Miễn thuế đất nông nghiệp tạo động lực thực hiện chính sách "tam nông"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Sáng 21-10, tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Tờ trình dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

Tờ trình dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp của Chính phủ nêu rõ theo Nghị quyết số 55/2010/QH12 thì hầu hết các đối tượng sử dụng đất nông nghiệp đều được miễn hoặc giảm 50% số thuế phải nộp. Do đó, chỉ còn một số ít đối tượng phải nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp.

 

Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Đức Sáu phát biểu tại tổ.
Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Đức Sáu phát biểu tại tổ.

Hiện tổng diện tích đất nông nghiệp cả nước (tính đến 1-1-2014) là 26.822.953 ha, trong đó diện tích đất chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp theo quy định của Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp là 10.233.632 ha, chiếm 38% tổng diện tích đất nông nghiệp cả nước. Tổng diện tích đất nông nghiệp được miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp theo Nghị quyết số 55/2010/QH12 là 6.936.324 ha, chiếm 68% tổng diện tích đất chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp tổng diện tích đất nông nghiệp còn phải nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp là 98.918 ha, chiếm 0,97% tổng diện tích đất chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp (trong đó: hộ gia đình, cá nhân là 67.333 ha; đơn vị vũ trang nhân dân là 1.901 ha; tổ chức là 29.684 ha).

Tổng số đối tượng được miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp theo Nghị quyết số 55/2010/QH12 là 12.573.747 người nộp thuế. Tổng số đối tượng còn phải nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp là 77.354 người nộp thuế.

Tổng số thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn, giảm theo Nghị quyết số 55/2010/QH12 là 6.993 tỷ đồng. Tổng số thu thuế sử dụng đất nông nghiệp còn lại là 61,1 tỷ đồng (trong đó: hộ gia đình, cá nhân là 34,3 tỷ đồng; đơn vị vũ trang nhân dân là 1,9 tỷ đồng; tổ chức khác là 24,9 tỷ đồng).

Việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp là hình thức hỗ trợ trực tiếp tới người nông dân. Số thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn, giảm đã trực tiếp hỗ trợ người nông dân có thêm vốn để tái đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm có năng suất và chất lượng cao hơn, qua đó giúp người nông dân cải thiện cuộc sống, giảm bớt khó khăn, gắn bó với hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Dự thảo Nghị quyết đề xuất chỉ còn một số ít đối tượng phải nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp, gồm: Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức đất nông nghiệp: phải nộp 50% số thuế ghi thu đối với diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức giao đất nông nghiệp và phải nộp 100% số thuế ghi thu đối với diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp. Tổ chức (trừ đơn vị vũ trang nhân dân) sử dụng đất nông nghiệp: phải nộp 50% số thuế ghi thu hàng năm trong trường hợp trực tiếp sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao để sản xuất nông nghiệp; phải nộp 100% số thuế sử dụng đất nông nghiệp trong trường hợp không trực tiếp sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao để sản xuất nông nghiệp. Đơn vị vũ trang nhân dân được Nhà nước giao quản lý, sử dụng đất nông nghiệp: phải nộp 50% số thuế ghi thu hàng năm đối với diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao.

Để khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Chính phủ đề nghị bổ sung miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết ngày 31-12-2020 như sau: Đối với diện tích đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân: đề nghị bổ sung miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức, mà không phân biệt phần diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức giao đất nông nghiệp hay phần diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Đối với diện tích đất nông nghiệp mà tổ chức đang trực tiếp sử dụng để sản xuất nông nghiệp: đề nghị bổ sung miễn thuế đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp.

Đối với diện tích đất nông nghiệp mà tổ chức không trực tiếp sử dụng để sản xuất nông nghiệp, theo Luật đất đai năm 2003 và Luật đất đai năm 2013 thì trường hợp này thuộc diện phải thu hồi đất, tuy nhiên trong thời gian chưa bị thu hồi đất vẫn phải nộp 100% thuế sử dụng đất nông nghiệp theo Nghị quyết số 55/2010/QH12 (Trước đây khi trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 55/2010/QH12, Chính phủ đã đề nghị giảm 50% số thuế đối với trường hợp này, nhưng do đây là trường hợp vi phạm pháp luật đất đai về việc sử dụng đất, nên Quốc hội đã không đồng ý và quyết định thu 100% thuế sử dụng đất nông nghiệp). Do đó, đề nghị tiếp tục thu 100% số thuế sử dụng đất nông nghiệp theo quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 đối với trường hợp này.

