Nghề "hai sọt"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khi lúa trên đồng đã vàng rộm, mì trên rẫy chỉ còn lơ thơ vài chiếc lá đầu ngọn là lúc quê tôi rộn ràng bước vào mùa thu hoạch. Đó cũng là lúc nghề buôn bán ở làng hoạt động nhộn nhịp nhất.
Cái nghề buôn bán ở làng đã có từ lâu. Khi cả huyện vùng xa Krông Pa chỉ có một cái chợ nằm ngay trung tâm thị trấn Phú Túc và một cái chợ ở khu vực xã Ia Rsươm cách đó vài chục cây số thì nhu cầu về thực phẩm của bà con vùng xa là rất lớn. Nhất là vào ngày mùa, bà con phải chuẩn bị thức ăn cho những người làm công.
Ở thị trấn Phú Túc có tổ dân phố 9 mà phụ nữ nơi đó chuyên làm nghề đổi làng. Họ là những người gốc Huế di cư vào đây, sống tập trung một chỗ, người ta gọi là “xóm Huế”. Vì thường xuyên vào làng bán hàng cho người Jrai nên họ nói tiếng địa phương rất giỏi. Đôi lần vào nhà học sinh, tôi bắt gặp họ bán hàng cho phụ huynh. Họ nói nhiều và nhanh. Thổ âm tiếng Huế nói tiếng Jrai líu lo như chim hót khiến những người như tôi đứng nghe lần đầu mà chẳng hiểu gì, chỉ biết cười trừ.
Một ngày mới của những người đổi làng là tầm 2-3 giờ sáng. Họ ra chợ trung tâm của thị trấn để mua hàng chuẩn bị chuyến đi thường nhật. Ngoài trời hãy còn tối lắm nhưng ra đến chợ thì rực sáng ánh đèn. Con đường bên hông chợ điện đường sáng trưng, rất thuận tiện cho việc sửa soạn hàng hóa. Lúc này, dàn xe máy hai sọt, xe đạp một sọt xếp ngay ngắn dọc vỉa hè đã dựng sẵn chờ hàng. Tôi rảo bước vào chợ, không khí tấp nập từ bao giờ.
Người bạn hàng bán thịt của tôi nói: “Em phải mổ heo từ 11 giờ đêm mới kịp đó chị”. Các quầy luôn ưu tiên cho những bạn hàng này. Muốn nhanh và thuận tiện, hàng phải được đặt từ chiều hôm trước để các quầy chủ động thời gian chuẩn bị. Vào mùa, các chủ xe “hai sọt” thường mua hàng với số lượng lớn rồi chia ra từng túi nhỏ đều nhau để dễ bán. Thịt heo là mặt hàng bán chạy nhất. Khi chủ nhà làm cơm đãi công nhổ mì hay cắt lúa, người ta thường ưu tiên các món chế biến từ thịt heo do giá cả phải chăng mà dễ chế biến. Thịt heo kho với dưa cải chua hay măng chua là món dễ nấu với số lượng lớn. Kèm theo món canh bí hầm xương hay canh cá nục lá giang giúp giải nhiệt ngày nắng nóng. Cô hàng thịt tíu tít luôn tay cắt thịt, chặt xương. Bạn hàng nhanh chóng kiểm tra, tính tiền để kịp vận chuyển về các buôn làng.
Xe “hai sọt” bán thực phẩm dạo ở buôn làng vùng xa. Ảnh: Vũ Chi
Xe “hai sọt” bán thực phẩm dạo ở buôn làng vùng xa. Ảnh: Vũ Chi
Trời vừa tảng sáng là họ xuất phát. Ngày nay, những con đường về làng cũng thuận tiện hơn trước vì đã được trải nhựa hoặc bê tông. Đường trong làng cũng được bê tông hóa chấm dứt cảnh lầy lội vào mùa mưa hay đầy những sống trâu vào mùa khô hạn. Bên cạnh đội quân “hai sọt” di chuyển bằng xe máy, còn có những bà, những chị cần mẫn đạp xe đạp, phía sau là một sọt vuông hoặc tròn đan bằng thép được giằng cọc chắc chắn với lủng lẳng đủ các mặt hàng từ đồ ăn sáng đến thực phẩm. Vì đi xe đạp nên họ chỉ đến những làng trong phạm vi 10 cây số.
Người ta nói: “Buôn có bạn, bán có phường”. Họ thường đi từng tốp từ 2 đến 3 người, buôn bán mãi một nơi trở thành bạn hàng quen thuộc của bà con dân làng. Nhiều nhà không có tiền thì cũng có thể mua nợ, cứ cộng sổ để đấy, đến mùa thu hoạch thì trả. Hoặc không sẵn tiền mặt thì có thể đổi bằng hiện vật. Nên lúc ra về, trong sọt của những người đi mua bán ở làng lại đầy ắp sản vật như heo, gà, bắp, lúa… Sự trao đổi qua lại tạo nên mối quan hệ khăng khít, tương trợ lẫn nhau, cùng nhau vượt qua tháng ngày để có một cuộc sống no đủ hơn.
Mùa đổi làng nhộn nhịp những thanh âm của tiếng nói, tiếng cười. Hàng hóa theo “chợ di động” của các mẹ, các chị về tận buôn gần, làng xa. Mỗi chuyến đi thường kết thúc lúc mặt trời đứng bóng, khi bà con đã đi rẫy hết họ mới thong thả trở về nhà. Đôi lúc, tôi bắt gặp trên đường những hình ảnh thân thương của các mẹ khom lưng đẩy xe hàng khi gặp một con dốc nhỏ. Đôi bàn chân nhẫn nại cố bước như muốn bỏ lại phía sau lưng những nhọc nhằn cơm áo đời thường.
MAI HƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.