Mang Yang đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Thời gian qua, việc chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao luôn được huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) chú trọng triển khai. Từ đó, nhiều hộ dân đã thay đổi tư duy, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng.

Tận dụng quỹ đất sẵn có, chị Nguyễn Thị Thương (thôn Phú Yên, xã Hà Ra) đã đầu tư trồng các loại cây như: cà phê, hồ tiêu, bơ, mít, sầu riêng. Cùng với đó, chị tích cực học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình sản xuất hiệu quả, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt do Hội Nông dân các cấp tổ chức. Chị chia sẻ: Trên diện tích khoảng 10 ha, tôi trồng 2.000 cây cà phê, 800 cây bơ, 500 trụ hồ tiêu, 300 cây sầu riêng và 350 cây mít. Tôi chủ yếu chăm bón bằng phân hữu cơ, thường xuyên tỉa cành dư thừa, bị sâu bệnh để cây phát triển tốt, nâng cao năng suất.

 Anh Trần Đức Tiến (xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang) trồng chanh dây theo hướng hữu cơ. Ảnh: Phan Lài
Anh Trần Đức Tiến (xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang) trồng chanh dây theo hướng hữu cơ. Ảnh: Phan Lài


Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Vân-Chủ tịch Hội Nông dân xã Hà Ra-cho hay: Hội thường xuyên tổ chức cho hội viên đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại các mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, Hội cũng đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tổ chức tập huấn về khoa học kỹ thuật, giúp bà con sản xuất hiệu quả hơn.

Tại thị trấn Kon Dơng, gia đình chị Lê Thị Trúc (tổ 4) là một trong những hộ chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả cao. Trước đây, chị trồng gần 3 ha cà phê. Do giá cà phê giảm thấp nên chị chuyển đổi sang trồng 100 cây mắc ca, 400 cây thanh long, 200 cây bơ, 50 cây sầu riêng. Đến nay, vườn cây ăn quả cho thu nhập 400-500 triệu đồng/năm. Chị cho hay: “Thời gian đầu, do chưa nắm bắt kỹ thuật trồng trọt nên tôi gặp nhiều khó khăn. Sau đó, tôi tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về trồng trọt do Hội Phụ nữ tổ chức và dành thời gian đọc sách báo để tham khảo thêm. Ngoài ra, tôi còn tham quan các mô hình hiệu quả để áp dụng vào sản xuất. Hiện diện tích cây trồng của gia đình tôi phát triển rất tốt”.

Hiện nay, huyện Mang Yang đã chuyển đổi 5.415 ha cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây khác. Ông Võ Minh Quang-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-thông tin: “Đối với diện tích lúa Đông Xuân bị thiếu nước tưới, Phòng khuyến cáo người dân chuyển đổi cây trồng khác cho phù hợp. Chúng tôi khuyến khích bà con chuyển sang trồng bắp sinh khối và một số cây trồng khác ít phụ thuộc vào nước tưới. Mục tiêu của huyện trong thời gian tới là tập trung xây dựng, triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, từng bước hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với nhu cầu thị trường. Đặc biệt, xây dựng kế hoạch tiêu thụ nông sản của địa phương phù hợp với điều kiện phòng-chống dịch bệnh”.

 

 HÀ PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.