Tục “nối dây” của người Jrai xưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không riêng người Jrai, nhiều dân tộc ít người ở khu vực Trường Sơn-Tây Nguyên, rộng ra cả trên thế giới, những tộc người theo chế độ mẫu hệ cũng có lệ tục này. Theo nhà dân tộc học Jacques Dournes, tục “nối dây” mục đích là nhằm tăng cường các mối liên kết trong dòng họ, bảo tồn gia đình, giảm thiểu rủi ro và sự phân tán tài sản trong bối cảnh xã hội mà cuộc sống con người luôn hướng tới các mối quan hệ liên minh để bảo tồn cuộc sống của mình.

“Nối dây”, tiếng Jrai là “nuei bơnai”, có nghĩa là “sự thay thế”. Khi trong gia đình có một người không may chết vợ hoặc chết chồng thì gia đình và dòng họ phải có trách nhiệm tìm một người thích hợp, có thể là đang góa vợ hoặc góa chồng hoặc chưa vợ, chưa chồng để thế vào vị trí của người đã chết. Điều này người ta xem như là một lẽ tự nhiên.

“Khi cột nhà gãy thì phải thay, sợi dây đứt thì phải nối lại (cũng như) khi một người chết thì phải có một người khác thay, để nòi giống được giữ gìn, nếu không sẽ tan tác gia đình, nòi giống sẽ như dòng suối không có nước”. Bởi lẽ đó, những người “nối dây” đều thực hiện lệ tục một cách tự giác. Trong trường hợp người đàn bà góa không chấp nhận người được “nối dây”, người ta sẽ đập chiếc coong (do người chồng quá cố trao trước đây), sau đó người vợ sẽ chịu phạt khá nặng bằng trâu bò, chiêng, ché cho dòng họ chồng.

Lễ cưới truyền thống của người Jrai được UBND TP. Pleiku phục dựng. Ảnh: Đ.T

Lễ cưới truyền thống của người Jrai được UBND TP. Pleiku phục dựng. Ảnh: Đ.T

Tuy nhiên, nếu trong dòng họ chồng không còn ai để “nối dây” thì bà được hoàn toàn tự do đi tìm người khác. Với người đàn ông, nếu không chấp nhận người “nối dây” do gia đình vợ đưa ra, anh ta sẽ đi khỏi nhà vợ mà không được mang theo bất cứ của cải gì, kể cả những đứa con. Chỉ trong trường hợp gia đình và dòng họ vợ không còn ai để nối dây, người đàn ông góa vợ mới hoàn toàn được tự do.

Tuy được xem là một sự tất yếu để bảo tồn gia đình, dòng giống và của cải, nhưng tục “nối dây” vẫn phải tuân thủ những nguyên tắc không được bước qua, đó là: Nếu vợ chết, người chồng có quyền lấy em gái vợ nhưng không được lấy chị của vợ. Anh ta cũng được quyền lấy vợ em trai nếu em trai chết nhưng không được lấy vợ anh trai của mình. Nếu chồng chết, người vợ có quyền lấy anh trai chồng nhưng không được phép lấy em chồng (tuy nhiên ở một số vùng người ta vẫn cho phép). Ngoài ra, những người chết vợ, chết chồng không được lấy bố, mẹ của vợ/chồng; không được lấy anh, chị em, con rể của bố, mẹ vợ/chồng; con trai, con gái của anh/chị người đã chết. Các ông bà thông gia không được lấy nhau. Tục lệ không quy định thời gian bao lâu cho các cuộc tình “nối dây” nhưng thường là sau 1 năm với điều kiện người quá cố phải được bỏ mả và chia của, nếu không sẽ bị phạt nặng vì “mộ còn chưa sập, nhà mồ ta chưa mọt, mày đã bước qua người ta”.

Trước đây, gần như đến một ngôi làng người Jrai nào, ta cũng gặp những cuộc hôn nhân bởi tục lệ “nối dây”. Có những cuộc hôn nhân chênh lệch tuổi tác rất lớn, có khi tới 20-30 tuổi. Chẳng hạn như ở xã Bình Giáo (huyện Chư Prông), ông Kpă Thu phải “nối dây” với người thím hơn mình 20 tuổi; hay ông Kpă Men được “nối dây” với em gái vợ nhỏ hơn mình 30 tuổi. Chính vì điều này mà lệ tục “nối dây” bị lên án là bóp nghẹt tự do hôn nhân; giết chết tình yêu của bao chàng trai, cô gái trong chiếc lồng tăm tối của luật tục. Thực ra, trong một số trường hợp, những cuộc hôn nhân của lệ tục “nối dây” vẫn đảm bảo sự hạnh phúc và tính nhân văn của nó, đó là khi sự chênh lệch tuổi tác ở một mức độ hợp lý và hai bên tình nguyện đến với nhau.

