Lớp học miễn phí của A Ngam

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Hơn 3 năm qua, dân làng Ngol (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) rất tin tưởng vào lớp học miễn phí do anh A Ngam trực tiếp đứng lớp.
Cứ đúng 17 giờ 45 phút ngày thứ tư hàng tuần, 10 cháu nhỏ từ lớp 1 đến lớp 5 lại đến nhà anh A Ngam để học thêm. Anh A Ngam trong trang phục chỉn chu, đứng ở cửa chờ sẵn, chào từng em. Trong ngôi nhà khang trang xây cách đây nửa năm, anh dành trọn phòng khách để làm phòng học với 4 bộ bàn ghế được xếp ngay ngắn, bảng đen sạch bóng. 
Buổi học bắt đầu lúc 18 giờ. Anh A Ngam xem lại bài tập đã giao tuần trước, gọi tên từng em để kiểm tra bài cũ. Phần bài mới được triển khai theo chương trình học trên lớp của học sinh. Trong bài giảng, anh gọi từng em trả lời, ai trả lời đúng sẽ nhận được tràng pháo tay tán thưởng, nếu sai sẽ nhận được chỉ dẫn, động viên. Vì thế, các em rất tự tin, hào hứng giơ tay phát biểu khiến lớp học trở nên sôi nổi.
Anh A Ngam chỉ hướng dẫn các em học 2 môn: Toán và Tiếng Việt. Vì học trò ở nhiều độ tuổi khác nhau nên bàn ghế và bảng đen cũng được chia đôi, phần bên trái dành cho lớp 1 và 2; phần bên phải dành để dạy các lớp 3, 4, 5. Tùy theo khả năng của từng em, với lớp 1 và 2, anh hướng dẫn các em cách phát âm và viết tiếng Việt; các lớp còn lại thì học kiến thức nâng cao. Trong quá trình dạy luôn có sự hỗ trợ của cô con gái lớn Mai Linh đang học lớp 9 Trường THCS Võ Thị Sáu (thị trấn Đak Đoa).
Lớp học của anh A Ngam gồm các em học sinh ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Ảnh: Phan Lài
Lớp học của anh A Ngam gồm các em học sinh ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Ảnh: Phan Lài
Trò chuyện với chúng tôi, anh A Ngam tâm sự: “Lúc còn nhỏ, mình rất thích đi học. Tuy nhiên, gia đình có đến 6 anh chị em nên khó khăn lắm. Tốt nghiệp THCS, mình phải nghỉ học để phụ giúp gia đình làm kinh tế. 18 tuổi, mình lập gia đình, là hộ nghèo nên phải bươn chải nhiều. Cũng nhờ chịu khó làm lụng nên kinh tế dần ổn định và thoát nghèo vào cuối năm 2020. Mình còn được làng tin tưởng bầu làm Trưởng thôn nhiều năm liền”.
Anh Trần Văn Chương-Bí thư Đoàn thị trấn Đak Đoa:Anh A Ngam là một trong những thanh niên dân tộc thiểu số có nghị lực vươn lên trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Việc mở lớp dạy học miễn phí của anh A Ngam rất ý nghĩa, giúp các em học sinh dân tộc Jrai tiến bộ hơn trong học tập. Hành động nhân văn này đã được Đoàn Thanh niên thị trấn giới thiệu, biểu dương trong đoàn viên, thanh niên.

Nói về việc mở lớp học miễn phí, anh A Ngam chia sẻ: Nhà ở gần trường, nghe cô giáo chia sẻ chuyện học sinh tiếp thu bài chậm, anh mới nảy ra ý định mở lớp học miễn phí nhằm giúp các em thêm cơ hội ôn tập, nâng cao kiến thức. Nhưng do chỉ tự học, không có bằng cấp gì nên cũng khá ngần ngại, đắn đo. Nhận được sự động viên của mọi người, anh mới có động lực để mở lớp học miễn phí này.

