Mất điện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tây Nguyên đã vào giữa mùa khô. Buổi sáng và tối còn thấy chút hơi gió mát mẻ, nhưng những buổi trưa thì oi ả như giữa mùa hè, tán cây đã rợp tiếng ve ngân. Chạy ngoài đường thì không nói làm gì, hễ cứ bước chân vào nhà là ai cũng bật quạt vù vù để lấy chút hơi mát. Vậy mà hôm ấy cúp điện. Cả nhà nóng quá, cố dỗ giấc trưa cho đám trẻ ngủ lại càng không được. Không có quạt, đám trẻ trăn trở mãi với cái đầu tóc bết mồ hôi. Tay cầm quyển báo phẩy phành phạch mà vẫn không thể xua đi cái nóng, đành ngồi dậy dắt con ra ngoài.
Ra hiên, đã thấy cả nhà tập trung hóng gió. Xung quanh nhà ngoại trồng nhiều cây, lại có ao nhỏ nên không khí mát mẻ hơn. Đám trẻ con thiếu ngủ ngấm nắng có vẻ uể oải, chả buồn vận động, cứ ngồi gật gù. Ấm nước chè xanh cũng không xua đi được cái nóng của ngày, đám nhỏ cứ lau nhau hỏi bà mấy giờ có điện. Bà cũng ngẩn người, bảo tầm ba giờ có, mà giờ vẫn chả thấy gì. Bỗng nghe soạt một tiếng ở đầu hồi, đám con nít nhảy lên reo mừng: “Mẹ ơi, có lá rụng”. Hóa ra là tàu lá cau già. Bố vội phẩy đám trẻ ra, định lấy cái tàu cau vào để cắt làm quạt thì anh trai ngăn lại, bảo: “Bố, để lại tụi nhỏ chơi kéo xe đi”. Thế là cả đám con nít đang lờ đờ, uể oải bật dậy ra xem cậu làm mẫu kéo xe, kéo được vài vòng mà cả sân như vỡ ra bởi những tiếng cười vô tư lự. Lát sau, cậu mệt quá không kéo nữa, vứt lại tàu cau để đám cháu tự chơi đùa rồi vào bàn nước vớ quyển báo quạt lấy quạt để, miệng kêu giá mà có cái quạt mo như ngày xưa.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Mẹ bất giác nhớ ra, chạy vào đuôi giường lật chiếu lên, mang ra mấy cái mo cau đã được cắt ép cẩn thận. Cả mấy anh chị em đều hớn hở như được mùa vậy. Dường như tuổi thơ quay ào lại, gương mặt mẹ cũng rạng rỡ như những ngày xưa. Những câu chuyện về chiếc quạt mo được cả nhà gợi lại, đám trẻ nít quây quần đọc vang “Thằng Bờm có cái quạt mo…”, cả gia đình gắn kết lại tự lúc nào quanh chiếc bàn nước. Chẳng như mấy ngày có điện, cứ ra sân ngồi hóng mát là mỗi người lại cầm một chiếc điện thoại rồi đắm mình vào cõi riêng, bố mẹ có hỏi cũng chỉ trả lời qua loa, đám trẻ có đòi chơi thì tiện tay bật cái iPad cho xem. Mất điện một hôm, cái khoảng cách giữa mỗi người được kéo gần lại đến không ngờ.
Ở cái tuổi ngoài ba mươi, ngồi bên ấm chè xanh, tay cầm chiếc quạt mo thốt nhiên tôi thấy nhẹ nhàng đến lạ. Bất giác hiểu cái cảm giác của những người già muốn vui thú điền viên, mọi tất bật lo toan như lùi lại sau cánh cổng tre cài hờ. Một khu vườn rau trái tự túc xanh tốt quanh năm. Hàng chè xanh được chăm chút cắt tỉa cẩn thận, nhìn vuông chằn chặn đến thích mắt. Một ao cá nhỏ để tưới tiêu và câu cá thư giãn, gà vịt chạy lăng xăng trong vườn. Một cái sân trước trồng hoa, một cây cau đứng trước cổng, dẫu nhà không có ai ăn trầu. Nhưng nó lại là một thói quen, gợi lại biết bao thương mến mỗi khi nhớ về những ngày thơ. Hình ảnh cây cau, hàng dừa, đống rơm, nhà mái tranh, mái ngói với màu khói lam un lên báo hiệu sắp đến bữa ăn khiến tôi nôn nao. Như thể trước những hình ảnh đó tôi sẽ bé lại như ngày xưa, để lách mình vào liếp cửa, đi qua hàng bông dâm bụt để vào nhà vậy.
Những con người lập nghiệp ở Tây Nguyên vốn là người tứ xứ. Với niềm thương nhớ miền đất cũ, họ đã cố gắng mang theo một chút gì đó của miền quê vào vùng đất mới. Và lũ trẻ chúng tôi, một ngày mất điện, khi đắm mình vào không gian hoài niệm của cha mẹ bỗng trở nên thương mến, bâng khuâng nỗi gì…
KIM SƠN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…