Pơ thi của người Jrai ở Krông Pa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cả một vùng văn hóa Trường Sơn-Tây Nguyên dài dằng dặc, nghiêng nghiêng dáng núi, xanh miên man rừng đại ngàn. Đó là nơi cư trú của gần 30 tộc người tại chỗ, với những cung bậc văn hóa tương đồng và khác biệt đầy bí ẩn. Một trong những nét văn hóa độc đáo và bí ẩn luôn khiến các nhà khoa học mong muốn được tìm hiểu, đó là phong tục bỏ mả (pơ thi). Với bất cứ tộc người nào ở Tây Nguyên, pơ thi cũng là một ngày hội vui. Mới đây, chúng tôi có dịp tham dự một ngày vui như vậy ở Krông Pa.

Tục bỏ mả và đôi điều về mộ địa

Khá nhiều tộc người ở vùng Trường Sơn-Tây Nguyên có tục sau một thời gian sẽ làm lễ bỏ mả cho người đã khuất. Việc làm lễ pơ thi vào thời điểm nào, 1 tháng hay 2-3 năm, thậm chí quy định phải sau 25 năm như người Vân Kiều, tùy thuộc vào việc gia chủ có điều kiện kinh tế để đãi đằng bà con, dòng họ, bạn bè thân thuộc từ các buôn gần, buôn xa đến tham dự. Sau nữa là những đau đớn về sự mất mát đã vơi đi trong lòng người sống.

Lễ bỏ mả dù là cuộc chia ly vĩnh viễn giữa người sống và người chết, nhưng cũng là sự cởi bỏ những ràng buộc, để một linh hồn đầu thai kiếp khác, một con người bước vào một đời sống mới. Thế nên, bỏ mả là một cuộc tụ họp đông đảo và nhiều niềm vui dành cho sự giải thoát.

Người Jrai ở xã Đất Bằng (huyện Krông Pa) được gọi là nhánh Jrai Chor (nghĩa là gốc) tự hào rằng văn hóa ching chêng của mình là một bộ phận quan trọng làm nên không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Cộng đồng người Jrai trong huyện có 2 hệ thống lễ hội chính: lễ hội vòng đời người (thổi tai, lễ trưởng thành, cầu sức khỏe, lễ tang, bỏ mả) và lễ hội theo nông lịch mùa vụ tính từ khi phát rẫy, trỉa hạt đến khi thu hoạch như: lễ trỉa hạt, cầu mưa, mừng lúa mới. Lễ hội gắn với sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của đời sống cộng đồng vẫn được duy trì thường niên.

Nhà mồ hiện tại của người Jrai. Ảnh: L.N

Nhà mồ hiện tại của người Jrai. Ảnh: L.N

Đối với các tộc người Tây Nguyên, có 2 loại rừng thiêng. Một là rừng đầu nguồn, hai là rừng nơi nghĩa địa. Rừng đầu nguồn không được chặt cây làm nhà hay phát cây làm rẫy, bởi có thể sẽ gây nên động rừng. Rừng tang ma không phải ai cũng tự tiện ra vào. Cây cối trong khu này cũng không ai được chặt phá. Chính vì vậy, khu mộ xưa của các buôn làng thường có rất nhiều chứng nhân cổ thụ rợp bóng, có khi đã vài trăm tuổi và hoa cỏ hoang.

Nghĩa địa của 2 buôn Ma Hing (hiện đã đổi tên thành buôn Ia Rnho) và Ma Giai ở Đất Bằng liền kề, cách buôn chừng hơn 1 km, ở 2 khu đất cằn cỗi toàn sỏi đá, giữa một cánh đồng ven sông lúa đang xanh; được rào dây kẽm gai cẩn thận để xác định ranh giới. Hai khu nghĩa địa đều chung một hình thức: ngoài cỏ và hoa cúc dại mọc hoang vu yên nhiên vươn cao tới ngang thắt lưng người, không một bóng cây xanh.

Các ngôi mộ nằm san sát nhau, chỉ chừa ra vệt đường vừa chân một người đi. Đa số được xây theo hình dạng nhà sàn. Một số mộ trên nóc và xung quanh có tượng, không phải bằng gỗ mà bằng xi măng, hình người đánh trống, tấu ching hay đơn giản chỉ là chiếc nồi đồng, bông hoa, hoa văn trang trí trên những cây cột…

Trên các ngôi mộ đều thấy treo hàng hàng những hàm răng bò, răng heo, cái đã bạc màu, cái còn nguyên huyết đỏ, minh chứng cho việc đã có bao nhiêu bò và heo được hiến sinh trong một lễ pơ thi của người đã khuất.

