danh tiếng như Times, Newsweek… từng đến Vân Đường Phủ tìm hiểu, giới thiệu về ngôi nhà chứa đựng nhiều giá trị văn hóa này.

Có chi đó khang khác cái cung cách coi xét thưởng lãm đồ cổ ngoạn đàng trong với miền ngoài? Các tay chơi cổ vật Hà thành, xứ Đoài, Sơn Nam thượng, Sơn Nam hạ… Thứ nhất Thế Đức gan gà/ Thứ nhì Lưu Bội thứ ba Mạnh Thần… thường mực thước, nhẩn nha khó mà có độ lỳ độ chịu chơi tới bến và cũng chả kém phần ma mãnh như các tay cổ ngoạn Nam Bộ cỡ như Vương Hồng Sển.

Như ông từng tự bạch:

Đồ cổ là thứ chung tình với tôi. Gặp thứ giả, tôi đập bỏ. Mỗi lần đập là một lần học khôn. Mua tháng này một dĩa mồ côi, vài ba tháng sau, năm khi mười họa gặp mua cái chén lẻ bộ lần hồi hóa ra đủ bộ Dầm/ Bàn/ Tống/ Tốt.

Dầm là đĩa nhỏ. Bàn - đĩa lớn. Tống - chén lớn để dầm trà. Tốt - chén quân để uống trà.

Thuật chơi đồ cổ là nghệ thuật vá víu. Chầy ngày chầy tháng, đồ cổ, đồ xưa tụ tập đầy nhà. Tự dưng mình thành thằng oa trữ số dách từ Bắc đến Nam ai ai cũng biết.

Vương lão từng được mời đi Nhật để thỏa mãn ý đồ tìm hiểu nghệ thuật gốm Tống.

Tha thẩn trong Vân Đường Phủ, tôi thoáng nghĩ đến chiếc nghiên mài mực làm bằng đá Đoan Khê của vua Tự Đức. Lạ là khi cần gấp mực để múa bút, nhà vua chỉ việc hà hơi lên mặt nghiên là sẽ có mực ngay. Kỳ diệu lẫn tiện dụng vậy thay. Bởi thế vua Tự Đức vô cùng yêu quý và không ngần ngại phong cho cái nghiên mực đến tước hầu. Vậy nên nghiên có tên Tức Mặc Hầu!

Người có biệt nhãn họ Vương này một thời gian dài từng được gia đình họ Ngô rước vô Dinh nhờ thẩm định nhiều món đồ cổ đã mua hoặc định mua. Lần đó ông được vời ra Huế, được dẫn đi coi cái nghiên Tức Mặc Hầu trứ danh nọ.

Tay chơi phong lưu thường hội và chơi đủ những “nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc”, với Vương Hồng Sển, hình như thêm khoản sách. Cụ từng bộc bạch như này.

“Toàn là cuốn ưng bụng. Toàn thứ sưu tập đắt tiền cưng như cục trứng hứng như hứng hoa. Những cuốn ôm về từ Paris. Cắp ca cắp củm giấu kỹ. Rồi cơ man nào sách in ở Hà Nội toàn nhà xuất bản Khoa học, Sử học, Văn hóa ngoài ấy tuyền là thứ hiếm, quốc cấm. Giữ được mới là tài”.

Một cụ Vương hào sảng.

89 năm qua vẫn chửa già/ Còn nhiều phong độ lắm hào hoa/ Chuyện xưa tích cũ thu gom mãi/ Đầy túi kiền không để dưỡng già (thơ mừng lên lão 90 năm Canh Ngọ).

*

* *

Tôi đưa mắt khắp gian chính rộng thênh của Vân Đường Phủ từng giăng khắp, lèn chật đồ cổ nay sạch bách không còn một món. Đâu rồi chỗ ngồi chủ khách cái ngày 14/10/1996 (trước khi cụ mất ít lâu, vào 12/1996), UBND TPHCM đã lập hội đồng thẩm định, đánh giá giá trị những cổ vật và sách quý tại nhà cụ Vương. Rồi ngày 8/7/1997, Hội đồng giám định có sự tham gia của giáo sư Hà Văn Tấn đã tổ chức kiểm kê hiện vật hiến tặng gồm 849 cổ vật, định giá 1,3 triệu USD tại thời điểm đó.

