(GLO)- Ban Bí thư vừa có Chỉ thị số 12-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân (ĐNND) trong tình hình mới.
Theo đó, quán triệt quan điểm của Đảng về công tác đối ngoại trong tình hình mới; nâng cao hiệu quả công tác ĐNND, góp phần xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với 3 trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và ĐNND, Ban Bí thư yêu cầu cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội và tổ chức nhân dân tập trung quán triệt, tạo chuyển biến nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác ĐNND. Công tác ĐNND là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của từng cán bộ, đảng viên và người dân. Nâng cao hiệu quả công tác ĐNND là góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phục vụ thiết thực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phạm Thị Lan (đứng giữa) tặng quà Tết cho Việt kiều nghèo ở tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia). Ảnh: Lê Đại |
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, toàn diện của Đảng, sự quản lý tập trung, hiệu quả của Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa 3 trụ cột đối ngoại và giữa các tổ chức nhân dân với vai trò nòng cốt của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ trong hoạt động đối ngoại. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, không ngừng nâng cao hiệu quả của ĐNND theo phương châm “Chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”.
Chủ động xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển quan hệ đối tác ĐNND, đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả trong các lĩnh vực. Xây dựng nền tảng xã hội tích cực, thuận lợi, tăng cường củng cố quan hệ hữu nghị, nâng cao hiệu quả hợp tác với nhân dân các nước, trước hết là các nước láng giềng, bạn bè truyền thống, các nước lớn và các đối tác quan trọng thông qua các hoạt động giao lưu nhân dân, hợp tác phi chính phủ nước ngoài, hợp tác phát triển, kết nối kinh tế-thương mại, xúc tiến du lịch, đầu tư, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, hợp tác về văn hóa-giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển xanh, phát triển bền vững, hỗ trợ nhân đạo, khắc phục hậu quả chiến tranh... Không ngừng đổi mới hình thức, nội dung hợp tác, mở rộng quan hệ với các tổ chức, cá nhân nước ngoài có thiện chí với Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả quan hệ song phương với các nước.
Nâng tầm đối ngoại đa phương thông qua sự tham gia tích cực, hiệu quả của các tổ chức nhân dân trong các cơ chế, khuôn khổ hợp tác đa phương quốc tế và khu vực quan trọng; đóng góp có trách nhiệm, phù hợp với yêu cầu, khả năng và điều kiện cụ thể trong hoạt động hợp tác, phong trào chung của nhân dân tiến bộ trên thế giới, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác phát triển và tiến bộ xã hội. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác vận động, đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc trong các hoạt động ĐNND, đặc biệt tại các cơ chế đa phương quốc tế và khu vực, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp, thông lệ quốc tế với phương châm vừa hợp tác vừa đấu tranh, góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Chủ động đấu tranh với các hoạt động chống phá Việt Nam, đặc biệt là trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo... Tích cực vận động, đa dạng hóa và quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực quốc tế phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia, vì lợi ích quốc gia-dân tộc.
Làm tốt công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là thế hệ trẻ, phát huy tinh thần yêu nước, nguồn lực to lớn của đồng bào ta ở nước ngoài phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; gắn kết phong trào, hoạt động của hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài với phong trào, hoạt động của các tổ chức nhân dân ở trong nước; phát huy vai trò cầu nối của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước.
Nâng cao hiệu quả công tác thông tin ĐNND, trên cơ sở chủ động, tích cực tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của bạn bè, đối tác quốc tế đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước...
Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu về ĐNND. Hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các lực lượng làm công tác đối ngoại giữa 3 trụ cột đối ngoại, giữa Trung ương và địa phương nhằm thống nhất về quan điểm, chủ trương, biện pháp và hoạt động đối ngoại cụ thể.
Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi hiệu quả hệ thống pháp luật về công tác ĐNND trong tình hình mới. Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp thẩm quyền theo hướng cụ thể, hiệu quả; có cơ chế bảo đảm điều kiện thuận lợi để ĐNND phát huy những lợi thế đặc thù trong công tác đối ngoại. Quan tâm đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy, biên chế làm công tác ĐNND từ trung ương đến địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu quả; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác ĐNND thông qua tuyển dụng, đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng năng lực cán bộ, hội viên bảo đảm vững vàng về bản lĩnh chính trị, kiến thức, nghiệp vụ và ngoại ngữ.
HÀ SỰ