“Sẩy cha còn chú, sẩy mẹ ấp vú dì”. Vận câu tục ngữ của người Kinh, không ít trường hợp nhờ mối quan hệ họ hàng, ruột thịt mà những đứa trẻ dù cha mẹ qua đời vẫn được chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo; ít khi xảy ra tình cảnh phân biệt đối xử dì ghẻ con chồng hay cha dượng con vợ. Tuy nhiên nhìn chung, những mối tình “nối dây” hạnh phúc vẫn là số ít so với những mối tình bất hạnh. Ngày nay, trong xu thế của cuộc sống đang diễn tiến ngày càng văn minh, hiện đại, những mối tình theo lệ tục “nối dây” xưa càng ngày càng ít đi, đặc biệt là rất hiếm thấy trong lớp trẻ. Điều này cũng là sự tất yếu bởi hôn nhân “nối dây” thực ra là sự phản ánh mối quan hệ kinh tế-xã hội của một thời kỳ lịch sử.

Có thể bạn quan tâm

Xa dần tiếng trống hơ gơr

Xa dần tiếng trống hơ gơr

(GLO)- Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, trống là vật thiêng, có Yàng trống bảo hộ, có giá trị cao nên cất giữ nơi trang trọng và được đem ra dùng trong những dịp lễ hội lớn của buôn làng hoặc gia đình. Ngày nay, các buôn làng ở Tây Nguyên dường như xa dần tiếng trống hơ gơr.

Lan tỏa tình yêu thổ cẩm

Lan tỏa tình yêu thổ cẩm

(GLO)- Diễn ra trong gần 1 tháng, cuộc thi “Nét đẹp trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số qua ảnh” do Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức đã nhận được 33 tác phẩm dự thi. Mỗi bức ảnh là một thông điệp ý nghĩa mà những người mẫu không chuyên muốn truyền tải đến mọi người.

Nhà giáo Tạ Chí Tào tặng hiện vật quý cho Bảo tàng tỉnh

Nhà giáo Tạ Chí Tào tặng hiện vật quý cho Bảo tàng tỉnh Gia Lai

(GLO)- Nhiều lần đến tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh (thuộc Bảo tàng tỉnh Gia Lai), nhà giáo Tạ Chí Tào rất tâm đắc với những hiện vật thể hiện tấm lòng của người dân Tây Nguyên đối với Bác. Vì vậy, ông đã quyết định trao tặng một số hiện vật liên quan đến Bác Hồ mà mình đã sưu tầm cho Bảo tàng tỉnh.

Di sản người Anh hùng trên đất Tây Nguyên

Di sản người Anh hùng trên đất Tây Nguyên

(GLO)- Giữa cái nắng oi ả của tháng 4, chúng tôi từ TP. Pleiku vượt hơn 70 km về thăm làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai), quê hương của Anh hùng Núp. Nơi đây có nhà lưu niệm mang dấu ấn lịch sử-văn hóa độc đáo, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, tìm hiểu.

Di sản Hán Nôm: Khai mở lịch sử văn hóa Gia Lai

Di sản Hán Nôm khai mở lịch sử văn hóa Gia Lai

(GLO)- Có những trầm tích văn hóa nằm im lìm trong những đạo sắc phong cũ kỹ, tờ khế ước ruộng đất phủ bụi thời gian hay văn tế cổ xưa xướng lên nơi đình làng. Tại Gia Lai, kho báu di sản Hán Nôm ấy đang dần được đánh thức, góp phần khai mở lịch sử văn hóa của vùng đất cao nguyên.

Làng Mông trên cao nguyên

Làng người Mông trên cao nguyên

(GLO)- Tính đến thời điểm này, những hộ gia đình người Mông đã sinh sống được 42 năm trên cao nguyên Gia Lai. Vùng đất mà họ chọn là xã Ya Hội, huyện Đak Pơ. Theo thời gian, dấu ấn người Mông ngày càng in đậm trên mảnh đất này.

Tái hiện không gian sinh hoạt cộng đồng của cư dân lúa nước vùng hạ lưu sông Ba

Tái hiện không gian sinh hoạt cộng đồng của cư dân lúa nước vùng hạ lưu sông Ba

(GLO)- Thoát khỏi không gian gò bó trên sân khấu, Ngày hội văn hóa-thể thao các dân tộc thiểu số huyện Krông Pa lần thứ III-2025 được tổ chức dưới những bóng cây cổ thụ trong Công viên Phú Túc đã tái hiện một cách chân thực không gian sinh hoạt cộng đồng của cư dân lúa nước vùng hạ lưu sông Ba.

Sáp nhập đơn vị hành chính gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa

Sáp nhập đơn vị hành chính gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa

(GLO)- Thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị là yêu cầu mang tính sống còn của đất nước trước vận hội phát triển mới. Trong đó, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã để xây dựng mô hình chính quyền 2 cấp đang được dư luận hết sức quan tâm.

Tục thờ thần Bạch Mã ở vùng Tây Sơn Thượng đạo

Tục thờ thần Bạch Mã ở vùng Tây Sơn Thượng đạo

(GLO)- Thần Bạch Mã (hay còn gọi là Thái giám Bạch Mã, Bạch Mã Thái giám) là vị thần có ảnh hưởng lớn trong đời sống tín ngưỡng dân gian ở vùng Tây Sơn Thượng đạo. Hiện nay, một số đình tại thị xã An Khê còn duy trì việc thờ cúng và gìn giữ sắc phong vua ban cho vị thần này.