Đại hội đồng LHQ tại New York bỏ phiếu ngày 18/9. Ảnh: AFP |
Israel và Mỹ bỏ phiếu phản đối Nghị quyết mang tên "Ý kiến tư vấn của Tòa án Công lý quốc tế về hậu quả pháp lý từ các chính sách và hoạt động của Israel tại lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, bao gồm Đông Jerusalem và tính bất hợp pháp của sự hiện diện liên tục của Israel tại đây".
Yêu cầu Israel phải "ngay lập tức chấm dứt sự hiện diện bất hợp pháp của mình tại lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng," nghị quyết đồng thời chỉ rõ, việc thực hiện phải hoàn tất trong vòng 12 tháng kể từ ngày Nghị quyết được thông qua.
Đại hội đồng LHQ cũng kêu gọi các quốc gia “có những bước đi nhằm “tạm dừng việc nhập khẩu hàng hóa có nguồn gốc từ các khu định cư Do Thái, cũng như việc cung cấp hoặc chuyển giao vũ khí, đạn dược và thiết bị liên quan cho Israel do lo ngại chúng có thể được sử dung tại vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng”.
Văn kiện trên do Palestine soạn thảo, là nghị quyết đầu tiên được chính quyền Palestine chính thức đệ trình tại LHQ kể từ khi giành được một ghế thành viên tại các cuộc họp của Đại hội đồng và có quyền đề xuất các dự thảo nghị quyết.
Việc Đại hội đồng LHQ khóa 79 thông qua nghị quyết trên là một thắng lợi chính trị của Palestine trong bối cảnh các nhà lãnh đạo thế giới sẽ tề tựu về trụ sở LHQ ở New York trong tuần tới để tham dự Tuần lễ Cấp cao LHQ.
Bày tỏ sự đồng thuận, Ngoại trưởng New Zealand Winston Peters nhấn mạnh: “Xung đột Israel-Palestine đã diễn ra quá lâu và nỗi đau mà nó gây ra cho cả hai bên là vô cùng lớn. Chúng tôi luôn nói rằng giải pháp hai nhà nước là giải pháp bền vững và công bằng duy nhất cho người Israel và người Palestine”.
Đại hội đồng LHQ là 1 trong 6 cơ quan chính của LHQ và là cơ quan duy nhất có đại diện của tất cả 193 nước thành viên. Đại hội đồng LHQ có quyền thảo luận và đưa ra kiến nghị về các vấn đề thuộc phạm vi Hiến chương hoặc bất kỳ vấn đề nào thuộc thẩm quyền của các cơ quan LHQ, nhằm mục đích thúc đẩy hợp tác quốc tế trên phạm vi toàn cầu.