(GLO)- Trong ngày làm việc chính thức thứ hai (29-9), với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu đã phát huy trí tuệ, tập trung thảo luận nhiều vấn đề xoay quanh các nhiệm vụ, giải pháp và chương trình trọng tâm mà Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) đặt ra. Trong đó, công tác giảm nghèo bền vững và phát triển du lịch được các đại biểu đặc biệt quan tâm.
Quang cảnh Đại hội. Ảnh: Đức Thụy |
Nâng cao đời sống vùng dân tộc thiểu số
Công tác giảm nghèo nói chung, giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng được xem là nhiệm vụ hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Nhiệm kỳ qua, việc triển khai thực hiện công tác này đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền và đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở ngày càng nâng cao.
Phần lớn người dân đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm; các tập tục lạc hậu trong ma chay, lễ hội dần được xóa bỏ. Hộ nghèo đã tiếp cận đầy đủ hơn các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước. Cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn dần được cải thiện. Đáng chú ý, tỷ lệ hộ nghèo từ 19,71% năm 2015 giảm còn khoảng 4,5% vào cuối năm 2020; riêng hộ nghèo trong đồng bào DTTS từ 40,1% giảm còn dưới 6,25%, không còn hộ chính sách thuộc diện hộ nghèo.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS, đại biểu Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-đề xuất: Thời gian tới, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp trong thực hiện giảm nghèo bền vững; nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức làm công tác giảm nghèo; tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo cũng như các già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong đồng bào DTTS và đội ngũ cộng tác viên giảm nghèo. Cùng với đó, cần tập trung tuyên truyền, vận động khơi dậy ý chí chủ động, tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng trong đồng bào DTTS.
Đại biểu Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-tham luận tại Đại hội. Ảnh: Đức Thụy |
Hiện nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo ở khu vực nông thôn thấp hơn ở thành thị 5 lần, lao động tự làm và lao động gia đình chiếm tỷ lệ khá cao. Đây cũng là một trong những khó khăn trong công tác giảm nghèo. “Để cải thiện tình trạng này, các địa phương cần chủ động đa dạng hóa hình thức hỗ trợ giải quyết việc làm cho lao động DTTS. Tạo điều kiện để bà con tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, tập huấn nâng cao kiến thức, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; xây dựng những mô hình sản xuất hiệu quả, có năng suất và thu nhập cao; nâng cao chất lượng lao động trong đồng bào DTTS ở các vùng nông thôn; thúc đẩy phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo bền vững”-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội nêu ý kiến.
Các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh đã góp công không nhỏ làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS, nhất là trong việc thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào DTTS. Trong 5 năm qua, các đơn vị quân đội đã huy động trên 15.000 lượt cán bộ, chiến sĩ giúp dân lao động sản xuất, phát triển kinh tế; nâng cấp 113,27 km đường giao thông nông thôn, 24,5 km đường điện; xây dựng 172 nhà “Đại đoàn kết” cho đồng bào vùng biên giới; nhận giúp 63 hộ thoát nghèo bền vững; qua đó giúp 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Đại biểu Lê Tuấn Hiền-Phó Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh-trình bày tham luận tại Đại hội. Ảnh: Đức Thụy |
Đại biểu Lê Tuấn Hiền-Phó Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh-nhận định: Thời gian qua, các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn nói chung, lực lượng vũ trang tỉnh nói riêng đã thực hiện tốt chức năng “đội quân công tác” với các mô hình cụ thể như: “Đơn vị kết nghĩa”, “Quân đội chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Gắn kết giữa hộ gia đình người Kinh với hộ gia đình người DTTS”, “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”...
“Tôi mong muốn Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác phối hợp, trao đổi thông tin với Ban Thường vụ, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 để tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang tỉnh cũng như các đơn vị của Quân khu trên địa bàn làm tốt công tác dân vận”-đại biểu Lê Tuấn Hiền kiến nghị.
Gắn văn hóa với phát triển du lịch
Phát triển du lịch là một nội dung trong 4 chương trình trọng tâm mà Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra. Những năm qua, tỉnh đã xây dựng các kế hoạch, chương trình, đề án phát triển với mục tiêu đưa du lịch thành một trong những ngành kinh tế quan trọng của địa phương. Công tác xúc tiến, quảng bá, liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương được đẩy mạnh. Nhiều sự kiện văn hóa, du lịch tạo hiệu ứng cao, có sức lan tỏa, thu hút đông đảo du khách.