“Tôi về say một pơ thi”

Ông Rlan Uan mất ngày 20-6-2023, hưởng thọ 86 tuổi. Ông là một trong những già làng có uy tín nên cậu cháu rể Kpă Huy quyết định ngay hôm tang lễ, xin phép dòng họ 1 tháng sau làm lễ pơ thi cho ông. Việc chuẩn bị đầy đủ vật chất cho lễ, thông báo cho bà con dòng họ gấp rút được thực hiện ngay sau tang lễ, từ trước đó cả tháng. Rượu ghè ủ đã thơm. Lúa đã xay xát chất đầy trên sàn. Củi cũng xếp chật gầm nhà. Việc xây mộ cho ông vừa hoàn tất. Cả những bức tượng trên nóc mộ cũng quét những lớp sơn cuối cùng.

Đêm trước ngày thứ nhất, người trong gia đình mang theo 1 con gà nhép và các lễ vật tập trung ra mộ ông, chia sẻ tình cảm (khóc thương) với người đã khuất. Đàn ông dựng rạp, kéo điện, xe công nông chạy rầm rập hết chuyến này đến chuyến khác chuyên chở gạo, củi, nước. Phụ nữ chia nhau nổi lửa nấu ăn, trải chiếu, mắc võng khắp xung quanh ngôi mộ. Gia đình Kpă Huy chủ lễ, dắt tới 2 con bò và 1 con heo.

Được sự đồng ý và hướng dẫn cụ thể của người già trong dòng họ, vì không có tre để dựng nêu và gỗ tạc tượng mồ nên Kpă Huy làm 1 chiếc phù điêu chạm khắc, vẽ hoa văn tỉ mỉ, đồng thời làm thêm 1 chiếc hộp gỗ để đựng cơm cúng, cột 2 ghè rượu trước mộ ông. Khi con gà (tượng trưng cho linh hồn) đã thả lên nóc mộ, lễ vật của con cháu, những ghè rượu, những chai rượu gạo, các lố nước ngọt, rất nhiều bánh kẹo trái cây… được đặt xung quanh ngôi mộ xây màu trắng.

Thầy cúng Nay Lát có mặt theo dõi mọi việc, sao cho đúng chỗ, đúng phong tục. Mọi việc chuẩn bị hoàn tất và khi bóng đêm trùm xuống, cũng là lúc dàn ching chêng của 2 buôn Ma Hing và Ma Giai bắt đầu lần lượt thay nhau nổi lên.

Khi chúng tôi ra tới nơi, nghĩa địa đã rất đông người. Đám đàn ông lớn tuổi tụ tập bên 2 ghè rượu trước mộ ông Rlan Uan. Phụ nữ quây quần trên những tấm chiếu trải quanh ngôi mộ cắn hạt dưa. Đây đó là những ghè rượu. Đám thanh niên vây quanh 2 dàn ching chêng. Sau mấy bài ching chững chạc của buôn Ma Hing chủ nhà, vòng xoang theo nhịp ching rộn ràng của buôn Ma Giai cũng khởi bước. Dẫn đầu, không vào đội hình, nhảy múa với những động tác rất hồn nhiên mà không kém phần uyển chuyển, là hai bà mẹ già, không biết đã uống từ lúc nào mà bước chân ngả nghiêng. Cả nhóm chúng tôi móc ngón tay út vào nhau nối tiếp vòng xoang hòa mình vào không khí của lễ hội buôn làng... Đêm cứ thế trôi vào sâu.

Sáng sớm, ngày thứ 2, lễ chính. Mặt trời mới lấp ló. Nắng nhẹ. Tiếng ching chêng của buôn Ma Hing nổi lên lần thứ nhất, nhằm “báo tin pơ thi”. Ăn sáng, uống cà phê từ lúc mặt trời chưa lên tới đỉnh núi, cả nhà thay trang phục truyền thống cùng nhau ra nghĩa địa. Từ khắp các nẻo đường, đi bộ, đi xe máy, chở bằng xe cày… bà con trong dòng họ đã dắt bò, chở heo tới đóng góp.

Thầy cúng Nay Lát kiểm lại những lễ vật đặt trước mộ: 1 tô thịt bằm, 1 tô cơm trắng, 1 hộp đựng bánh, chuối, 1 tô rượu cần hút ra từ chiếc ché lớn cột trước mộ, thay những ché từ tối hôm qua và chiếc hộp gỗ sẽ đựng cơm thịt. Một hồi “ching xin cơm” được tấu lên, báo tin cho các thần linh và bà con, thầy cúng đã chuẩn bị xong, lễ chính thức bắt đầu. Ching dứt, thầy cúng nắm 2 bàn tay lại khấn khứa. Những câu nói vần da diết ngân nga theo gió bay. Bầu trời bỗng dưng dịu lại, cái nắng không còn thiêu đốt khu mộ địa vắng bóng mát cây xanh.

