Mô hình "bệnh viện tách đôi": Thích ứng an toàn trong tình hình mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những ngày gần đây, số ca mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm khoảng 200-300 ca mỗi ngày. Cùng với đó, tỷ lệ bao phủ vắc xin đạt mức cao nên 2 bệnh viện dã chiến đã được giải thể và các bệnh viện điều trị Covid-19 chuyển đổi chức năng thành mô hình “bệnh viện tách đôi” để đáp ứng nhu cầu khám-chữa bệnh của người dân.
Sau Bệnh viện dã chiến số 2 (xã Trà Đa, TP. Pleiku), mới đây, Bệnh viện dã chiến số 3 (phường Ia Kring, TP. Pleiku) cũng đã được giải thể. Bệnh nhân nhiễm Covid-19 nhỏ nhất (gần 24 tháng tuổi) và cũng là bệnh nhân cuối cùng được các y-bác sĩ của bệnh viện này chuyển đến Bệnh viện 331 để tiếp tục theo dõi, cách ly điều trị. Bác sĩ Huỳnh Văn Phước-nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 3-cho biết: “Mặc dù dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát nhưng chúng ta không chủ quan mà vẫn tiếp tục theo dõi sát tình hình. Nếu dịch bùng phát trở lại thì tập thể cán bộ, nhân viên y tế sẵn sàng làm nhiệm vụ chống dịch”.
Ngoài giải thể 2 bệnh viện dã chiến, 10 bệnh viện điều trị Covid-19 trên địa bàn tỉnh cũng lần lượt chuyển đổi chức năng. Theo đó, các bệnh viện thực hiện mô hình “bệnh viện tách đôi” vừa điều trị bệnh nhân Covid-19, vừa đáp ứng nhu cầu khám-chữa bệnh thông thường cho người dân. Bác sĩ Vũ Trọng Dũng-Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện 331-cho hay: Ngày 3-8-2021, Bệnh viện 331 được chuyển đổi thành Bệnh viện điều trị Covid-19 cơ sở 3 với chức năng điều trị các bệnh nhân Covid-19 hệ ngoại sản và bệnh nhân có bệnh lý nền. Qua hơn 8 tháng hoạt động, đơn vị đã thu dung và điều trị cho gần 1.900 bệnh nhân Covid-19. Đơn vị cũng đã phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh phẫu thuật thành công cho gần 600 ca là các bệnh nhân Covid-19, trong đó hơn 300 sản phụ. Trong quá trình hoạt động, đơn vị đảm bảo an toàn, không để xảy ra lây nhiễm chéo. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã kêu gọi các Mạnh Thường Quân cung cấp hàng ngàn suất ăn miễn phí hỗ trợ bệnh nhân Covid-19 điều trị tại đây.
Nhân viên y tế làm thủ tục cho người dân đến khám-chữa bệnh tại Bệnh viện 331. Ảnh: Như Nguyện
Nhân viên y tế làm thủ tục cho người dân đến khám-chữa bệnh tại Bệnh viện 331. Ảnh: Như Nguyện
Cũng theo bác sĩ Vũ Trọng Dũng, sau khi có quyết định giải thể Bệnh viện điều trị Covid-19 cơ sở 3, Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh giao cho đơn vị điều trị bệnh nhân Covid-19 với 60 giường và 60 giường đối với các bệnh khác. “Khi có quyết định của Ban Chỉ đạo tỉnh, đơn vị đã sắp xếp lại khoa phòng, khử khuẩn, phân công nhiệm vụ cho từng cá nhân và chính thức đón tiếp bệnh nhân trở lại vào ngày 14-4”-bác sĩ Dũng thông tin.
Bà Nguyễn Thị Hồng (thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) bày tỏ: “Thời gian trước, Bệnh viện 331 chỉ thu dung, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nên tôi phải đi nơi khác khám bệnh, vừa xa vừa bất tiện. Nay Bệnh viện hoạt động trở lại, tôi rất mừng vì đi khám thuận tiện, gần nhà”. 
Tuy nhiên, bác sĩ Vũ Trọng Dũng tỏ ra băn khoăn: “Lúc này, bệnh nhân thăm khám, điều trị còn thưa thớt dẫn đến nguồn thu giảm, trong khi Bệnh viện 331 là 1 trong 3 đơn vị đầu tiên của tỉnh thực hiện tự chủ chi thường xuyên. Do vậy, không bảo đảm được quỹ lương cho cán bộ, công nhân viên chức. Ngoài ra, chế độ trực phòng-chống Covid-19 thời gian qua cũng chưa có văn bản hướng dẫn để chi trả cho nhân viên y tế làm nhiệm vụ. Chúng tôi mong cơ quan có thẩm quyền quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn để sớm chi trả cho người được hưởng”.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện 331. Ảnh: Như Nguyện
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện 331. Ảnh: Như Nguyện
Bệnh viện Y dược cổ truyền-Phục hồi chức năng tỉnh cũng đã trở lại hoạt động bình thường vào ngày 18-4 sau thời gian được trưng dụng làm Bệnh viện điều trị Covid-19 cơ sở 2. Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng-Giám đốc Bệnh viện-cho biết: “Sau khi có quyết định kết thúc chức năng, nhiệm vụ điều trị bệnh nhân Covid-19, chúng tôi đã sắp xếp, vệ sinh khử khuẩn, chủ động phương án để sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân đến khám-chữa bệnh theo quy định”.  
Theo bác sĩ Đinh Hà Nam-Phó Giám đốc Sở Y tế, hiện nay, chúng ta chuyển từ mục tiêu “kiểm soát số ca mắc” sang “kiểm soát số ca nhập viện có nguy cơ cao, rất cao và tử vong” và căn cứ tình hình dịch bệnh Covid-19 để chuyển biện pháp phòng-chống dịch từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B. Sẵn sàng phương án, kịch bản cho mọi tình huống kể cả khi dịch bùng phát mạnh trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế và tình huống có biến chủng mới nguy hiểm hơn. Cùng với đó, ngành Y tế chủ động triển khai phương án tổ chức cơ sở khám-chữa bệnh theo mô hình “bệnh viện tách đôi” vừa điều trị bệnh nhân thông thường, vừa điều trị Covid-19. Bảo đảm tổ chức phân luồng, sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm đến cơ sở khám-chữa bệnh để phát hiện, quản lý chặt chẽ, tránh lây nhiễm chéo và thiết lập Bệnh viện điều trị hậu Covid-19.
NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.