Đoàn đại biểu huyện Phú Thiện xem trưng bày triển lãm ảnh Đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai qua các thời kỳ. Ảnh: Đức Thụy |
Không chỉ có tiềm năng về thiên nhiên, thắng cảnh, Gia Lai còn là mảnh đất giàu giá trị lịch sử và văn hóa truyền thống. Thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc gắn với phát triển du lịch địa phương được quan tâm. Toàn tỉnh hiện có 26 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 13 di tích cấp quốc gia, 13 di tích cấp tỉnh; 3 di sản văn hóa phi vật thể nằm trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Thị xã An Khê và các huyện: Phú Thiện, Kbang, Chư Păh… đã bước đầu gắn kết, lấy văn hóa truyền thống làm nền tảng, tạo đà cho phát triển du lịch bền vững.
Những năm qua, ngành du lịch của thị xã An Khê đã có những bước tiến không nhỏ, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh. Để tiếp tục phát huy thành quả ấy, đại biểu Nguyễn Hùng Vỹ-Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã An Khê-cho hay: “Thị xã sẽ tận dụng các nguồn lực đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ du lịch. Song song với đó, thị xã định hướng hình thành các cụm du lịch, gắn kết các di tích lịch sử, thắng cảnh với việc tổ chức các lễ hội văn hóa như: điểm du lịch tổng hợp ở đầu đèo An Khê với các loại hình du lịch sinh thái, du lịch dã ngoại leo núi kết hợp du lịch văn hóa-lịch sử, tâm linh; du lịch nghiên cứu khảo cổ học và du lịch sinh thái gắn với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, khu nghỉ dưỡng, vui chơi…”.
Bên lề Đại hội, đại biểu Lê Ngọc Quý-Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ia Grai-chia sẻ: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các nhà đầu tư khai thác du lịch tại quần thể di tích lịch sử gắn với các điểm thác, điểm đảo trên mặt hồ Sê San 4; kết hợp giới thiệu các mặt hàng nông sản đặc trưng của địa phương, hình thành một số sản vật đặc trưng để tiếp tục thu hút du khách. Đặc biệt, huyện sẽ khôi phục và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc nhằm tạo tiền đề phát triển du lịch”.
Đại biểu Phan Văn Trung-Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Kông Chro-tham luận về vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch. Ảnh: Đức Thụy |
Văn hóa càng đặc sắc thì du lịch càng có đà “cất cánh”. Vì vậy, các biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống cần phải thật sâu sát, thiết thực, có hiệu quả. Theo đại biểu Phan Văn Trung-Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Kông Chro, tỉnh cần tiếp tục cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch hành động để thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về phát triển văn hóa, nhất là tập trung khuyến khích bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng. Phát huy vai trò của đội ngũ nghệ nhân, khuyến khích việc truyền dạy cồng chiêng, các giá trị văn hóa phi vật thể như: dệt thổ cẩm, đan lát, tạc tượng, chỉnh chiêng, hát kể sử thi… Đẩy mạnh tuyên truyền về lòng tự hào, ý thức gìn giữ của chính cộng đồng người DTTS về vốn văn hóa truyền thống của dân tộc mình, đặc biệt là trong thanh-thiếu niên. Duy trì và phát triển các thiết chế văn hóa phù hợp với bản sắc văn hóa của người dân trên địa bàn; từ đó tạo sân chơi, môi trường diễn xướng rộng khắp thông qua các lễ hội, cuộc thi, hội diễn. Chú trọng gắn kết việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc với mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái; tạo ra các sản phẩm văn hóa du lịch đặc trưng, những món quà lưu niệm cho du khách...
Hôm nay (30-9), Đại hội bước vào ngày làm việc cuối cùng. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) và đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ ra mắt, nhận nhiệm vụ trước Đại hội. Đại hội sẽ biểu quyết thông qua các chỉ tiêu chủ yếu nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết Đại hội.
NHÓM PHÓNG VIÊN