25-1 Anh A Ngam (ở giữa) luôn gần gũi, trò chuyện để các em học sinh gắn bó hơn với lớp học miễn phí. Ảnh P.L
Anh A Ngam luôn gần gũi, trò chuyện để các em học sinh gắn bó hơn với lớp học miễn phí. Ảnh: Phan Lài
Năm học 2018-2019 khai giảng cũng là lúc lớp học miễn phí bắt đầu đón học sinh. Lúc đầu, lớp chỉ có bảng đen, các em trải chiếu ra giữa nhà ngồi học. Sau đó, một người tốt bụng hỗ trợ thêm bàn ghế, sách, vở, bút mực.
Em Thắm (lớp 5, Trường Tiểu học số 3, thị trấn Đak Đoa) đã theo lớp học miễn phí này 3 năm. “Nhờ sự hướng dẫn tận tình của thầy A Ngam, em tiếp thu được nhiều kiến thức và được cô giáo khen tiến bộ. Học kỳ II năm học 2019-2020, em đã đạt danh hiệu học sinh hoàn thành xuất sắc trong học tập và rèn luyện”-Thắm chia sẻ.
Ngoài lớp học vào tối thứ tư, tối thứ bảy hàng tuần còn có 1 lớp của 9 học sinh THCS. Do kiến thức ở bậc THCS nhiều và khó nên anh A Ngam chỉ hỗ trợ, hướng dẫn các em cách tự học và làm việc nhóm. Trên cơ sở đó, các em tự ôn tập, hình thành những “đôi bạn cùng tiến” giúp đỡ nhau trong học tập. 2 lớp học duy trì 1 buổi/tuần, học từ 18 giờ đến 20 giờ; vào thời điểm thi học kỳ thì tăng lên 2-3 buổi/tuần.
“Mình không có bằng cấp gì nên chỉ hỗ trợ một phần nhỏ. Thầy-cô giáo ở trường có chuyên môn, kỹ năng sư phạm sẽ giúp các em nhiều hơn. Mở lớp học này, mình chỉ muốn giúp các em có thời gian ôn tập, để đọc thông, viết thạo hơn”-anh A Ngam bộc bạch.
Những học sinh đến với lớp này không chỉ ôn tập kiến thức mà còn nhận được sự động viên, cổ vũ, khích lệ tinh thần trong học tập. Chính sự tiến bộ của các em là động lực để anh A Ngam duy trì lớp học miễn phí.
Cô Đoàn Thị Thanh Thuyện-giáo viên chủ nhiệm lớp ghép 3, 4, 5 (Trường Tiểu học số 3 thị trấn Đak Đoa, điểm trường làng Ngol) chia sẻ: “A Ngam là học trò của tôi hơn 20 năm về trước. Em ấy học rất tốt nhưng gia đình khó khăn. Khi em chia sẻ việc mở lớp dạy thêm cho học sinh trong làng, tôi ủng hộ ngay và hỗ trợ em những kỹ năng cơ bản để đứng lớp, phương pháp dạy để học sinh dễ hiểu. Nhờ lớp học miễn phí này mà các em học sinh trong làng học tập tốt hơn, bà con có ý thức hơn trong việc tạo điều kiện cho con cái học tập”.
PHAN LÀI

Có thể bạn quan tâm

Dù đã về hưu nhưng bà Siu H’Prưng vẫn lưu giữ bằng khen do Bộ trưởng Bộ Giáo dục tặng như một kỷ vật trong quãng đời làm nhà giáo. Ảnh: Vũ Chi

Nhà giáo về hưu: Vẫn một tình yêu da diết với nghề

(GLO)- Dù đã về hưu nhưng tình cảm với trường lớp, với học trò vẫn mãi trong tim các thầy, cô giáo. Lắng nghe chuyện nghề của các nhà giáo đã về hưu tại thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) giúp ta hiểu thêm về những hy sinh thầm lặng của các thầy cô với sự nghiệp “trồng người”.

Bằng tình yêu nghề, mến trẻ nên dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng cô Ksor H'Hiền vẫn quyết tâm gắn bó với sự nghiệp trồng người. Ảnh: Vũ Chi

Ksor H'Hiền: Gia cảnh khó khăn vẫn quyết tâm gắn bó với bục giảng

(GLO)- Mặc dù đời sống giáo viên đã được cải thiện nhiều so với trước đây, song vẫn còn những trường hợp thầy cô giáo, đặc biệt là giáo viên hợp đồng đang phải vật lộn với gánh nặng mưu sinh. Cô giáo Ksor H’Hiền (tổ 2, phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) là một trường hợp như thế.