Hội đồng đã đánh giá và xác định giá trị kinh tế của các cổ vật thuộc sưu tập là 13.591.800.000 đồng, và giá trị các loại sách, tư liệu khác là 133.275.000 đồng. Đây là con số không nhỏ so với thời giá lúc bấy giờ.

(Một chút băn khoăn, tất tật những đồ cổ ấy, Hội đồng có thể quy ra… thóc (tiền tươi) tất thảy được chăng?)

May mắn hiện vật hiến tặng gồm 849 cổ vật quý giá của cụ Vương hiện vẫn an lành trong Bảo tàng Thành phố!

Nghĩa cử cao quý hiếm hoi của cụ Vương khi quyết định hiến tặng cho Nhà nước quản lý toàn bộ bộ sưu tập đồ cổ, sách quý, đồ gia dụng cổ trong ngôi nhà với lời đề nghị của cụ “Thành lập bảo tàng tư nhân mang tên Vương Hồng Sển, sách quý và cổ vật trưng bày tại chỗ, không được mang ra khỏi nhà” (di chúc công chứng ngày 27/6/1995). Ngoài ra, trong một di bút khác, cụ cũng có lời đề nghị Nhà nước chăm sóc, chu cấp cho 3 cháu nội của cụ được ăn học đến khi trưởng thành và có một nơi để sinh sống.

Thời giờ thấm thoắt…

Thành phố đã chu toàn đầy đủ trách nhiệm chu cấp tiền ăn học cho 3 cháu nội của cụ Vương đến khi các cháu qua 18 tuổi rồi. Các cổ vật và sách quý của cụ Vương đã và đang được bảo quản ở bảo tàng và thư viện dư sức thành một bảo tàng hoành tráng!

Nhưng buồn thay, đã gần 30 năm trôi qua, ước nguyện của cụ Vương vẫn chưa thành hiện thực!

Bởi xuất hiện vụ kiện của người nhà cụ Vương đứng tên khởi kiện UBND TPHCM để đòi quyền lợi thừa kế đối với nhà, đất, cổ vật và sách quý (Tòa án nhân dân TPHCM và Tòa án phúc thẩm tối cao tại TPHCM đã đình chỉ các vụ án dân sự này).

Rồi “Đơn xin cứu xét khẩn thiết”, đề nghị UBND TPHCM di dời ngôi nhà cổ đến một vị trí khác để làm bảo tàng (!?).

Rồi lại phát sinh tình trạng xây cất cơi nới trái phép trong Vân Đường Phủ khiến thành phố phải có quyết định cưỡng chế.

Vân Đường Phủ tiêu điều, xập xệ (hôm chúng tôi đến trên mái nhiều chỗ đã hở toác, dột nát).

Nội thất hiện tại
Nội thất hiện tại

Tôi hướng cái nhìn lâu hơn về phía người con dâu của Vân Đường Phủ. Làm dâu nhà cụ Vương Hồng Sển, hên chớ. Nhà cổ ngoạn nổi danh. Nhà sử học, một nhà văn hóa lớn Nam Bộ mà. Nhưng câu chuyện lúc đứt lúc nối khiến tôi ngạc nhiên về một thân phận tất tả. Trước khi về làm dâu nhà này, chị Liên đã đổ vỡ một mái ấm. Mặc dù gia cảnh con anh, con tui, con chúng ta. Chị sanh cho gia đình họ Vương ba đứa cháu nội. Chứng kiến cái cảnh cụ hít hà cưng chiều cháu nội, trong cơn quý cháu, ông hào phóng chỉ cho chúng món đồ cổ này khác với chất giọng oang oang “Cái tô nầy giá mười cây. Thứ chóe kia giá non trăm cây đó nghe”. Cây là cây vàng.

