Mùa ớt "ngọt" ở Đông Trường Sơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những tháng gần đây, người dân khu vực phía Đông tỉnh Gia Lai rất phấn khởi khi giá ớt liên tục tăng và duy trì ở mức cao, đem lại nguồn thu nhập đáng kể.

Lãi lớn nhờ giá tăng cao

Khu vực phía Đông tỉnh có khoảng 2.500 ha ớt. Trong đó, huyện Đak Pơ có 558 ha, Kông Chro có khoảng 1.444 ha, Kbang khoảng 273 ha và thị xã An Khê hơn 200 ha. Những tháng gần đây, giá ớt trên thị trường liên tục tăng cao đã đem lại thu nhập đáng kể cho nhiều hộ dân.

Đang tưới nước cho 4 sào ớt, ông Nguyễn Văn Luyện (thôn 5, xã An Thành, huyện Đak Pơ) phấn khởi cho hay: “Năm trước, gia đình tôi lỗ hơn 28 triệu đồng do giá ớt giảm sâu, chỉ 7-8 ngàn đồng/kg. Còn năm nay, giá ớt tăng liên tục và ổn định ở mức 40-50 ngàn đồng/kg, thậm chí có lúc lên đến 90 ngàn đồng/kg. Vì vậy, dù mới chỉ thu hoạch 6 đợt nhưng gia đình tôi đã lãi hơn 100 triệu đồng”.

 Ông Nguyễn Văn Luyện (thôn 5, xã An Thành, huyện Đak Pơ) thu hoạch ớt. Ảnh: Nguyễn Diệp
Ông Nguyễn Văn Luyện (thôn 5, xã An Thành, huyện Đak Pơ) thu hoạch ớt. Ảnh: Nguyễn Diệp


Tương tự, bà Lê Thị Hoa (thôn 5, xã Hà Tam, huyện Đak Pơ) cho biết: “Gia đình vừa mới trồng lại 2 sào ớt để chuẩn bị bán sau Tết. Trước đó, với diện tích này, tôi lãi gần 80 triệu đồng nhờ giá ớt tăng cao. Hy vọng giá ớt sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong vụ tới”.

Tại huyện Kông Chro, nhiều nông dân cũng “trúng đậm” khi giá ớt tăng cao. Ông Phan Thanh Sơn (tổ dân phố Plei Ktỏh, thị trấn Kông Chro) cho biết: “Hơn 1 ha ớt cho gần 6 tấn quả, bán với giá dao động 40-50 ngàn đồng/kg, có thời điểm lên đến 80-90 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí đầu tư, tôi lãi trên 300 triệu đồng”.

Theo tính toán, chi phí đầu tư cho 1 ha ớt khoảng 100 triệu đồng. Cây ớt trồng khoảng 3 tháng thì bắt đầu thu hoạch. Nếu đầu tư tốt, cây ớt có thể cho thu hoạch kéo dài nhiều tháng. Với mức giá 90 ngàn đồng/kg như hiện nay, người trồng ớt có lãi khoảng 70-80 triệu đồng/sào/vụ.

Cẩn trọng khi mở rộng diện tích

Giá ớt tươi được thu mua ở mức cao giúp nhiều hộ có nguồn thu nhập ổn định. Dù vậy, hiện nay, thị trường tiêu thụ ớt vẫn còn bấp bênh. Ảnh: Nguyễn Diệp
Giá ớt tươi được thu mua ở mức cao giúp nhiều hộ có nguồn thu nhập ổn định. Ảnh: Nguyễn Diệp


Theo nhìn nhận của cơ quan chuyên môn, giá ớt tăng cao trong những tháng vừa qua là do các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng mưa bão, diện tích ớt bị hư hại nhiều. Bên cạnh đó, việc trồng ớt trong mùa mưa khó hơn mùa khô nên diện tích giảm, kéo theo nguồn cung cũng giảm, đẩy giá ớt tăng cao.

Chính vì giá ớt liên tục tăng và giữ ở mức ổn định nên nhiều hộ dân khu vực phía Đông tỉnh có xu hướng mở rộng diện tích loại cây này trong vụ Đông Xuân 2020-2021. Ông Nguyễn Văn Luyện cho hay: “Ngoài 4 sào ớt đang thu hoạch, tôi trồng thêm 6 sào nữa. Dự kiến cuối tháng Giêng sẽ thu hoạch. Hy vọng thời điểm đó, giá ớt vẫn duy trì ở mức cao”.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Hiệp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ-cho biết: “Từ nhiều tháng nay, giá ớt tươi được thu mua ở mức cao giúp nhiều hộ có nguồn thu nhập ổn định. Dù vậy, hiện nay, thị trường tiêu thụ ớt vẫn còn bấp bênh. Giá ớt tăng trong thời gian qua là do các tỉnh miền Trung bị mưa bão nên nông dân chưa trồng lại kịp, còn lại mặt hàng này chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo người dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích. Những vụ trước, giá ớt giảm sâu, không bán được khiến nhiều hộ lao đao”.

Còn ông Võ Văn Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kông Chro cũng khuyến cáo: Để tránh tình trạng “được mùa, mất giá” như những năm trước, chúng tôi đề nghị người dân không nên mở rộng diện tích ồ ạt khiến nguồn cung vượt cầu dẫn đến giá giảm thấp, gây thiệt hại về kinh tế.

 

NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm

Năng suất và giá lúa trà sớm giảm, nông dân kém vui

Năng suất và giá lúa trà sớm giảm, nông dân kém vui

(GLO)- Hiện nay, một số vùng trọng điểm lúa nước của tỉnh Gia Lai đang thu hoạch lúa trà sớm vụ Đông Xuân 2024-2025. Tuy nhiên, một số vùng bị ảnh hưởng của thời tiết nên bước vào thu hoạch năng suất giảm. Hơn nữa, giá lúa Đông Xuân cũng giảm, nông dân thu lợi nhuận không cao so với năm trước.

Các thương hiệu cà phê của Gia Lai được trưng bày, giới thiệu tại nhiều điểm bán hàng OCOP. Ảnh: V.T

Xây dựng thương hiệu: Đòn bẩy để nông sản vươn xa

(GLO)- Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm là một bước quan trọng trong phát triển bền vững và là đòn bẩy để nông sản vươn xa. Sự thành công trong xây dựng thương hiệu không chỉ giúp tăng giá trị cho sản phẩm mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp trong tương lai.

Người dân xã Nam Yang (huyện Đak Đoa) thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Vũ Thảo

Niên vụ hồ tiêu 2024-2025: Niềm vui chưa trọn

(GLO)- Thời điểm này, bà con nông dân trong tỉnh Gia Lai đang khẩn trương thu hoạch hồ tiêu niên vụ 2024-2025. Dù giá hồ tiêu đang ở mức cao nhưng do ảnh hưởng bởi thời tiết, nhất là giai đoạn cây ra hoa gặp không khí lạnh kéo dài dẫn đến năng suất giảm 20-30% so với vụ trước.