Liên kết chuỗi trong ngành Mía đường: Cần có sự chặt chẽ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Tối ưu hóa chi phí sản xuất từ tăng quy mô diện tích đến nông hộ, tìm kiếm các giải pháp kỹ thuật canh tác mới tăng năng suất, nguồn cung ứng vật tư đầu vào với chất lượng và giá cả hợp lý trong hoạt động vận hành cơ giới, quản lý tài chính, lập kế hoạch canh tác theo biến động của thời tiết là một trong những giải pháp cần sự chung tay từ phía doanh nghiệp và những người dân trồng mía để có thể tăng năng lực cạnh tranh của ngành Mía đường trong bối cảnh biến động kinh tế thị trường ngày càng phức tạp.

Giá mía, đường niên vụ 2022-2023 tăng nhưng chưa đủ

Niên vụ ép 2022-2023 của ngành Mía đường Việt Nam được nhiều chuyên gia dự báo lạc quan và tích cực. Theo đó, giá mía tiếp tục được kì vọng sẽ tăng từ 50 ngàn đồng/tấn đến 80 ngàn đồng/tấn (mía 10 CCS) khi Việt Nam áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thương mại bằng hình thức áp thuế Phòng vệ Thương mại (PTVM) đối với 5 quốc gia khu vực Asean sau khi đã áp dụng đối với Thái Lan. Cùng với đó giá đường trên thế giới duy trì ổn định mức 17-18 cents/lb dù dự báo sản lượng đường thế giới có thể thặng dư nhẹ từ 1-2 triệu tấn.

Bơm thuốc chế phẩm cho cây mía. Ảnh TTCS Gia Lai cung cấp
Bơm thuốc chế phẩm cho cây mía. Ảnh TTCS Gia Lai cung cấp


Đan xen với những yếu tố tích cực về vĩ mô ngành là các yếu tố tiêu cực tổng thể chung khi các dự báo kinh tế thế giới còn đối mặt với nhiều thách thức như suy giảm kinh tế, lạm phát toàn cầu khiến các quốc gia thắt chặt chính sách chi tiêu khiến nhu cầu hàng hóa suy giảm… sẽ tác động không nhỏ đến giá đường trong tương lai, khả năng cao chỉ duy trì theo mức hiện tại. Kinh tế Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế hội nhập sâu rộng, lãi suất tăng nhanh trong thời gian ngắn gần đây, dự báo tiếp tục căng thẳng cho những tháng cuối niên độ 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, nhu cầu tiêu dùng sẽ sụt giảm. Đặc biệt, chiến tranh giữa Ukaine-Nga kéo dài khiến giá vật tư phân bón tăng cao bởi đây là 2 quốc gia chiếm gần 50% nguồn DAP, kali của thế giới. Giá nguyên vật liệu cho các ngành sản xuất tăng mạnh từ chi phí vận chuyển, logistic, vật liệu phụ... Ngành Đường Việt Nam, đường lậu vẫn là một thách thức lớn gây ra sự suy giảm đối với giá đường trong nước.

Những khó khăn này ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, hoạt động sản xuất nông nghiệp, trong đó có cây mía. Do vậy dự báo giá đường và giá mía sẽ khó tăng theo kỳ vọng của các chuyên gia, có thể chỉ tăng khoảng 30-50 ngàn đồng/tấn, tương đương 40%-50% mức giá dự báo so với bình quân của vụ ép 2021-2022. Đặc biệt, khi giá vật tư nguyên và vật liệu sản xuất tăng, sức mua suy giảm và áp lực về đường lậu những tháng cuối năm rất lớn.

Thiết bị cơ giới chăm sóc cho cây mía. Ảnh TTCS Gia Lai cung cấp
Thiết bị cơ giới chăm sóc cho cây mía. Ảnh TTCS Gia Lai cung cấp



Cần liên kết theo chuỗi giá trị

Đứng trước những biến động ngày càng phức tạp và bất ổn của nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam chịu nhiều tác động buộc hoạt động sản xuất nông nghiệp ngoài sản xuất thuần túy đáp ứng đủ sản lượng cần phù hợp với nhu cầu của thị trường. Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp nông nghiệp đã kết nối thị trường với người sản xuất để đưa sản phẩm nông nghiệp vươn ra thế giới dù giá sản phẩm biến động và còn bấp bênh.

Quản trị canh tác số FRM. Ảnh TTCS cung cấp
Quản trị canh tác số FRM. Ảnh TTCS cung cấp


Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam ở hầu hết các loại cây trồng vẫn chưa thể hiện được thế mạnh trong liên kết theo chuỗi giá trị từ nguyên liệu đầu vào đến áp dụng các giải pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, đảm bảo đầu ra đúng yêu cầu. Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất tự chủ động nguồn cung cùng các giải pháp hỗ trợ nông dân sản xuất. Tuy nhiên, nhiều nông dân tự mua nguyên liệu sản xuất thông qua các đại lý trung gian nên chất lượng hàng hóa không đảm bảo, giá cao, chịu lãi suất nếu mua trả sau. Vì vậy, hiện tượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi giả đang là vấn đề nóng hiện nay, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của nông dân.

Nhận thức được vấn đề trên, hiện nay nhiều doanh nghiệp điển hình cho hoạt động chuỗi liên kết từ đầu vào, giải pháp kỹ thuật đến đầu ra sản phẩm như Mía đường Nghệ An (Nasu), Mía đường Lam Sơn (LSS), Mía đường Quãng Ngãi (QNS) hay các doanh nghiệp thuộc Thành Thành Công-Biên Hòa (TTCAgriS). Cây mía là cây nông nghiệp có hiệu quả thấp hơn so với một số loại cây trồng khác nhất là cây ăn quả nếu xét trên đơn vị diện tích. Do vậy, các doanh nghiệp mía đường cần hướng tới hiệu quả sản xuất tổng thể và tiến hành nhiều giải pháp cung ứng đầu vào như đầu tư phân bón, giống, tiền cho người trồng mía. Điển hình như Thành Thành Công-Biên Hòa đã thực hiện các mô hình ngân hàng đất đai để liên kết thành cánh đồng lớn phát huy hiệu quả cơ giới, chương trình giống sạch bệnh 3 cấp thông qua nuôi cấy mô nhằm giúp nông dân có giống mía sạch bệnh cũng như các chương trình đầu tư máy móc thiết bị để giảm chi phí sản xuất, tăng sự chính xác trong hoạt động nông nghiệp, tổ chức dịch vụ thu hoạch và vận chuyển cho người trồng mía về nhà máy trong vòng 24 giờ để nâng cao chất lượng cây mía. Việc tổ chức liên kết cung ứng các giải pháp đầu vào sản xuất có thể giảm được từ 5-10% chi phí sản xuất so với thông thường (tương ứng 30-60 ngàn đồng/tấn mía 10 CCS) khi so sánh với các doanh nghiệp không liên kết sản xuất. Đặc biệt, lợi nhuận của cây mía có thể tăng nếu liên kết thành cánh đồng lớn giúp thu nhập lên 200-300 triệu đồng/hộ/năm, thậm chí nhiều nông hộ thu nhập có thể lên đến 3-3,5 tỷ đồng/hộ/năm, sau khi trừ chi phí như trường hợp một số người trồng mía tại Tây Ninh.

Để phát triển được chuỗi liên kết này doanh nghiệp phải có tầm nhìn dài hạn và đầu tư vào các giải pháp nghiên cứu, phát triển đội ngũ nhân sự cũng như chịu sự đánh đổi nhiều chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chân dung người trồng mía tương lai

Xu hướng công nghiệp hóa, nhân công lao động và lực lượng sản xuất nông nghiệp ngày càng khan hiếm là cơ hội cho ngành công nghiệp mía đường phát triển, đặc biệt đối với các doanh nghiệp và nông dân trồng mía có sự tham gia vào chuỗi liên kết tuần hoàn. Do vậy, với mục tiêu chuyển đổi từ “Sản xuất nông nghiệp” sang “Kinh tế nông nghiệp”, người trồng mía cần thay đổi tư duy sản xuất chuyển từ sản xuất nhỏ, lẻ sang sản xuất trên diện tích lớn thông qua thuê đất để đảm bảo thu nhập trên 200 triệu đồng/hộ. Mở rộng quy mô sản xuất thông qua việc thuê đất và tổ chức sản xuất với diện tích tối thiểu từ 15-20 ha/hộ và có thể hợp tác với các hộ có đất nâng diện tích trồng mía từ 500-700 ha/hộ. Bên cạnh đó, tiếp nhận giải pháp kỹ thuật và kỹ năng quản lý đồng ruộng hiện đại, áp dụng khoa học và công nghệ tiên tiến.

Đời sống doanh nông trồng mía Tây Ninh. Ảnh TTCS cung cấp
Đời sống doanh nông trồng mía Tây Ninh. Ảnh TTCS cung cấp

Đồng thời, canh tác với quy mô từ 20 ha trở lên thì quản lý đồng ruộng từ đầu vào để chăm sóc kịp thời như phân bón, vật tư và máy móc thiết bị, nhất là quản lý nhân công để đảm bảo được chất lượng sản xuất. Đặc biệt, phải có sổ ghi chép lại các chi phí sản xuất, công nợ để tổng kết biết được hiệu quả kinh tế cũng như làm cơ sở cho các năm tiếp theo. Hiện nay, các doanh nghiệp nông nghiệp đưa ra các ứng dụng để nông dân có thể quản lý sổ sách qua điện thoại và có thể tính toán được hiệu quả sản xuất như Thành Thành Công-Biên Hòa bắt đầu tung ra nền tảng AgriS Farmer với mong muốn cung cấp thông tin giữa doanh nghiệp và nông dân trồng mía, trong tương lai đơn vị này sẽ phát triển các tính năng thêm về kết nối với các bên cung cấp dịch vụ thứ ba từ đất, dịch vụ cơ giới, công lao động đến vật tư nông nghiệp để đảm bảo tính tiện dụng cho hoạt động sản xuất phục vụ người trồng mía. Phát triển chuyên sâu về kỹ thuật canh tác và tương lai hướng đến các cây trồng khác.

Hoạt động mía đường dù đang trong giai đoạn chu kỳ lên của ngành Đường thế giới và các chính sách Phòng vệ Thương mại. Tuy nhiên để phát triển bền vững trong biến động kinh tế thị trường ngày càng nhanh chóng, chuỗi giá trị liên kết cần tiếp tục phát huy nhờ vào sự phát triển của công nghệ để gắn kết ngày càng sâu rộng và chặt chẽ hơn giữa doanh nghiệp cung ứng nguyên liệu, giải pháp kỹ thuật đầu vào đến sản phẩm đầu ra.

 

THÀNH CÔNG

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.