Mái nhà chung của nông dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đến nay, các nông hội, hội quán ở thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã trở thành mái nhà chung khi tập hợp đông đảo những nông dân cùng sở thích, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho mỗi hội viên.

Gắn kết nông dân

Gần 2 năm qua, thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 127-KH/TU của Ban Thường vụ Thị ủy An Khê về triển khai thí điểm mô hình nông hội, An Khê đã thành lập 5 nông hội và 1 hội quán với 251 hội viên. Nếu mô hình hội quán tập hợp những thanh niên cùng sở thích về nghệ thuật viết thư pháp thì nông hội đã trở thành mái nhà chung gắn kết những nông dân trồng cây ăn quả, rau, hoa, cây cảnh và ươm cây lâm nghiệp.

Được thành lập đầu tiên, đến nay, Nông hội hoa, cây cảnh An Khê đã tập hợp 115 hội viên cùng sở thích trồng hoa, cây cảnh. Ông Đỗ Văn Hùng-Chủ nhiệm Nông hội-cho hay: “Nông hội được thành lập vào tháng 9-2019. Vào ngày 20 hàng tháng, chúng tôi gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, tiêu thụ các loại hoa, cây cảnh trên địa bàn”.

 

 Hội viên Nông hội cây ăn quả, rau An Bình (thị xã An Khê) trao đổi kinh nghiệm trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ. Ảnh: Ngọc Minh
Hội viên Nông hội cây ăn quả, rau An Bình (thị xã An Khê) trao đổi kinh nghiệm trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ. Ảnh: Ngọc Minh


Cuối năm 2020, Nông hội cây ăn quả, rau phường An Bình cũng được thành lập. Hiện Nông hội có 6,5 ha cây ăn quả và hơn 7 ha rau. Gia đình ông Hoàng Văn Hùng (tổ 7, phường An Bình) có 7,5 sào bưởi da xanh, hơn 2 sào chuối tiêu hồng và hơn 1 sào trồng rau củ quả. Mỗi năm, ông thu nhập hơn 250 triệu đồng. Ông chia sẻ: “Khi tham gia Nông hội, tôi có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, học hỏi kỹ thuật chăm sóc vườn cây theo hướng VietGAP, hữu cơ. Bên cạnh đó, thông qua Nông hội, sản phẩm được mọi người biết đến nhiều hơn; các hội viên liên kết, hỗ trợ nhau tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm”.

Ông Nguyễn Hữu Hạnh-Chủ tịch Hội Nông dân thị xã An Khê-cho biết: “Mô hình nông hội hoạt động theo nguyên tắc “3 tự, 3 cùng, 3 không” (tự nguyện, tự quản, tự quyết; cùng nghĩ, cùng làm, cùng hưởng; không bộ máy, không kinh phí, không cơ sở vật chất) nên phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động sáng tạo, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên”.

Lợi ích thiết thực

Đã quá trưa nhưng tại khu vực trồng hoa của Nông hội hoa, cây cảnh An Khê vẫn còn nhiều hội viên miệt mài chăm sóc những chậu hoa phục vụ Tết Nguyên đán sắp tới. Bà Nguyễn Thị Bảy (tổ 1, phường An Tân) vui vẻ nói: “Năm nay, gia đình tôi trồng 700 chậu cúc. Nhờ Nông hội tạo điều kiện cho mượn đất nên việc chăm sóc thuận lợi hơn. Năm ngoái, cũng nhờ các hội viên giúp đỡ giới thiệu bạn hàng mà gia đình tôi bán hết 800 chậu hoa, lãi hơn 30 triệu đồng”.

Hội viên Nông hội hoa, cây cảnh An Khê (thị xã An Khê) trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc hoa. Ảnh: Ngọc Minh
Hội viên Nông hội hoa, cây cảnh An Khê (thị xã An Khê) trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc hoa. Ảnh: Ngọc Minh


Còn anh Lê Đức Trí-Chủ tịch Hội quán Thanh niên Tre Việt thì tâm sự: “Đến nay, Hội quán đã mở được 1 lớp dạy viết chữ thư pháp cho hơn 10 em học sinh trên địa bàn thị xã. Tại xưởng chế tạo sản phẩm mỹ nghệ, dịch vụ cà phê của Hội quán đã tạo việc làm cho 7 đoàn viên, thanh niên với mức thu nhập 4-5 triệu đồng/người/tháng. Các sản phẩm thư pháp, hàng mỹ nghệ được Hội quán kết nối tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành”.

Trao đổi với P.V, ông Đinh Văn Cương-Phó Bí thư Thường trực Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã An Khê-cho biết: “Thời gian tới, Thị ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai mô hình nông hội phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Bên cạnh đó, Thị ủy chỉ đạo các cơ quan liên quan hỗ trợ phát triển một cách bền vững những mô hình nông hội đã thành lập; phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức liên kết sản xuất, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm; có giải pháp cụ thể để định hướng, nâng cao chất lượng hoạt động; đề xuất các ngành chức năng tổ chức tập huấn để các thành viên nông hội có thể ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào quá trình sản xuất. Đồng thời, rà soát các loại hình phát triển sản xuất, dịch vụ, các ngành nghề đang phát triển tại địa phương, nếu đảm bảo điều kiện và có nhu cầu của người dân thì tạo điều kiện thành lập nông hội mới góp phần mang lại lợi ích thiết thực cho bà con nông dân”.

 

NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Đòn bẩy phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

(GLO)- Sau 2 năm triển khai hợp phần 5 của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, nhiều tuyến đường nội đồng ra vùng nguyên liệu sản xuất cà phê được đầu tư xây dựng.