Lo ngại thiếu giáo viên khi triển khai chương trình mới lớp 10

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dù chương trình giáo dục phổ thông mới đã phê duyệt được 5 năm nhưng công tác chuẩn bị đội ngũ đáp ứng yêu cầu của chương trình vẫn chưa có nhiều chuyển biến, tình trạng thiếu giáo viên vẫn diễn ra.
Học sinh một trường trung học tại Hà Nội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Học sinh một trường trung học tại Hà Nội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Năm học tới, chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ được triển khai lần đầu tiên ở cấp trung học phổ thông.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề lo lắng của các nhà trường hiện nay là việc sắp xếp đội ngũ giáo viên giảng dạy, đặc biệt đối với các môn học mới.
Đáng chú ý, dù chương trình giáo dục phổ thông mới đã phê duyệt được 5 năm nhưng công tác chuẩn bị đội ngũ đáp ứng yêu cầu của chương trình dường như vẫn chưa có nhiều chuyển biến, tình trạng thiếu giáo viên vẫn đang diễn ra ở hầu hết các địa phương.
Theo dự báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến năm 2025, khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thực hiện ở tất cả các khối lớp, ngành giáo dục sẽ phải bổ sung hơn 11.300 giáo viên Ngoại ngữ và gần 7.300 giáo viên tin học ở cấp tiểu học; trên 5.300 giáo viên nghệ thuật ở cấp Trung học phổ thông.
Trên thực tế, chỉ còn 4 tháng nữa là bước vào năm học mới nhưng nhiều trường trung học phổ thông trên cả nước vẫn "trắng" giáo viên dạy môn âm nhạc, mỹ thuật và có thể chưa triển khai dạy các môn học này ngay trong năm học tới.
Cô Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Việt Đức (Hà Nội), chia sẻ ngay từ năm học 2022-2023, nhà trường chưa thể có được đội ngũ dạy âm nhạc và mỹ thuật. Do vậy, việc trước mắt là trường sẽ hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các môn học này. Việc dạy tổ hợp các môn nghệ thuật sẽ được nhà trường thực hiện trong năm học tiếp theo, khi sắp xếp được giáo viên.
Thầy Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (Hà Nội), cũng cho biết do thiếu giáo viên nên tạm thời năm học tới, trường không tổ chức môn nghệ thuật trong chương trình học chính khóa. Bù lại, trường sẽ đẩy mạnh câu lạc bộ các môn nghệ thuật để học sinh sinh hoạt, thể hiện năng khiếu.
Hiện nay, một số địa phương đang cố gắng triển khai các môn học này bằng kế hoạch đưa giáo viên ở bậc trung học cơ sở lên dạy trung học phổ thông. Song phương án nào cũng có những rào cản.
Theo thầy Nguyễn Phú Cường, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Thái Phiên (Hải Phòng), việc điều chuyển giáo viên cho dù có đáp ứng được về trình độ và bằng cấp nhưng việc một giáo viên dạy ở nhiều trường cũng xảy ra hiện tượng xung đột về thời khóa biểu. Việc sắp xếp thời khoá biểu để giáo viên có thể giảng dạy ở các trường khác nhau và không ảnh hưởng đến các môn học khác là điều không đơn giản.
Đánh giá về công tác chuẩn bị nhân sự ở các trường phổ thông khi triển khai chương trình mới, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu cho biết một số bộ môn chưa đáp ứng yêu cầu tối thiểu về giáo viên. Đơn cử, bậc trung học phổ thông yêu cầu 2 tiết/tuần với các môn nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật) nhưng hiện các trường không có nguồn tuyển giáo viên.
Ông Nguyễn Văn Hiếu bày tỏ tuyển giáo viên liên trường thay vì tuyển dụng cho từng trường riêng lẻ là một trong những giải pháp tình thế trong bối cảnh thiếu giáo viên nghệ thuật hiện nay. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi nhiều quy định quản lý đi kèm như biên chế, số tiết dạy của giáo viên. Trước mắt, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp như hợp đồng giáo viên thỉnh giảng, tạo điều kiện cho giáo viên dạy các môn nghệ thuật ở cấp trung học cơ sở dạy học ở trung học phổ thông với điều kiện đáp ứng yêu cầu về giảng dạy…
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép ứng viên có bằng cử nhân (cao đẳng hoặc đại học) chuyên ngành phù hợp các môn tin học, âm nhạc, mỹ thuật, ngoại ngữ 2 (tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp...) chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, chưa tham gia giảng dạy tại cơ sở giáo dục phổ thông được tham gia giảng dạy theo hình thức hợp đồng, thỉnh giảng tại các cơ sở giáo dục. Các ứng viên này cam kết bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trong vòng 12 tháng tính từ thời điểm bắt đầu tham gia giảng dạy. Đây được xem là một trong những hướng mở nhằm gia tăng nguồn tuyển giáo viên, giải quyết tạm thời bài toán thiếu giáo viên.
