Sáng sớm 10-3 vừa qua (tức 19 tháng 2 âm lịch), tôi có mặt tại đình Chí Công. Trước mắt tôi là một dàn cờ hội cắm trong sân đình, cao nhất là lá cờ mang dòng chữ “Đại kỳ đình Chí Công” tung bay trước gió. Người dân thôn Chí Công đã có mặt từ rất sớm để chuẩn bị cho lễ hội. Ban Nghi lễ áo dài khăn đóng chỉnh tề kiểm tra lễ vật trước khi tiến hành lễ cúng Quý Xuân. Trò chuyện cùng tôi, Trưởng ban Nghi lễ, Phụng tế Nguyễn Dũng Chinh cho biết: “Sắc thần không được tự ý mở ra vì sợ thần linh trách phạt, 3 năm mới được mở 1 lần sau khi đã làm lễ cúng xin thần linh. Khai sắc là để người dân và du khách được xem sắc thần nhưng cũng là dịp để kiểm tra công tác bảo quản”.
Sau lễ cúng nghi thần, Phụng tế Nguyễn Dũng Chinh xin thần linh cho phép khai sắc thần đình Chí Công. Thủ sắc Đặng Xuân Hùng đưa 2 tay kính cẩn nâng hộp gỗ đựng sắc sơn son đặt lên chiếc bàn nhỏ trước ban thờ chính điện. Thủ sắc cùng với Phụng tế cẩn thận mở nắp hộp đựng sắc, lấy 3 ống nhựa PVC nút kín 2 đầu đặt lên bàn, sau đó rút từng sắc phong ra khỏi ống nhựa. Sắc phong được cuộn tròn, bên ngoài bọc một lớp giấy đỏ. Hai ông mỗi người cầm một đầu, mở lần lượt các sắc phong ra cho người dân và du khách xem, sau đó cẩn thận cuộn lại đưa vào ống nhựa, bỏ vào hộp, cất vào tủ sắc.
Theo Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn-Chủ nhiệm đề tài “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hán-Nôm trên địa bàn tỉnh Gia Lai”, năm 1911, thời Vua Duy Tân có 2 sắc ban: một sắc ban cho thần Thành hoàng và Thổ địa, một sắc ban cho thần Thiên Y A Na. Loại sắc này khá phổ biến trong các đình ở khu vực Nam Trung Bộ. Sắc thứ ba được Vua Duy Tân ban năm 1913, phong thần Núi Chí Công, là sắc phong thần núi duy nhất tại tỉnh Gia Lai.
Sắc phong ban cho thần Núi Chí Công (năm 1913 thời Vua Duy Tân). Ảnh: Nguyễn Anh Minh |
Sắc phong thần Núi Chí Công màu vàng sậm, viết bằng chữ Nho, có kích thước 126 cm x 50 cm. Sắc được đóng ấn “Sắc mệnh chi bảo”. Ấn của vua được đóng trên dòng chữ thể hiện niên hiệu. Mặt trước của sắc là đồ án hoa văn vẽ rồng bạc 5 móng điểm mây bạc và 5 đồ án bạc lớn, 2 đồ án bạc nhỏ vẽ chữ “thọ” cách điệu, xung quanh là viền hoa văn bạc. Ở giữa mặt sau sắc là đồ án hoa văn bạc vẽ 2 chữ “thọ” hình chữ nhật đứng, nối so le với nhau, hai bên là đồ án hoa văn bạc vẽ dây có tua rua cuốn quanh hộp chữ nhật và lá chuối vươn ra bốn phía.
Đình Chí Công đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử nhưng đến nay, 3 đạo sắc thần vẫn còn giữ gần như nguyên vẹn. Theo quan niệm của người dân, cùng với thần linh, 3 đạo sắc thần như vật thiêng phù hộ cho dân làng có cuộc sống ấm no, bình an, hạnh phúc. Chính vì vậy, mọi người dân đều có ý thức bảo vệ 3 đạo sắc thần này.