Đức Cơ: Gặp khó do thiếu giáo viên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm học 2019-2020, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai có 525 lớp học, tăng 21 lớp so với năm trước, trong đó, bậc mầm non 100 lớp, tiểu học 299 lớp, THCS 126 lớp với hơn 17.800 học sinh. Toàn huyện có 911 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên. 
Ông Võ Công Dương-Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đức Cơ-cho biết: “Việc tăng số lớp trong khi giáo viên không tăng buộc ngành phải dồn lớp học. Trước đây, đối với một số làng ở xa, ngành phải mở lớp ngay tại làng để đảm bảo việc huy động học sinh đúng tuổi đến trường cũng như tạo thuận lợi cho phụ huynh trong việc đưa đón con em. Nay thực hiện dồn lớp đồng nghĩa với việc các em phải đến học tại điểm trường chính”. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đối với bậc tiểu học, sĩ số học sinh mỗi lớp không quá 35 em, quãng đường từ nhà đến trường không quá 2 km. Tuy nhiên, việc dồn lớp khiến sĩ số tăng lên đến hơn 40 học sinh/lớp, đồng thời nhiều học sinh phải đi quãng đường xa hơn 2 km đến trường. “Riêng tại Trường Tiểu học Cù Chính Lan (xã Ia Nan), trước đây có 1 lớp tại làng Bi nhưng nay học sinh phải dồn về trường chính cách điểm trường cũ 5 km. Sĩ số học sinh cũng tăng lên 42 em/lớp, quá 7 em so với quy định”-ông Dương nêu dẫn chứng.
   Giáo viên Trường  Tiểu học  Võ Thị Sáu (thị trấn  Chư Ty, huyện  Đức Cơ)  vệ sinh  lớp học chuẩn bị cho năm học mới. Ảnh: T.T
Giáo viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) vệ sinh lớp học chuẩn bị cho năm học mới. Ảnh: T.T
Không chỉ vậy, việc dồn lớp cũng đang gây nhiều băn khoăn cho giáo viên. Cô Đỗ Thị Liễu-Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (thị trấn Chư Ty) trăn trở: “Trường chúng tôi vì thiếu giáo viên nên cũng phải dồn 1 lớp từ làng Trol Đeng về điểm trường trung tâm. Điều này gây ra nhiều khó khăn. Trước tiên, phụ huynh phải mất thời gian đưa đón con em mình. Sau nữa, ở các điểm trường làng, giáo viên có thể kèm cặp từng học sinh, nhất là học sinh dân tộc thiểu số nhưng nay dồn về điểm trường chính, sĩ số lớp đông thì giáo viên cũng khó có thể dành thời gian để giúp đỡ các em. Chính vì thế, chúng tôi đang lo lắng các em sẽ khó theo kịp các bạn tại điểm trường chính”.
Bên cạnh đó, năm học 2019-2020, toàn huyện có 25 giáo viên nghỉ hưu, chuyển công tác hoặc nghỉ thai sản vẫn chưa có giáo viên thay thế. Trong khi đó, theo quy định mới, các trường không được phép hợp đồng giáo viên trong chỉ tiêu biên chế để dạy thay. Được biết, học kỳ II năm học 2018-2019, một số trường vì thiếu giáo viên các bộ môn đặc thù như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Ngoại ngữ... nên phải hợp đồng với các giáo viên bên ngoài để giảng dạy. Tuy nhiên, 30 giáo viên hợp đồng dạy thay đến nay vẫn chưa được thanh toán chế độ. Nói về những bất cập này, cô Nguyễn Thị Hồng-Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung (thị trấn Chư Ty) cho biết thêm: “Nhà trường chỉ có 1 giáo viên dạy môn Mỹ thuật. Đến cuối tháng 4-2019, giáo viên này nghỉ thai sản nên chúng tôi buộc phải hợp đồng 1 giáo viên bên ngoài đứng lớp 71 tiết. Tuy nhiên, theo quy định mới, chúng tôi không được thanh toán chế độ cho giáo viên dạy thay. Nếu không có biện pháp cụ thể thì chúng tôi sẽ thiếu giáo viên dạy Mỹ thuật trong năm học mới”.
Trao đổi với P.V, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đức Cơ cho biết thêm: Năm học 2019-2020, ngành sẽ điều một số giáo viên những môn đặc thù ở các trường khác về dạy thêm, dạy thay cho những trường có giáo viên nghỉ thai sản, chuyển công tác để đảm bảo số tiết dạy và học. Tuy nhiên, ngành rất mong các cơ quan chức năng tạo điều kiện để các trường được thanh toán kinh phí cho các giáo viên đã hợp đồng để dạy thay trong học kỳ II năm học 2018-2019. “Cùng với đó, hiện nay, toàn huyện vẫn còn thiếu 65 giáo viên bậc học mầm non. Vì vậy đề nghị tỉnh sớm có giải pháp để ngành có điều kiện thuận lợi triển khai năm học mới”-ông Dương đề xuất.
 THIÊN THANH

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.