Đối với đất được Nhà nước giao cho đơn vị vũ trang nhân dân quản lý, sử dụng, theo Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành thì không thu thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với trường hợp được Nhà nước cho thuê đất.

Với việc bổ sung miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp theo đề xuất như trên, số thu thuế sử dụng đất nông nghiệp ước tính còn khoảng 5,7 tỷ đồng. Tổng số thuế sử dụng đất nông nghiệp dự kiến được miễn là khoảng 53,5 tỷ đồng, diện tích đất nông nghiệp dự kiến được miễn là 93.917 ha, tổng số đối tượng dự kiến được miễn là 77.136 người nộp thuế.

Như vậy, với việc bổ sung miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp như trên, mức tác động giảm thu ngân sách nhà nước là không lớn nhưng đây lại là giải pháp để góp phần khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong sản xuất nông nghiệp, từ đó giúp người nông dân cải thiện đời sống, có thêm vốn tái đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp; đồng thời góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo định hướng của Đảng và Nhà nước, nhất là trong việc thúc đẩy sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiệu quả, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nông sản Việt Nam trên thị trường.

Tạo động lực mạnh mẽ thực hiện chính sách "tam nông"

Thẩm tra nội dung này, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính-Ngân sách nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và cho rằng việc miễn toàn bộ số thuế phải nộp cho các hộ gia đình, cá nhân, kể cả phần vượt hạn mức nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sẽ tạo sự đồng thuận trong nhân dân, tạo động lực mạnh mẽ để thực hiện chính sách “tam nông” của Đảng và Nhà nước.

 

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Lê Thị Thu Hồng phát biểu tại tổ.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Lê Thị Thu Hồng phát biểu tại tổ.

Mặt khác, số thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn của hộ gia đình, cá nhân chỉ khoảng 34,3 tỷ đồng/năm là không lớn và có tác động không đáng kể tới thu ngân sách nhà nước.

Đối với đề nghị miễn toàn bộ thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết số 55/2010/QH12 (“Giảm 50% số thuế sử dụng đất nông nghiệp ghi thu hàng năm đối với diện tích đất nông nghiệp mà Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị khác đang trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp”), Ủy ban Tài chính-Ngân sách cho rằng để khuyến khích các thành phần kinh tế trong xã hội đầu tư vào sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp thì cần có chính sách ưu đãi mạnh hơn, trong đó việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp sẽ góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của ngành nông nghiệp trong nước trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ trong giai đoạn tới.

Do đó, Ủy ban nhất trí với Tờ trình của Chính phủ, miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho tổ chức đang trực tiếp sử dụng để sản xuất nông nghiệp.

Nhất trí với đề nghị tiếp tục thu 100% số thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với các đối tượng sử dụng đất nông nghiệp đã được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết số 55/2010/QH12 ("Đối với diện tích đất nông nghiệp mà Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị khác đang quản lý nhưng không trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp mà giao cho tổ chức, cá nhân khác nhận thầu theo hợp đồng để sản xuất nông nghiệp thì thực hiện thu hồi đất theo quy định của Luật đất đai; trong thời gian Nhà nước chưa thu hồi đất thì phải nộp 100% thuế sử dụng đất nông nghiệp”), Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm quy định của Luật đất đai, xây dựng lộ trình và quy định mốc thời gian giải quyết dứt điểm tình trạng sử dụng đất sai mục đích, để hoang hóa đất nông nghiệp. Đồng thời, rà soát và thu hồi toàn bộ diện tích đất nông nghiệp mà Nhà nước đang giao cho tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị khác quản lý nhưng không trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp mà giao lại cho tổ chức, cá nhân khác.

Ủy ban Tài chính-Ngân sách cơ bản đồng tình với đề nghị của Chính phủ về thời hạn miễn thuế cho các đối tượng được bổ sung đến hết ngày 31/12/2020. Việc bổ sung đối tượng được miễn thuế đất nông nghiệp trong 4 năm tới sẽ tạo căn cứ pháp lý ổn định, thể hiện chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá việc thực hiện chính sách về thuế sử dụng đất nông nghiệp sau khi kết thúc thời hạn miễn, giảm thuế để nghiên cứu, sửa đổi phù hợp và ban hành chính sách chung về thuế đối với đất đai (đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp), đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Ảnh Hà Duy

Chủ đầu tư phải lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án, cụ thể từng tháng

(GLO)- Đó là một trong những yêu cầu tại Công văn số 2671/UBND-KTTH do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành nhằm đề nghị các sở, ban, ngành; các địa phương; các chủ đầu tư triển khai các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.