Nghề cứu người: Làm bạn với hiểm nguy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bất cứ khi nào nhận được tin có tai nạn nguy hiểm như hỏa hoạn, tự tử, tông xe… các chiến sĩ đội cứu nạn cứu hộ đều cố gắng có mặt sớm nhất có thể.


7 giờ 30, không khí ở sân tập Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy - cứu nạn cứu hộ (PCCC - CNCH) Công an TP.HCM (PC07) đầy khí thế với tiếng hô to của các đội chiến thuật tập bài. Hiện tại các chiến sĩ đều được trang bị kiến thức và phương tiện để có thể tác chiến ở bất kỳ địa hình nào (trên cao, dưới nước, cháy nổ…). Trước khi tập luyện, khâu quan trọng không thể thiếu là kiểm tra và bảo dưỡng phương tiện.

Trung tá Đào Quốc Trung, tổ trưởng tổ CNCH, Đội công tác chữa cháy và CNCH, Phòng PC07, cho biết: “Mỗi khi có chuông báo động, đội hình cấp bách cứu người lập tức được triển khai. Khẩu lệnh của chúng tôi khi có chuông báo là “xuất phát, nhanh chóng tìm người bị nạn””.

Hai tháng theo chân Đội công tác chữa cháy và CNCH của Phòng PC07, máy điện thoại chúng tôi luôn nóng lên bởi những thông tin báo cháy, kẹt thang máy, có người nhảy lầu từ ứng dụng “Help 114”. Tại trung tâm trực chiến của đội (số 297 Trần Hưng Đạo, Q.1), không khí còn khẩn trương hơn mỗi khi có chuông báo vụ việc.

“Dũng sĩ”... lắm chiêu

Đại úy Trần Quốc Bảo dù mới 33 tuổi nhưng công tác tại Đội công tác chữa cháy và CNCH đã gần 11 năm. Dày dạn kinh nghiệm lẫn kỹ năng, Bảo có biệt danh “dũng sĩ lắm chiêu” và chuyên được điều tới những vụ CNCH kỳ khôi ở địa bàn TP.


 

 Anh Nguyễn Chí Thành hướng dẫn bài tập lặn mò compa cho các chiến sĩ trẻ
Anh Nguyễn Chí Thành hướng dẫn bài tập lặn mò compa cho các chiến sĩ trẻ


Dù anh em trong đội đều được học cách xử lý tổ ong nhưng học là một chuyện, ra hiện trường lại muôn hình vạn trạng. Vị trí tổ ong, loại ong ruồi, mật, vò vẽ khác nhau cách xử lý cũng khác nhau. Chưa kể, gặp những vụ dân giấu tổ ong (vì nghĩ nuôi ong sẽ có lộc), đến khi bà con xung quanh bị ong đốt nhiều quá, đội xuống thì dân tìm cách cản trở. Lúc đó phải xử lý sao cho “hợp tình hợp lý” cũng cần phải “có chiêu”. Bảo trong nhóm chuyên trị tổ ong trên địa bàn TP.HCM vì anh là một trong những người am hiểu nhất.

Có lần Bảo đi “xử” tổ ong gần Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, gặp trời mưa, tổ ong nằm trên ngọn cây cao không xài thang được, phải trèo lên. “Lúc trèo lên không may sơ sẩy té chắc mệt, chưa kể ai chả sợ bị ong chích. Ong ruồi chích thì đau nhưng nhẹ, còn ong vò vẽ chích có nọc độc có thể bị sốt, gây tử vong. Có vụ ong làm tổ trên cây cột điện, muốn bắt ong phải ngắt điện, gặp trời mưa bão càng có nguy cơ cháy chập điện trên cao khó lường”, Bảo kể.

Bảo từng trải qua những lần chạm mặt với nguy hiểm khó quên khi xử lý các nhiệm vụ “khó nhằn”. Anh chia sẻ, ngán nhất là mấy vụ tự tử ở trên cao mà phương tiện không với tới được như đỉnh tòa nhà, ngọn cây cột điện, ban công tầng cao nhất của chung cư… Có vụ ở chung cư Bình Chánh, anh này bị tâm thần nhẹ, dùng kéo tự làm bị thương rồi ngồi sát mép ngoài bờ tường tòa chung cư ở lầu 12, chỉ nhích chân cỡ 5 tấc là lọt ra ngoài. Lúc Đội công tác chữa cháy và CNCH tiếp cận, anh này tay lăm lăm hung khí và dọa ai vào can thì sẽ ôm người đó nhảy xuống luôn. Nhờ người thân khuyên nhưng vẫn không được, chỉ huy quyết định triển khai nệm hơi dưới tòa nhà. Sau đó nhờ người thân lên nói chuyện “đánh lạc hướng”. Lợi dụng 1 - 2 giây anh này tập trung vô người thân, hai tổ chiến sĩ ập tới khống chế, may mà thành công và an toàn.

“Những lúc đó, dù hồi hộp gần chết nhưng tụi mình phải như bác sĩ tâm lý, vừa bình tĩnh trò chuyện thuyết phục nạn nhân vừa phối hợp với đồng đội khống chế. Chiến thuật chủ đạo là luôn phải ứng biến và đặt mục tiêu cứu người lên hàng đầu”, Bảo nói.