Ông Lê Duy Định, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai, chia sẻ mặc dù địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ (kiện toàn sắp xếp mạng lưới trường lớp, điều tiết thừa thiếu giáo viên cục bộ, cắt chuyển biên chế sự nghiệp từ các khu vực khác sang) nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu giáo viên ở mức tối thiểu để duy trì việc dạy và học. Bên cạnh việc thiếu nhiều giáo viên các môn tin học, ngoại ngữ, tiếng dân tộc, trong năm học 2022-2023, cấp trung học phổ thông bắt đầu triển khai chương trình mới sẽ tiếp tục thiếu giáo viên các môn âm nhạc, mỹ thuật, ngoại ngữ 2. Đặc biệt, hiện nay chưa có trường trung học phổ thông nào trên địa bàn tỉnh Gia Lai có giáo viên các môn học mới này.
Một lớp học tại trường Trung học cơ sở Hoàng Văn Thụ, xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)
Một lớp học tại trường Trung học cơ sở Hoàng Văn Thụ, xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)
Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên, Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai đã nhiều lần có văn bản đề nghị ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố bố trí nhân lực như tuyển dụng, ký hợp đồng lao động, thỉnh giảng, biệt phái giáo viên, bố trí 1 giáo viên dạy ở các trường trên cùng địa bàn... Bên cạnh đó, phối hợp với cơ sở đặt hàng đào tạo liên thông đối với số giáo viên chưa đạt chuẩn về trình độ; đào tạo mới giáo viên dạy các môn học mới.
Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất Bộ Nội vụ xem xét, trình Chính phủ sớm bổ sung đủ biên chế giáo viên cho tỉnh Gia Lai để đáp ứng quy mô phát triển trường, lớp và nhu cầu học tập của học sinh, tránh tình trạng có học sinh mà không có giáo viên. Trong trường hợp không bổ sung đủ biên chế giáo viên, Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai đề nghị Bộ có văn bản cho phép địa phương không tiếp tục tinh giản biên chế giáo dục và được phép hợp đồng giáo viên đứng lớp trong định mức quy định. Kinh phí trả lương hợp đồng trong phạm vi ngân sách địa phương tự cân đối.
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết Bộ đang tích cực làm việc với các cấp có thẩm quyền để có chỉ tiêu giáo viên, rà soát các chính sách, cơ chế để tháo gỡ vướng mắc cho tuyển dụng giáo viên.
Bộ trưởng cũng đề nghị lãnh đạo địa phương quan tâm, vận dụng tối đa và tổng hợp các biện pháp, từ có chỉ tiêu tuyển thêm, dùng ngân sách địa phương cho hợp đồng, đến bố trí dạy liên trường… Ngay từ bây giờ, các địa phương phải nhìn thấy toàn bộ vấn đề cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, các điều kiện khác cho tới năm học 2024-2025 - năm triển khai ở các lớp cuối cùng. Bởi với tốc độ triển khai cuốn chiếu rất nhanh, nếu chỉ lo cho một năm, khó khăn sẽ càng tăng nhanh hơn vào các năm tiếp theo.
Trong mùa tuyển sinh đại học năm nay, với những ngành thiếu giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ giao chỉ tiêu tuyển sinh tối đa cho các trường sư phạm, tức là trường đăng ký bao nhiêu chỉ tiêu, Bộ sẽ giao tối đa để đáp ứng yêu cầu.
Tại buổi làm việc với Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đặc biệt nhấn mạnh việc đổi mới cơ cấu ngành nghề, chương trình đào tạo của trường sư phạm để phù hợp với đổi mới chương trình phổ thông. Trong đó, các trường cần điều chỉnh để tăng cường đào tạo giáo viên khối nghệ thuật phục vụ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Việt Hà (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Bá Công tặng hoa chúc mừng 3 nhóm tác giả có dự án xuất sắc đại diện cho tỉnh tham gia cuộc thi cấp quốc gia. Ảnh: T.D

Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học, môi trường cho học sinh sáng tạo nghiên cứu

(GLO)- Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ 11 (năm học 2024-2025) do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức diễn ra từ ngày 9 đến 11-1 đã trở thành sân chơi bổ ích, trí tuệ, góp phần thúc đẩy sự khám phá, đam mê nghiên cứu khoa học trong học sinh.

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

(GLO)- Mô hình điểm về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong trường học được triển khai tại Trường THPT Ya Ly (huyện Chư Păh) bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường và xây dựng môi trường giao thông an toàn, thân thiện.

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 không còn đặt ra tỷ lệ học nghề sau THCS khoảng 30% như giai đoạn trước. Thực tế cho thấy việc áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không phù hợp và nảy sinh nhiều hệ lụy.

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

(GLO)- Chiều 3-1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai và Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tổ chức lễ công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai.