(GLO)- Trong 75 năm xây dựng và phát triển (1945-2020), ngành Tuyên giáo tỉnh Gia Lai luôn khẳng định vai trò chủ đạo trong công tác định hướng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Phát triển lực lượng nòng cốt tuyên truyền ở cơ sở
Thời gian qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tích cực, chủ động tham mưu, chỉ đạo đổi mới nội dung, hình thức hoạt động tuyên truyền miệng, đặc biệt là xây dựng và phát triển lực lượng tuyên truyền miệng nòng cốt ở cơ sở. Từ đó góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, phổ biến quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội trước các vấn đề thời sự quốc tế, trong nước và trong tỉnh.
Đồng chí Lê Phan Lương-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tặng giấy khen các cá nhân có nhiều đóng góp cho ngành Tuyên giáo tỉnh. Ảnh: Phan Lài |
Ông Trần Đình Hiệp-Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy-cho biết: Được sự thống nhất của Thường trực Tỉnh ủy, cuối năm 2016, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chọn 4 xã: Hà Bầu (huyện Đak Đoa), Ia Le (huyện Chư Pưh), Hà Ra (huyện Mang Yang) và An Thành (huyện Đak Pơ) để thí điểm triển khai đề án xây dựng lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở các thôn, làng. Đây là các địa phương được đánh giá có vấn đề phức tạp, nhạy cảm về an ninh, trật tự xã hội, dân tộc, tôn giáo. Sau thời gian triển khai thí điểm có hiệu quả, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức hướng dẫn các địa phương xây dựng lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở các thôn, làng, tổ dân phố; đồng thời, trực tiếp phụ trách xây dựng, bồi dưỡng, tập huấn lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng tại một số xã.
Yêu cầu đặt ra là các địa phương cần xác định hình thức, quy mô, thành phần, cơ cấu lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng. Tập trung lựa chọn những người có uy tín trong cộng đồng như: già làng, trưởng thôn, cán bộ, giáo viên đã về hưu, cựu chiến binh, những người có năng lực, kinh nghiệm và tích cực, nhiệt tình tham gia hoạt động ở địa phương, đồng thời có khả năng tuyên truyền tốt; nhạy bén với thực tiễn; gắn bó với nhân dân địa phương; am hiểu phong tục tập quán, tâm lý, ngôn ngữ của đồng bào dân tộc tại địa bàn đang sinh sống.
Đến nay, hầu hết các xã, phường, thị trấn đã xây dựng được lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng. Một số địa phương có đội ngũ nòng cốt tuyên truyền miệng đông đảo, trải khắp các thôn, làng, tổ dân phố như TP. Pleiku và các huyện: Đức Cơ, Đak Pơ, Kbang, Chư Pah, Chư Sê, Chư Pưh. Đa số người được chọn đều nhiệt tình, ý thức trách nhiệm cao, có tinh thần học hỏi nâng cao trình độ thể hiện qua việc tham gia đầy đủ các buổi tập huấn, bồi dưỡng; vận dụng các kỹ năng, kiến thức vào thực tiễn sinh hoạt, công tác.
Quang cảnh lớp tập huấn lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng cơ sở. Ảnh: Phương Linh |
Ông Trần Đình Hiệp đánh giá: “Lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng đã cùng với hệ thống chính trị ở thôn, làng, tổ dân phố góp phần tuyên truyền quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân; tạo sự đồng thuận trong dư luận xã hội trước các vấn đề chính trị, thời sự trong nước và trong tỉnh. Nhiều nội dung liên quan đến hoạt động ở thôn, làng, tổ dân phố; những băn khoăn, vướng mắc của nhân dân trong cuộc sống, sinh hoạt, sản xuất đã được lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng phân tích, giải thích đúng đắn, kịp thời, góp phần nâng cao ý thức, cổ vũ người dân làm theo cái đúng, các mô hình hay, hiệu quả”.
Tạo sự đồng thuận trong xã hội
Với trách nhiệm được giao, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã kịp thời tham mưu giúp Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền; đồng thời ban hành nhiều kế hoạch, hướng dẫn tuyên truyền các ngày lễ, sự kiện chính trị lớn của đất nước, của tỉnh. Việc định hướng tuyên truyền được chú trọng và chủ động theo hướng sát đối tượng, sát cơ sở, kịp thời chuyển tải chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
Ông Đinh Đơt (thứ 2 từ phải sang; già làng Kret Krot, xã Hà Ra, huyện Mang Yang) tuyên truyền người dân trong làng giữ gìn an ninh trật tự, không nghe theo lời kẻ xấu. Ảnh: Đức Thụy |
Hiện nay, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là đại dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống xã hội. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị vẫn tiếp tục chống phá chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp bằng nhiều thủ đoạn tinh vi trên nhiều lĩnh vực. Thực tế đó đòi hỏi ngành Tuyên giáo cần phát huy hơn nữa vai trò “đầu tàu” trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho hay: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã kịp thời tham mưu giúp Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, định hướng tư tưởng; phát triển kinh tế-xã hội; xây dựng Đảng, chính quyền; trong đó, chú trọng đánh giá, nhận định sát tình hình, đưa ra nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện của tỉnh nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong Đảng, trong nhân dân cùng chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, thử thách.
Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy luôn chú trọng đẩy mạnh công tác tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo định hướng công tác tuyên truyền phục vụ đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Theo đó, đã chủ động xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tham mưu, chỉ đạo, lãnh đạo, định hướng hoạt động tuyên truyền về đại hội một cách khẩn trương, nghiêm túc, sử dụng đa dạng các hình thức, tổ chức thường xuyên, liên tục các hoạt động tuyên truyền nhằm tạo thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn xã hội, tạo tâm thế phấn khởi, vững tin trước sự kiện trọng đại này.
Việc biên tập, phát hành các ấn phẩm phục vụ công tác tuyên truyền như: Đặc san Tư tưởng Văn hóa Gia Lai, Thông tin sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt nhân dân, tổng hợp thông tin báo chí phản ánh về tỉnh Gia Lai; thông tin một số vấn đề nổi lên trên mạng xã hội; tổng hợp tình hình chống phá trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, định hướng của Thường trực, lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành, đơn vị, địa phương được duy trì thường xuyên, có chất lượng.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng tổ chức biên tập, phát hành chuyên san “Du lịch Gia Lai-Tiềm năng và triển vọng” nhằm góp phần thông tin, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, nét độc đáo về điều kiện tự nhiên, danh lam thắng cảnh, con người, lịch sử, văn hóa của tỉnh; chủ trương, chính sách quản lý, quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển du lịch của tỉnh…
Thời gian đến, dự báo tình hình thế giới sẽ có những diễn biến khó lường, cùng với đó là dịch Covid-19 diễn biến phức tạp sẽ gây nhiều khó khăn, tác động đến đời sống xã hội, rất cần sự đoàn kết, quyết tâm cao của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh để hoàn thành các nhiệm vụ đã đề ra. Công tác tuyên giáo cần được tập trung đẩy mạnh, đổi mới, nâng cao chất lượng về mọi mặt.
“Công tác tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội trong thời gian đến sẽ phải chủ động cung cấp thông tin định hướng dư luận xã hội, cùng với hệ thống chính trị quyết tâm hoàn thành Nghị quyết của Tỉnh ủy về chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2020, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội”-Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhấn mạnh.
PHƯƠNG LINH