 

Các chiến sĩ cứu một người nhảy cầu. Ảnh: Ngọc Dương
Các chiến sĩ cứu một người nhảy cầu. Ảnh: Ngọc Dương



Chạm mặt tử thần

Trung tá Nguyễn Chí Thành, Đội phó Đội công tác chữa cháy và CNCH, cũng nhiều lần đối diện tử thần. Vụ tai nạn xe tải đâm xe bồn xi măng tại chân cầu Phú Mỹ, Q.2 năm 2016 (nay là TP.Thủ Đức) khiến 2 người trong cabin xe tải tử vong. Khi tới nơi, anh Thành cùng đồng đội nhanh chóng dùng kìm thủy lực, máy khoan cắt rời cửa xe ô tô. Hy vọng cứu nạn nhân được tính bằng giây bằng phút, trong lúc khẩn trương anh và đồng đội đã bị các thanh sắt, cửa kính cứa vào tay sâu hoắm. Khi đưa được thi thể ra ngoài, máu nạn nhân đã ướt đẫm trên tay các anh. Một tiếng sau cả đội nhận thông tin: một trong hai nạn nhân nhiễm HIV. “Ngay sau đó, dù uống thuốc chống phơi nhiễm, anh em ai cũng lo lắng. Thuốc mạnh, uống vào người gây mệt mỏi, đau nhức cơ, đi không nổi. Hôm sau có kết quả xét nghiệm, nạn nhân không có HIV. Anh em ai cũng mừng rỡ”, anh Thành cười nhớ lại.

Có lần anh Thành leo lên mái nhà cứu nạn nhân bị tai nạn lao động, không may chân giẫm phải mái tôn cũ giòn, mái tôn sập xuống, anh rớt xuống bãi sắt phế liệu phía dưới (độ cao 7 m) gây chấn thương cột sống. “Khi được chuyển vào Bệnh viện 115 cấp cứu, bác sĩ nhéo cái chân, mình không có cảm giác gì, lúc đó nước mắt trào ra vì sợ bị liệt, ai sẽ nuôi vợ con. Chụp MRI lần thứ nhất bác sĩ bảo thua rồi, bác sĩ cho chụp lần thứ hai thì không đến nỗi. Sau đó mình hồi phục nhưng sức khỏe bị giảm nhiều. Công việc là vậy, nhưng đã chọn nghề cứu người thì đâu thể chần chừ”, anh Thành nói.

Tuy vậy, trong những lần CNCH, không phải ai cũng may mắn, nhiều chiến sĩ đã mãi nằm lại đáy sông hoặc trong những ngôi nhà bị cháy. Đó là vụ án Thanh Nga sau năm 1975 đã cướp đi hai đồng đội giỏi khi đang lặn mò tìm tang vật vụ án; là vụ cháy Bình Tân khiến chiến sĩ Phi Long ở đội PCCC hy sinh... Có lẽ Phòng PC07 là nơi duy nhất trong lực lượng công an ở TP.HCM có đài tưởng niệm chiến sĩ hy sinh vì nhiệm vụ giữa thời bình, ngay tại trụ sở.

Gần 37 năm công tác, chỉ còn vài tháng nữa là về hưu nhưng trung tá Đào Quốc Trung vẫn tiếc là không còn trẻ, khỏe để ở lại sát cánh cùng đồng đội. Đứng thắp nén nhang trước đài tưởng niệm, ông tâm tư: “Sự hy sinh của họ truyền lửa cho chúng tôi về nhiệt huyết và sự dấn thân với nghề. Vì vậy tôi luôn nhắc đồng đội “nếu chúng ta không làm thì ai sẽ làm?”. (còn tiếp)

 

Nhận 200 - 300 tin báo sự cố/ngày

Mỗi ngày, trung tâm chỉ huy Phòng PC07 nhận từ 200 - 300 tin nhắn báo sự cố, cháy nổ thông qua ứng dụng “Help 114”. Tổ CNCH thành lập năm 2006. Hiện quân số của tổ là 54 chiến sĩ. Mỗi ngày tổ chia làm hai ca trực chiến, mỗi ca 20 chiến sĩ. Khi có sự vụ lớn thì phải huy động 100% quân số. Từ khi thành lập (tháng 12.2020) đến nay, tổng đài “Help 114” TP.HCM tiếp nhận 1.587 cuộc gọi phản ánh.

Không chỉ là “đợi chuông đi hốt xác”

Vụ nổ đạo cụ tại nhà đạo diễn Lê Minh Phương khiến 3 căn nhà liền kề bị sập tại TP.HCM năm 2013 vẫn còn in sâu trong ký ức nghề của đại úy Trần Quốc Bảo. Anh nhớ lại: “Khi chúng tôi tới nơi thì chỉ còn lại đống hoang tàn với 14 người mất tích bị vùi lấp dưới đống đổ nát. Sau nhiều nỗ lực, chúng tôi cứu sống được 4 người mắc kẹt, tìm được 10 thi thể”. Sau vụ “Phương khói lửa”, Bảo càng hiểu được ý nghĩa của công việc tưởng như chỉ “ngồi chơi đợi chuông đi hốt xác”.


Theo LÊ VÂN (TNO)

 

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.