Nhưng ngày vui qua mau. Chồng chị, con trai cụ Vương bập vô chuyện làm ăn. Không có kinh nghiệm nên đổ bể vướng phải vòng lao lý và chết trong tù. Không có một phi vụ mua bán đồ cổ nào hết diễn ra dưới mái ngói Vân Đường Phủ. Bố chồng, mẹ chồng rồi chồng lần lượt về cõi. Người con dâu cụ Sển phải bươn bả lo kiếm sống cho cả nhà. Khoảng mặt tiền Vân Đường Phủ, ban ngày thì cho thuê nấu cơm với giá 60 ngàn đồng. Chiều muộn thì cả nhà mở bán món ốc luộc.

*

* *

Cũng biên ra đây ý kiến ngõ hầu để khắc phục sớm, đưa Bảo tàng Vương Hồng Sển thành hiện thực.

Người ta băn khoăn sở dĩ phát sinh những trục trặc kiện cáo này khác có nguyên nhân cụ Vương hiến tặng tài sản cho Nhà nước nhưng không nói rõ việc hiến nhà đất? Có phải những thiếu hụt về căn cứ pháp lý trong ý tưởng của cụ Vương Hồng Sển đã không được phân tích kỹ càng và sớm hơn để khắc phục?

Tác giả trao đổi với bà Võ Ngọc Liên
Tác giả trao đổi với bà Võ Ngọc Liên

Trước mắt, sau việc cưỡng chế phá dỡ vài công trình xây cất trái phép trong Vân Đường Phủ, thành phố cần cấp ngay một chỗ ở có giá trị sinh sống (ở và khai thác thương mại được) cho các cháu nội của cụ Vương. Chỗ ở này đứng tên chung chứ không đứng tên riêng một ai, vì trên thực tế cụ Vương không có yêu cầu này. Việc giải quyết căn nhà này phải thể hiện được tinh thần: hậu duệ phải tôn trọng ý nguyện của cụ Vương “Dùng nhà cổ Vân Đường Phủ làm bảo tàng mang tên Vương Hồng Sển”. Mà, đã là bảo tàng thì phải tuân thủ các nguyên tắc của pháp luật, không một ai có thể vào ở trong đó.

Có lẽ chả thể thiếu được sự hợp sức của chính quyền? Chợt nhớ nếu không có cú hích Nhà nước bỏ ra 20 tỷ (thời điểm năm 2001) thì nhà Vương Chí Sình ở Sà Phìn, Đồng Văn có nguy cơ tan. Khu dinh thự cũng bị lấn chiếm cũng có chuyện cơi nới chây ì này khác… Nhưng nhờ cú hích tài chính cộng với cách làm kiên quyết, kịp thời mà khu Dinh thự Sà Phìn còn nguyên lành và trở thành điểm nhấn du lịch khi du khách ngày nay đến Cao nguyên đá Hà Giang.

Trong trước tác của mình, thấp thoáng đâu đó nhà cổ ngoạn uy tín bậc nhất Việt Nam đã rủ rỉ chân tình với những nhà buôn, các nhà sưu tập hãy sống có đạo đức nghề nghiệp. Nếu biết quý trọng, gìn giữ những giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của các bậc tiền nhân trong từng món cổ vật thì tự thân người sưu tầm đã tĩnh tâm hướng thiện. Ngược lại, những kẻ lừa đảo, trục lợi bằng đồ cổ thì sẽ thân bại, danh liệt, nhân phẩm mối mọt. Nếu không khi còn sống và khi chết sẽ bị “con ma” của nghiệp lực “quật”.

“Đồ xưa, đồ cổ, theo quan niệm xưa là vật có ám ảnh, mang hồn ma quỷ để lại, và chính mắt tôi đã thấy trong nhiều gia đình danh gia vọng tộc, khi có người trong nhà quá vãng, thì bao nhiêu đồ vật, y phục, giày dép, đều gởi vào nhà mồ”.

Vài món đồ của nhà cổ ngoạn Vương Hồng Sển hiện lưu tại Bảo tàng Thành phố
Vài món đồ của nhà cổ ngoạn Vương Hồng Sển hiện lưu tại Bảo tàng Thành phố

Cứ như là lời nguyền để tránh những xui xẻo cho đồng nghiệp, cho hậu thế?

Nhưng hỡi ôi, buồn thay cái “xui” ấy hình như cụ cùng con cháu đã vô tình vướng phải?

Theo Xuân Ba (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.