Nét đẹp trong việc hiếu hỉ của người Jrai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Trong đời sống của người Jrai, việc hiếu, hỉ rất được coi trọng. Vì vậy, mỗi khi gia đình nào có việc hiếu, hỉ thì người thân và hàng xóm láng giềng thường đến chia sẻ, giúp đỡ. Đáp lễ, gia chủ cũng trao lại những món quà nhỏ để bày tỏ sự cảm ơn.

Vừa rồi, chúng tôi có dịp tham dự lễ báo hiếu cha mẹ của gia đình chị Puih H'Hái (làng Breng 2, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai). Theo chị H'Hái, lễ báo hiếu được tổ chức khi con cái đã gây dựng được kinh tế, tạo ra được của cải cho gia đình. Việc tổ chức nhằm tạ ơn sinh thành, dưỡng dục và cầu nguyện cho cha mẹ mọi điều tốt lành, sống thọ cùng con cháu. Ngoài ra, mỗi người chỉ làm một lần trong đời nên khi tổ chức, gia đình mời rất nhiều anh em, họ hàng, bạn bè gần xa đến chung vui.

Ngày hiếu, hỉ, phụ nữ người Jrai đảm nhận việc giã gạo, chế biến các món ăn truyền thống. Ảnh: R.H

Ngày hiếu, hỉ, phụ nữ người Jrai đảm nhận việc giã gạo, chế biến các món ăn truyền thống. Ảnh: R.H

Theo phong tục của người Jrai, trước ngày lễ, anh em, họ hàng tập trung lại để lên rừng kiếm củi. Tùy vào điều kiện kinh tế, mọi người sẽ mang các lễ vật như: heo, gà, lúa, gạo, rau, quả đến tặng gia chủ. Tiếp đó, gia chủ sẽ thông báo cho Tơ granh (người mai mối của vợ chồng gia chủ) đến quán xuyến công việc chế biến món ăn. Nhận nhiệm vụ, người này sẽ hướng dẫn đàn ông trong làng tập trung xẻ thịt heo, gà thành nhiều phần khác nhau; phần đùi heo được đặt trong một cái rổ riêng để biếu bố mẹ.

Còn chị em phụ nữ phụ giúp việc gùi nước, giã gạo, nấu nướng, chế biến các món ăn truyền thống của người Jrai. Tan tiệc, khách trực tiếp đến gặp gia chủ để gửi túi gạo cùng tiền mừng. Để đáp lễ, gia chủ sẽ trao lại cho từng người miếng thịt heo sống, canh bột lá mì, nước ngọt và vài ống cơm lam mang về làm quà.

Ông Rơmah Roi-Trưởng thôn De Chí (xã Ia Pếch, huyện Ia Grai) cho hay: Thông thường, người Jrai tổ chức việc hiếu, hỉ khi mùa màng thu hoạch xong, nông sản đã cất vào kho. Trong ngày này, người Jrai thường giúp đỡ nhau để gắn kết tình anh em, họ hàng và cộng đồng.

Vào tháng 10-2023, ông Rmah Kling (xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa) đã tổ chức lễ đính hôn cho con gái là chị R'Ô H'Lanh với anh Ksor Tai (phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa). Vì theo chế độ mẫu hệ nên lễ đính hôn do nhà gái chủ động lo liệu các lễ vật. Để buổi lễ đính hôn diễn ra suôn sẻ, hai bên gia đình thông báo đầy đủ cho mọi người biết trước đó nhiều ngày. Vì vậy, khi mặt trời chưa ló rạng, đông đảo anh em, họ hàng và hàng xóm láng giềng nhà gái đã cùng tề tựu tại gia đình.

Tại đây, họ tự phân công công việc cho mỗi người. Đàn ông thì lo việc đốn củi, giết gà, mổ heo; còn chị em phụ nữ thì nấu các món ăn chính. Sau khi người làm mối thực hiện các nghi thức và trao vòng tay bằng đồng cho đôi trai gái, khách mời bên nhà gái mang bì gạo, con gà, tiền mừng cho gia đình. Tiếp đó, họ cùng nhau ăn uống, hát hò và chúc cho đôi trai gái sống hạnh phúc bên nhau trọn đời.

