Lê Thị Thúy Vân: Cô giáo "mát tay" luyện trò giỏi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhiều năm gần đây, cô giáo Lê Thị Thúy Vân (Tổ trưởng Tổ chuyên môn Vật lý-Công nghệ, Trường THCS Chu Văn An, thị trấn Chư Prông, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) được biết đến là một giáo viên “mát tay” trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi.
Ngày còn đi học phổ thông, từ việc thần tượng thầy Hiệu trưởng kiêm giáo viên dạy môn Vật lý nghiêm khắc nhưng rất ân cần, tài hoa mà Vân đã quyết định sau này mình cũng sẽ là giáo viên dạy Vật lý.
Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai năm 2005, cô Vân về dạy học tại trường THCS Chu Văn An. Với năng lực chuyên môn vững vàng, sau 1 năm công tác, cô được phân công bồi dưỡng học sinh giỏi của trường. Ba năm sau, phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã lựa chọn cô bồi dưỡng cho các em học sinh giỏi cấp huyện tham gia thi học sinh giỏi cấp tỉnh.
Nhiều năm qua, gần như năm nào đội tuyển học sinh giỏi môn Vật lý do cô Vân bồi dưỡng cũng đạt được giải cao. Điển hình, năm 2018, các em đạt 1 giải nhất, 1 giải ba; năm 2019 đạt 1 giải nhất, 2 giải nhì, 2 giải ba và 1 giải khuyến khích. 
“Vật lý lâu nay vẫn bị coi là môn học khô khan, khó nhằn. Lại thêm điều kiện còn nhiều thiếu thốn của một trường huyện vùng biên giới, trang-thiết bị thực hành không có nhiều, đòi hỏi giáo viên trước tiên phải biết truyền cảm hứng cho học sinh. Không có môn học nào khó, chỉ cần biết tìm ra phương pháp dạy và học phù hợp. Với tôi, trước tiên phải đảm bảo được chất lượng tiết dạy. Mỗi học sinh đều có những năng lực riêng, không ai giống ai nên với những em có hạn chế về môn Vật lý thì cần phải giúp các em nắm được kiến thức căn bản nhất. Còn đối với những em có tố chất sẵn thì tôi tìm cách để các em phát huy hết năng lực đó”-cô Vân chia sẻ.  
Cô Lê Thị Thúy Vân trong một giờ dạy tại Trường THCS Chu Văn An, thị trấn Chư Prông). Ảnh: Hà Duy
Cô Lê Thị Thúy Vân trong một giờ dạy. Ảnh: Hà Duy
Để có bài giảng cuốn hút học trò, cô Vân đã tìm tòi phương pháp dạy riêng, nhất là vận dụng các bài học lý thuyết vào thực tiễn, lấy những ví dụ thực tế gần gũi với các em. Ngoài hình thức cô giảng trò nghe, cô Vân còn tổ chức những buổi học dưới hình thức giáo viên đưa ra đề bài, học sinh chia nhóm thảo luận với nhau, tự tìm câu trả lời, sau đó cử đại diện thuyết trình lại với cô giáo. Điều này tạo nên sức hấp dẫn, kích thích sự tìm tòi, khám phá của học sinh, đồng thời tạo sự tương tác giữa học trò và cô giáo. Với phương pháp đó, cô Vân đã biến các vấn đề từ phức tạp thành đơn giản, giúp học trò hiểu nhanh, hiểu kỹ.
Trong đội tuyển thi học sinh giỏi, có em nhà ngay thị trấn nhưng cũng có nhiều em nhà ở các xã khá xa trường, cô Vân đã đưa về nhà mình lo cơm nước giúp bớt phải đi lại nhiều, đồng thời có thời gian ôn tập thêm cho các em. Có em học sinh giỏi do cô bồi dưỡng, khi thi vào Trường THPT chuyên Hùng Vương (TP. Pleiku) đã tiếp tục được nằm trong đội tuyển học sinh giỏi đi thi quốc gia. 
Chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy, cô Vân cho biết: “Muốn học sinh yêu thích môn học của mình, ngoài tìm được phương pháp dạy dễ hiểu thì bản thân mỗi giáo viên phải giữ cho được ngọn lửa đam mê. Đối với môn Vật lý, tôi càng dạy càng mê. Tôi thấy hạnh phúc khi nhận ra một học sinh nào đó cũng mê môn Vật lý như mình. Có em rất giàu khả năng nhưng vì nhiều lý do mà có xu hướng “chống đối”, may mắn là sau nhiều lần tìm hiểu, gần gũi và chia sẻ, học sinh đó đã tập trung học và học rất tốt”. 
Thầy Hứa Như Bình-Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An-nhận xét: “Cô Vân là giáo viên có chuyên môn vững, chịu khó tìm tòi, sáng tạo những phương pháp học tốt, đem kiến thức mới đến cho học sinh. Cô luôn gần gũi học sinh, sát sao với lớp nên lớp nào được cô làm chủ nhiệm cũng đều dẫn đầu các phong trào thi đua của nhà trường. Cô thực sự là một người “có duyên” với việc bồi dưỡng học sinh giỏi. Bên cạnh đó, cô còn là đảng viên, là Tổ trưởng chuyên môn năng nổ, luôn hòa đồng, tôn trọng đồng nghiệp”.
Với những nỗ lực trong chuyên môn cũng như nhiều phong trào khác, cô Vân nhiều năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; liên tiếp 2 năm học 2018-2019 và 2019-2020, cô được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước.
“Phần thưởng lớn nhất đối với tôi là có thêm nhiều học sinh say mê môn Vật lý. Với giáo viên, không gì hạnh phúc hơn khi thấy học sinh của mình tiến bộ từng ngày”-cô Vân chia sẻ. 
HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Bá Công tặng hoa chúc mừng 3 nhóm tác giả có dự án xuất sắc đại diện cho tỉnh tham gia cuộc thi cấp quốc gia. Ảnh: T.D

Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học, môi trường cho học sinh sáng tạo nghiên cứu

(GLO)- Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ 11 (năm học 2024-2025) do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức diễn ra từ ngày 9 đến 11-1 đã trở thành sân chơi bổ ích, trí tuệ, góp phần thúc đẩy sự khám phá, đam mê nghiên cứu khoa học trong học sinh.

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 không còn đặt ra tỷ lệ học nghề sau THCS khoảng 30% như giai đoạn trước. Thực tế cho thấy việc áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không phù hợp và nảy sinh nhiều hệ lụy.

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

(GLO)- Chiều 3-1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai và Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tổ chức lễ công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai.