Trụ sở Bộ ngoại giao Nga. Ảnh: AFP |
Ông Galuzin nhấn mạnh, tương lai của Ukraine phụ thuộc vào việc nước này và các đồng minh, đối tác phương Tây có nhanh chóng "thừa nhận thực tế" hay không.
Theo bản kế hoạch hòa bình, quân đội Ukraine trước tiên phải hạ vũ khí, phương Tây phải ngừng toàn bộ hoạt động cung cấp khí tài cho Kiev.
Một số điều kiện khác là Ukraine phải "phi quân sự hóa", "phi phát xít hóa", không gia nhập NATO hay EU, đứng ở vị thế trung lập.
Điều kiện khác được bổ sung hồi tháng 10/2022 gồm việc công nhận "các thực tế mới về lãnh thổ" hay thừa nhận việc Nga đã sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine gồm Kherson, Zaporizhia, Donetsk và Lugansk.
Ngoài ra, ông Galuzin nói Ukraine cần đảm bảo di chuyển tự do qua biên giới với Nga, cũng như khôi phục khuôn khổ pháp lý về quan hệ của Ukraine với Nga và Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS). Trước đó, Ukraine đã rời CIS sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014. CIS là tổ chức khu vực bao gồm các quốc gia thành viên cũ của Liên Xô.
Lần đầu tiên, Moscow đề nghị dỡ bỏ toàn bộ lệnh trừng phạt chống Nga và "rút lại các cáo buộc, ngừng các vụ kiện nhằm vào nước Nga, công dân và tổ chức của Nga".
Yêu cầu cuối cùng trong danh sách của ông Galuzin là phương Tây phải trả tiền cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng dân sự "đã bị quân đội Ukraine phá hủy" kể từ năm 2014.
Kiev chưa lên tiếng về yêu sách 10 điểm trên. Trước đó, chính quyền của Tổng thống Volodymyr Zelensky nhiều lần tuyên bố, Ukraine sẽ không bao giờ thỏa hiệp về lãnh thổ để đạt thỏa thuận hòa bình với Moscow.
Kiev cũng từng đưa ra đề xuất hòa bình 10 điểm của mình, trong đó yêu cầu Nga phải rút quân, khôi phục toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ cho Ukraine. Các cuộc hòa đàm giữa Moscow và Kiev đã đóng băng kể từ tháng 3 năm ngoái.
TS ( từ baoquocte.vn,TTO,dantri.vn)