Thầy cúng khấn xong, lần lượt từng người trong dòng họ đến ngồi bốc cơm, thịt, rót rượu hoặc nước ngọt bỏ vào hộp gỗ mời ông bữa ăn cuối cùng. Hết người của dòng họ thì thả gà, trồng 2 cây chuối, 2 gốc mía ở 4 góc mộ. Vậy là xong phần lễ. Mặt trời vừa treo trên đỉnh đầu.

Các bếp lửa cũng đã xong phần việc của mình. Bữa cơm cộng cảm bây giờ mới chính thức bắt đầu. Cơm trắng, xôi nếp, thịt nướng, thịt luộc, canh… được chia đều về mọi chiếu nghỉ. Rì rầm, rì rầm. Không ồn ào, tôn trọng cuộc chia tay với linh hồn người quá cố. Sau bữa ăn, ai ở lại đến chiều, đến tối lại tấu ching, xoang, uống rượu ghè thâu đêm.

Đôi điều suy ngẫm

Với bất cứ tộc người nào ở Tây Nguyên, pơ thi đều là một ngày hội vui. Việc chia tay vĩnh viễn với linh hồn người đã khuất, để rồi lại được tái sinh một kiếp khác, không khiến ai phải buồn. Tập tục theo vòng đời mang đầy tính nhân văn của tộc người vẫn còn được duy trì. Nhưng theo thời gian, theo sự biến thiên của lịch sử và xã hội, có những điều của truyền thống đã đổi thay.

Mời người đã khuất bữa ăn cuối cùng. Ảnh: Linh Nga

Mời người đã khuất bữa ăn cuối cùng. Ảnh: Linh Nga

Về văn hóa vật thể, pơ thi tuy vẫn được coi là một lễ hội lớn, nhưng theo quy ước, chỉ được tổ chức trong 2 ngày. Tục chôn chung nhiều người trong một dòng họ hiện không còn. Nghĩa trang được chính quyền quy hoạch tại một khoảng đất nào đó ngoài cánh đồng, xa khu dân cư.

Tục tạc tượng mồ trong lễ bỏ mả dần biến mất cả số lượng và hình tượng. Thay vào đó, chỉ còn 2-3 bức tượng đắp nổi trên nóc mộ. Rất ít tượng hình người, chủ yếu là hình chim thú. Do không còn được ăn trâu nên dòng họ, bà con buôn gần xa chỉ đóng góp bò và heo.

Về văn hóa phi vật thể, pơ thi vẫn là một trong những lễ hội vòng đời tụ hội nhiều nhất những phong tục, tập quán truyền thống của người Tây Nguyên, đặc biệt là ở người Jrai, Bahnar. Tính cố kết cộng đồng giữa bà con dòng họ và buôn làng không thay đổi. Chỉ cần gia đình gửi thông báo, nghe tiếng ching chêng nổi lên là buôn xa, làng gần kéo đến. Pơ thi vẫn luôn là môi trường diễn xướng ching chêng, xoang, hát dân ca… của cộng đồng. Nhưng không có “bóng dáng” của các nhạc cụ dân gian, nhất là nhạc cụ tre nứa.

Văn hóa truyền thống, đặc biệt đối với các dân tộc thiểu số là biểu trưng cho văn hóa mỗi tộc người. Theo thời gian, sự thay đổi của tín ngưỡng và tôn giáo, phương thức sản xuất, sự hội nhập của đời sống xã hội các vùng miền, các trào lưu văn hóa tràn đến thông qua mọi phương tiện truyền thông, nghe nhìn, dẫn đến sự tiếp biến, đổi thay không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên, ở những làng đồng bào dân tộc thiểu số vùng xa, bà con vẫn gìn giữ được những phong tục tập quán đậm chất văn hóa truyền thống, là điều vô cùng trân quý. Việc điều chỉnh, góp ý để tô đậm những nét đẹp, giảm thiểu những tập quán còn mang tính hủ tục là việc chính quyền, ngành văn hóa cần làm, thậm chí là mời các chuyên gia tập huấn, để hướng dẫn bà con.

Mong cho tiếng ching chêng vẫn ngân lên từ mọi buôn làng. Những vòng xoang cứ tiếp nối, để cho đời sống văn hóa Tây Nguyên vẫn giữ được vẻ đẹp truyền thống từ ngàn đời. Và, “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại” vẫn mãi song hành cùng Tây Nguyên.

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.