Ngày hội của người dân hai bên biên giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhân kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Campuchia (24/6/1967-24/6/2022), chiều 21-6, tại trụ sở UBND xã Ia Dom (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) đã diễn ra hội nghị đối ngoại nhân dân giữa xã Ia Dom và xã Pó Nhầy (huyện Oyadav, tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia). Trong không khí thắm tình hữu nghị, chính quyền và Nhân dân 2 xã cùng nhau trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế, bảo vệ biên giới và quyết tâm tiếp tục vun đắp tình hữu nghị bền chặt.

Đây là lần đầu tiên kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, đoàn cán bộ và Nhân dân xã Pó Nhầy gồm 30 người mới có điều kiện sang thăm xã Ia Dom. Ông Ksor Hênh-Chủ tịch UBND xã Pó Nhầy-chia sẻ: “Chúng tôi rất vui vì được thăm lại xã Ia Dom, được chính quyền và Nhân dân nơi đây đón tiếp nồng hậu. Thời gian qua, do dịch Covid-19 nên 2 bên không được gặp nhau mà chỉ trao đổi thông tin qua điện thoại và các phương tiện khác. Chúng tôi vẫn nắm rõ tình hình 2 bên biên giới, cùng nhau chia sẻ những khó khăn, động viên người dân chăm lo phát triển kinh tế, bảo vệ biên giới, tố giác các hoạt động vi phạm pháp luật khác. Phát huy truyền thống, đặc biệt là mối quan hệ ngoại giao 55 năm qua, chúng tôi sẽ tiếp tục vun đắp mối quan hệ đoàn kết này. Cùng với đó, nhiều người dân ở 2 xã có mối quan hệ thân tộc nên cũng thường xuyên trao đổi thông tin qua lại. Điều này càng củng cố thêm mối quan hệ bền chặt, lâu dài”.

  Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và chính quyền xã Ia Dom tặng quà cho chính quyền xã Pó Nhầy. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và chính quyền xã Ia Dom tặng quà cho chính quyền xã Pó Nhầy. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Dịp này, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và chính quyền xã Ia Dom đã tặng cán bộ, Nhân dân xã Pó Nhầy 30 suất quà (mỗi suất trị giá 500 ngàn đồng).

Trong không khí đoàn kết, thắm tình hữu nghị, ông Rơ Châm Tiu-Chủ tịch UBND xã Ia Dom đã bày tỏ niềm vui khi được đón tiếp đoàn cán bộ và Nhân dân xã Pó Nhầy tham dự hội nghị. Ông Tiu chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn các bạn luôn tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp và bà con người Việt đang sinh sống, làm ăn tại địa phương. Cùng với đó, tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa chính quyền, Nhân dân 2 địa phương nói riêng và 2 nước nói chung để cùng nhau bảo vệ, xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển”.

Mối quan hệ đoàn kết gắn bó giữa xã Pó Nhầy và Ia Dom được chính quyền và Nhân dân 2 địa phương cùng nhau vun đắp bằng những việc làm thiết thực. Cụ thể, ngày 26-1-2013, làng Mook Đen 1 (xã Ia Dom) và làng Pó Lớn (xã Pó Nhầy) đã tổ chức lễ kết nghĩa. Trên cơ sở mối quan hệ thân tộc và tinh thần đoàn kết, người dân 2 địa phương thường xuyên tổ chức thăm thân, trao đổi, học tập kinh nghiệm cũng như chia sẻ những khó khăn. Được trở lại xã Ia Dom thăm những người anh em kết nghĩa, ông Rơ Lan Chíp-Trưởng thôn Pó Lớn không giấu được xúc động: “Làng Pó Lớn có 147 hộ. Bà con trong làng luôn giữ mối quan hệ đoàn kết với người dân làng Mook Đen 1. Hơn 10 năm 2 làng kết nghĩa với nhau, chúng tôi thường xuyên thông tin về tình hình mỗi bên để cùng nhau nắm rõ, từ đó động viên nhau vượt qua khó khăn, chăm lo sản xuất, xây dựng quê hương giàu đẹp”.

Tự hào vì quan hệ ngoại giao Việt Nam-Campuchia được vun đắp bền chặt trong 55 năm qua, nhiều đại biểu tham dự hội nghị giao lưu nhân dân cũng đề đạt những nguyện vọng để tiếp tục phát huy mối quan hệ truyền thống đó. Ông Hồ Đình Kỳ-Bí thư Đảng ủy xã Ia Dom-cho hay: “Hiện nay, dịch Covid-19 cơ bản đã được 2 nước kiểm soát, chúng tôi mong muốn chính quyền các địa phương kiến nghị với các cơ quan chức năng tạo điều kiện để việc đi lại, buôn bán qua cửa khẩu cũng như việc thăm thân được dễ dàng hơn. Để thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, chúng ta cần thường xuyên tổ chức những hội nghị như thế này, không chỉ 2 xã mà nhiều xã trên khu vực biên giới, qua đó tăng cường sự hiểu biết, tin tưởng lẫn nhau, cùng vun đắp tình cảm giữa Nhân dân 2 bên biên giới”.

Phát biểu tại hội nghị, Đại tá Nguyễn Văn Nghị-Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh-khẳng định: Hội nghị lần này được tổ chức khi chúng ta cùng nhau kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Campuchia đã minh chứng cho mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa chính quyền và Nhân dân 2 nước. Thông qua hội nghị này, chúng tôi mong muốn chính quyền và Nhân dân 2 địa phương tiếp tục vun đắp mối quan hệ đoàn kết ấy. Cùng với đó, động viên Nhân dân 2 bên biên giới chấp hành nghiêm các quy định, quy chế về quản lý, bảo vệ biên giới, cùng nhau chăm lo lao động sản xuất, đấu tranh tố giác các hoạt động vi phạm pháp luật, cùng nhau xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.

 

 VĨNH HOÀNG
 

 

Có thể bạn quan tâm

Đối thoại để tạo đồng thuận xã hội

Đối thoại để tạo đồng thuận xã hội

(GLO)- Thời gian qua, việc tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với người dân đã được triển khai một cách hiệu quả. Đây là giải pháp hữu hiệu để nắm bắt và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong dân, từ đó tạo đồng thuận trong xã hội.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung thăm, tặng quà chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên phủ

Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung thăm, tặng quà chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên phủ

(GLO)- Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên phủ (7-5-2024), sáng 3-5, Đoàn công tác của Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Rah Lan Chung đã đến thăm, tặng quà các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến tham gia chiến dịch Điện Biên phủ đang sinh sống trên địa bàn TP. Pleiku.

Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đặng Phan Chung tặng quà cho bà Nguyễn Thị Sự (dân công hỏa tuyến, xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện). Ảnh: Vũ Chi

Thăm, tặng quà thân nhân, chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ tại các huyện Ia Pa, Phú Thiện và Krông Pa

(GLO)- Ngày 2-5, đoàn công tác do ông Đặng Phan Chung-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai làm trưởng đoàn đã đến thăm, tặng quà gia đình thân nhân, chiến sĩ Điện Biên trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đang sinh sống tại các huyện Ia Pa, Phú Thiện và Krông Pa.