Sau khi tan tiệc, người Jrai thường trao cho khách những món quà nhỏ mang về. Ảnh: R'Ô HOK

Sau khi tan tiệc, người Jrai thường trao cho khách những món quà nhỏ mang về. Ảnh: R'Ô HOK

Ông Rmah Kling chia sẻ: “Lâu nay, bà con làng xóm luôn giữ mối quan hệ thân thiết, đoàn kết giúp đỡ nhau việc gia đình. Vì vậy, chúng tôi cử hành lễ đính hôn cho con gái vào thời điểm phù hợp để mọi người sắp xếp thời gian đến chung vui”.

Trò chuyện với chúng tôi, nghệ nhân Rơ Châm Tih (làng Jut 1, xã Ia Dêr) cho biết: Từ xưa đến nay, người Jrai xem việc hiếu, hỉ là sự kiện lớn và có ý nghĩa trong đời sống cộng đồng. Tuy nhiên, việc tổ chức cho mình, cho người thân trong gia đình đôi khi có thể tạo ra áp lực tài chính đối với gia chủ.

Bên cạnh đó, để hoàn thành công việc trong một thời gian nhất định đòi hỏi sự chung sức của rất nhiều người. Vì vậy, khi tiến hành tổ chức sự kiện thì anh em, họ hàng thường góp công, góp của nhằm giảm bớt gánh nặng cùng gia đình. Mặt khác, khách đến dự cũng đem theo bì gạo hoặc một gùi lúa cùng phong bì tiền tặng gia chủ. Đây là cách bày tỏ sự quan tâm, đoàn kết trong đời sống cộng đồng.

“Trước đây, ngày hiếu, hỉ của người Jrai thường được làm đơn giản. Ngày nay, cuộc sống đã khấm khá, việc này được tổ chức quy mô với đầy đủ phông rạp, âm thanh dàn nhạc cùng món ăn nhà hàng. Tuy nhiên, việc anh em, họ hàng giúp đỡ nhau trong cuộc sống vẫn được người Jrai trân trọng lưu giữ”-nghệ nhân Rơ Châm Tih cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm

Chuyện người Jrai xã Gào bảo tồn cồng chiêng

Chuyện người Jrai xã Gào bảo tồn cồng chiêng

(GLO)- Nhiều năm qua, nhiều hộ gia đình người Jrai ở xã Gào, TP. Pleiku đã tích cực gìn giữ các bộ cồng chiêng truyền thống của dân tộc mình. Từ việc làm này, đã góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tại địa phương.
Một thời sưu tầm văn nghệ dân gian

Một thời sưu tầm văn nghệ dân gian

(GLO)- Tôi sinh hoạt cùng anh chị em văn nghệ sĩ ở Gia Lai-Kon Tum từ những năm cuối thập niên tám mươi của thế kỷ trước. Khi ấy, phong trào nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian (Folklore) đang rộ lên. Tôi tự cảm thấy đây là lĩnh vực cũng cần tìm hiểu và có trách nhiệm với nơi mình đang sống.
Lễ cúng rụng rốn của người Bahnar

Lễ cúng rụng rốn của người Bahnar

(GLO)- Lễ cúng rụng rốn (Et tuh klok) là nghi lễ đầu tiên trong vòng đời của mỗi người Bahnar. Không chỉ là cúng tạ ơn, mong muốn các thần linh che chở, bảo vệ đứa trẻ khỏe mạnh, mà lễ cúng còn là sự xác nhận đứa bé chính thức trở thành thành viên trong gia đình, dòng tộc và cộng đồng.
Ché quý của người Jrai

Ché quý của người Jrai

(GLO)- Người Jrai ở Krông Pa (tỉnh Gia Lai) còn lưu giữ nhiều loại ché (ghè) rất giá trị. Bước vào một ngôi nhà dài, quan sát vị trí, số lượng các loại ché, chúng ta có thể đánh giá mức độ giàu có của chủ nhân.
Người dành trọn tình yêu với văn hóa Jrai

Người dành trọn tình yêu với văn hóa Jrai

(GLO)- Bằng tình yêu và niềm tự hào về nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình, ông Ak (80 tuổi, làng Chuét 2, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) đã dành trọn cuộc đời để bảo tồn văn hóa cồng chiêng, đan lát và chế tác nhạc cụ dân tộc với mong muốn lưu giữ cho thế hệ mai sau.
Những người “giữ lửa” dân ca Jrai

Những người “giữ lửa” dân ca Jrai

(GLO)- Với người Jrai, hát dân ca là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt. Vì vậy, những người biết hát dân ca luôn quan tâm tới việc bảo tồn, lưu giữ và khơi gợi niềm đam mê cho thế hệ trẻ để góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.